Tác giả - Tác phẩm

Phóng sự, dấn thân và những lần suýt 'toi'

HOÀNG ANH (ghi theo lời kể của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng) 21/06/2025 09:30

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã dành cho chúng tôi những câu chuyện thú vị, bất ngờ về nghề báo.

00:00

gen-h-rua-vang(1).jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bên những động vật quý hiếm được giải cứu

Đang “buôn hàng cấm” thì thấy mình chém gió trên ti vi

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể: Có lần tôi liên lạc (không để lại dấu vết số điện thoại hay tài khoản mạng xã hội mang tên mình) với một nhân vật khét tiếng về buôn bán các loài rượu ngâm nguyên con các loài thú quý hiếm hoang dã mang từ Lào về. Anh ta cũng tổ chức trồng, thu mua cây anh túc (thuốc phiện) rồi thu hái và ngâm lẫn với rượu, kèm thi thể, "hài cốt" các loài vật hoang dã vô tội để bán khắp cả nước. Sản phẩm nào trong hũ rượu của anh ta cũng thuộc vào hàng sai phạm. Có khi trong bình rượu nguyên cả một bào thai gấu, bào thai sơn dương hoặc nguyên thi thể chú hổ con tội nghiệp.

Tôi nai nịt gọn gàng, để cả xe ô tô của mình chĩa mũi vào khu quần anh tụ hội, camera ở kính lái liên tục ghi hình. Ba lô cũng có máy quay giấu kín. Ghi âm thì cài trong người cậu bé được giới thiệu là lái xe riêng của “ông chủ” giàu có (là tôi, nhà báo).

Ông chủ thận trọng bê ra vài thứ hàng cấm, cả rổ nụ, quả anh túc tươi nguyên, khứa nhẹ là nhựa thuốc phiện ứa ra. Trong buồng, vài hũ vùi thây động vật hoang dã quý hiếm trong rượu được trưng bày với những cái tên đầy “kích động”: “Ông uống bà khen”, “Thuỷ hoả âm dương”, “Tráng dương bổ thận”, “Nhất dạ đế vương”… Tôi nhìn bối cảnh, tưởng tượng tới kho dữ liệu cho phóng sự sắp tới, thấy mình vào đúng “hang cọp” để bảo vệ những điều hay lẽ đúng cho cộng đồng nên khá hào hứng.

Đang mơ màng nhập vai và chém gió. Chợt ông chủ bật ti vi, với màn hình to đoành. “Anh sướng nhất là xem bóng đá ở phòng này, chú ạ”. Rồi anh châm xì gà. Tôi nhìn lên màn hình ti vi hiện đại to như tấm phản. Ôi trời, chính tôi, ăn mặc mũ mãng thế nào thì vẫn đúng là chính tôi, Đỗ Doãn Hoàng đang nói trên màn hình. Chương trình “Cà phê sáng” của VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam. Họ ghi hình đã lâu…

Ông chủ sững sờ. “Thế chú là Đỗ Doãn Hoàng à”. Màn hình bắn chữ tên tôi, lại còn kèm chức danh “Nhà báo”. Tôi cười, “Vâng. Em nói ở mục này suốt, có tuần 3 lần đấy bác. Gớm, đi nhà nghỉ rất bất tiện, vì toàn bị nhận ra”, rồi nâng ly.

“Thế chú lừa anh à, hay định tố cáo bắt anh?”. Tôi tái mặt nhưng vẫn bả lả. “Gớm, định tố bác, phá bác, thì em tố luôn, chứ vào đây nhậu làm gì? Thế bác nghĩ là nhà báo thì không cần tới tráng dương bổ thận hay ông uống bà khen sao? Bác quá nhầm. Em cũng là đàn ông mà nhỉ”.

Rồi chúng tôi cười vang. Ông chủ giả say, vẫn áy náy, dù không dám làm gì tôi, dẫu điền trang thái ấp của ông camera an ninh khắp nơi và tay chân cũng chẳng phải dạng vừa. Đơn giản, tôi đã làm gì sai đâu.

Tôi đánh bài ngửa, mời ông một ly rượu 138 (rượu có pha cây lá cành anh túc, tôi xin lỗi có uống vài ly, dù điều này là không nên), rồi quả quyết:

“Nếu bác còn e ngại em, thì thẻ nhà báo của em đây, bác nên chụp lại, xe em kia, bác nên ghi biển số. Anh em mình chụp chung với nhau cái ảnh làm kỷ niệm. Mai em làm gì sai với bác, bác cứ đi tìm, đập chết ăn thịt vẫn chưa muộn”.

Người đàn ông ở xứ Thái (Sơn La) cười rung râu, râu chổi xể của anh ướt sũng rượu. “Thế thì anh tin chú rồi”.

Sau này, phóng sự của tôi gây một cuộc ra quân xử lý của các đồng chí kiểm lâm khá ầm ĩ. Nhưng quả là tôi đã không dám viết đích danh về địa chỉ nhà anh ta. Các ảnh về chủ đề này cũng không ghi rõ chụp ở địa chỉ cụ thể nào. Mà tất cả, phải nằm trong một xê-ri tư liệu và ảnh về mô tả thực trạng giết chóc động vật hoang dã quý hiếm, trồng cây thuốc phiện trái phép. Các địa chỉ mà tôi chưa bị lộ thân phận rồi bị “nắm thóp” khác sẽ bị bóc mẽ và xử lý quyết liệt. Tôi đã đưa câu chuyện có thật này vào giáo trình báo chí điều tra của mình để giảng cho sinh viên và người làm báo trẻ. Một sự thiếu thận trọng gây hậu quả, may là chưa quá nghiêm trọng.

Chị đẹp vùng giáp biên và câu chuyện “con hổ - thợ săn”

Đỗ Doãn Hoàng là người hay chuyện. Anh có một kho tàng kiến thức, 1 kho tàng thực tiễn làm báo rất phong phú. Anh kể tiếp: Có lần, đi hơn nghìn cây số vào khu vực giáp ranh Đà Nẵng và Kon Tum, vượt đèo Lò So huyền thoại, chúng tôi tiếp cận với một “quý bà”… vào hàng cán bộ lãnh đạo huyện. Chị này tự tin buôn hàng lậu, hàng cấm từ biên giới Lào và Campuchia về. Vì khu vực chị sinh sống, kinh doanh và làm cán bộ, gần ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia. Hàng của chị thường xuyên phục vụ cả cán bộ sở tại . Chị có một khu nhà hàng sang trọng, với tiếp viên là các cô gái trẻ da ngăm đen, người dân tộc thiểu số giáp biên. Chị đẹp và giàu, lại quan hệ rộng. Mỗi lần tiếp chúng tôi, chị thường mặc trang phục thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên.

Hàng cứ qua biên giới, chưa cần chị nhìn thấy hay sờ vào, từ hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc đã được phù phép thành hàng hợp pháp của chị với giấy tờ hợp lệ. Mọi thứ chị lo từ trước. Chị cho người ta gùi hàng cấm đi cả đoàn. Nói trước với “các chú ấy” bằng mật khẩu “đồ của chị H” là hàng vi phạm bằng nào cũng qua được.

Trước khi đưa chúng tôi lọt vào xem đủ thứ hàng đụng đâu cũng thấy sai, thấy sốc, chị mỉm cười với thằng em đối tác Hà Nội vừa ghé thăm. “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”, bỗng dưng chị lẩy Kiều làm tôi sốc toàn tập. “Chú với chị phải chụp một cái ảnh làm kỷ niệm, chị vui quá là vui”. Rồi bả lả, chị đưa máy điện thoại đắt tiền của chị cho người lái xe của tôi, rồi người của chị, bảo chụp đi nào. Người của tôi đã được dặn, các vụ kiểu này thì cứ chụp mờ, chụp ở góc khó nhận mặt “phe ta” nhất, hoặc giả đò say rượu bấm ngược lên trần nhà. Nhưng đến lượt trợ lý với lái xe và nhân viên của chị ấy, thì chắc chắn chụp ảnh nào cho sếp cũng nét đanh.

Đêm, chị tìm tư liệu, mạng xã hội về người trong ảnh, google cho phép tìm kiếm bằng “photo” cũng trứ danh lắm. Chị làm một bài thơ tặng chú em, trong đó có câu đại ý là đã làm việc thì phải tin nhau, đã không tin thì tốt nhất cứ là kẻ thù của nhau. Đã có mặt nhau trong ảnh, ai phụ bạc ai thì cứ đi tìm mà rành mạch ân oán. Rồi chị gửi hình chụp từ camera an ninh khu điền trang thái ấp của chị, đây là xe của chú. Đây là tất cả người đi cùng chú, vài người có biểu hiện không được tự nhiên lắm. Dường như tôi nghe tiếng cười ngất, hàm răng trắng xinh tươi của bà chị cứng tuổi và từng trải ấy qua tin nhắn.

Vài người còn gửi toàn bộ những hình ảnh họ đã có về chúng tôi lên nhiều hội nhóm kín, bảo tìm hiểu, truy xét, bảo khả nghi lắm, anh chị em trông thấy thì… “liệu bề cư xử” nhé. Hú hồn, người của chúng tôi vẫn “nằm vùng” trong vài hội nhóm, nên nắm được thông tin cả.

Trong một phóng sự, tôi đã mô tả trên đây là kỹ năng họ điều tra ngược về nhà báo và đe doạ một cách rất cao tay.

Vào chốn thác loạn, máy anh hết pin, chú cho anh mượn điện thoại

gen-h-trai-nghiem.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tác nghiệp ở châu Phi

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng có nhiều chuyến tác nghiệp ở nước ngoài. Anh kể về 1 chuyến đi châu Phi làm điều tra: Lúc ở châu Phi, tôi còn được các ông trùm hàng Phi (buôn sừng tê giác, ngà voi, xương sư tử, các mẫu vật từ sự giết chóc các loài này phục vụ trưng bày) trị giá tiền tỷ mời đi dự tiệc tại gia. Không vào hang sao bắt được cọp? Tôi buộc phải tay không đến dự hội. Vì người của tôi không ai được mời. Và vì tôi không dám mang theo bất cứ thứ gì… hữu ích cho mình và nghề của mình được, ví dụ dụng cụ tự vệ, thẻ nhà báo, máy ghi âm, ghi hình, máy định vị để đồng đội biết tôi đang ở đâu...

Bởi, theo kinh nghiệm, họ có thể nửa đùa nửa thật khám người tôi, lục thiết bị khả nghi (sợ tôi là nhà điều tra nào đó của quốc gia nào đó hoặc sợ tôi là đối thủ cạnh tranh triệt hạ họ). Đến nơi, họ trân trọng cho gia nhân đỡ áo khoác, đặt lên giá treo sang trọng. Tôi hiểu rằng, lát nữa vào phòng đại tiệc, cái áo bên ngoài sẽ bị lục tung. Bất cứ dấu hiệu nào cho thấy tôi là nhà báo hay có máy ghi âm, ghi hình thì coi như tôi sẽ… "tèo".

Vào phòng, bỏ giày ở ngoài, tôi tái mặt nếu các bảo bối phòng thân để dưới tấm lót giày, cũng có thể bị lật ra khám xét. Chưa hết, các đối tượng đem hình ảnh, câu chuyện về đủ các ông bà trùm ở Hà Nội, ở Nam Phi (là người Việt) ra hỏi, nếu là “cùng hội cùng thuyền” thì không thể nào không biết. Mà có biết người bảo kê của tất cả các hoạt động này không? Không được bảo kê thì ông làm ăn bằng mắt à? Rồi video call qua Facebook, Zalo, hai bên ba mặt một lời nói chuyện oang oang lúc “rượu vào lời ra”. Chỉ một sơ suất, thiếu chuẩn bị, là “toang” một hoặc một vài nhà báo điều tra.

Rồi họ mời vũ nữ thoát y tới nhảy nhót. Khi say, họ mang hàng ra sử dụng, có khi là một vài lạng cao hổ, cao sư tử, sừng tê giác mài quèn quẹt. Có lúc là cần sa… Rồi họ hỏi giá, hỏi cách phân biệt thật giả, xịn rởm của từng loại. Nếu không tìm hiểu và nhập vai kỹ, có đủ các kiến thức trên, thì trẻ lên ba cũng biết tôi chẳng phải trùm buôn như đã chém gió và “xuống tiền” rất “cuốn” lâu nay. Lúc về, họ tặng vài lạng hàng cấm, cả nắm hàng đắt đỏ… với mong muốn làm ăn to và dài lâu. Có thể, dọc đường, họ báo người tới bắt kẻ “tàng trữ hàng cấm” là chính tôi. Vậy phải làm sao? (Trong tư liệu điều tra của mình, tôi giữ nhiều tấm ảnh, mình đi nộp hàng cấm cho cơ quan chức năng nước bạn, ngay sau khi được tặng ít lâu).

Đặc biệt, giả đò say, vờ như thân thiết quá. “Điện thoại của anh hết pin. Anh mượn chú cái điện thoại gọi video về nhà kẻo bà xã lại gào lên”. Chả có lý do gì không bật điện thoại và mở mật khẩu, cho “ông anh thân thiết” nhờ tí. Trong đó, có hình ảnh bạn họp cơ quan, với toà báo hoành tráng không? Có cảnh bạn nhận giải ở đâu đó ghi rõ giải báo chí… gì đó không? Và vợ con bạn sum vầy. Có không? Mạng xã hội của bạn, có ảnh đại diện là bạn với cái tên khác hẳn với cái tên bạn đang bịa ra để hoá trang “làm ăn xuyên quốc gia” với “đồng hương châu Phi” không?...

Hàng trăm câu hỏi, tình huống, cái nào cũng “sinh tử”. Bạn chỉ thoát được khi đang ở hang hùm, khi mà bạn chuẩn bị kỹ mọi tình huống, có hồ sơ hoàn hảo, kín kẽ. Từ cách ăn mặc, cách biết trước họ sẽ khám đồ đạc và thiết bị bạn mang theo ra sao...

gen-h-di-uc.jpg
Những chuyến tác nghiệp khắp trong và ngoài nước giúp nhà báo Đỗ Doãn Hoàng có nhiều tác phẩm để đời

Và, tôi đã có cách, khi đối tượng mượn điện thoại nhoay nhoáy thao tác với xiết bao mưu đồ, thì họ đang mắc ngược vào chính cái bẫy mà họ đã giăng ra. Tức là, tôi sẽ giả đò đi lấy nước uống thật lâu, giả đò buôn chuyện quên trời đất với ai đó, cho họ xem ảnh, xem tin nhắn, xem tài khoản ngân hàng và ngót chục cái tài khoản mạng xã hội của tôi… thoải mái. Càng xem mới càng tin bạn là “dân chơi không sợ mưa rơi” thật sự. Đến ảnh bạn lưu trong máy, trong google photos, drive… đều là ảnh chơi bời, “diễn sâu” về chính lĩnh vực mà các đối tượng đang hiện diện với tư cách ông trùm. Tức là tôi đã có vỏ bọc hoàn hảo, chỉ muốn được “show” (bộc lộ) ra cho họ thôi.

HOÀNG ANH (ghi theo lời kể của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phóng sự, dấn thân và những lần suýt 'toi'