“Chuyển đổi số báo chí Hải Phòng để phát triển bền vững” là chủ đề tọa đàm do Trung tâm Báo chí và Truyền thông Hải Phòng tổ chức sáng 6/6.
Tọa đàm do lãnh đạo UBND thành phố, Đài Truyền hình Việt Nam và Trung tâm Báo chí và Truyền thông Hải Phòng đồng chủ trì.
Chương trình thu hút sự tham gia của 34 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương cùng 17 đơn vị đối tác, doanh nghiệp công nghệ có quan hệ hợp tác với Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố Hải Phòng.
Đến dự và phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Phạm Văn Thép, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo – Dân vận Thành ủy Hải Phòng đánh giá cao sáng kiến tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số báo chí Hải Phòng để phát triển bền vững”. Đây là một hoạt động thiết thực, đúng thời điểm, có ý nghĩa trong bối cảnh Hải Phòng đang triển khai quyết liệt các nhiệm vụ chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 89-CTr/TU của Thành ủy và đặc biệt là Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về “Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đồng chí nhấn mạnh chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện công nghệ, mà trước hết là chuyển đổi tư duy, là đổi mới cách làm, là làm chủ xu hướng để giữ vững sứ mệnh trong một thời đại đầy biến động. Chuyển đổi số báo chí Hải Phòng không phải là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc.
Để làm tốt hơn nữa, đồng chí đề nghị Hải Phòng cần xây dựng “Trung tâm truyền thông số” hiện đại, đa nền tảng. Thành phố sẽ nghiên cứu mô hình Trung tâm truyền thông hội tụ – nơi tích hợp các cơ quan báo chí hiện có, đồng thời kết nối với hệ thống truyền thông cơ sở, truyền thông nội bộ của các sở, ngành, địa phương để vận hành mô hình sản xuất nội dung “một nguồn – đa điểm đến”. Trung tâm sẽ ứng dụng các công nghệ như AI, Big Data, để làm phong phú nội dung, tối ưu trải nghiệm người dùng.
Phát triển báo chí dữ liệu và báo chí hướng tới công dân số: Khuyến khích sản xuất các chuyên đề sử dụng dữ liệu mở của thành phố như giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, kinh tế số… Tăng cường nội dung phục vụ người dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phản ánh các vấn đề đô thị, môi trường, cải cách hành chính. Phát triển các mô hình “báo chí tham gia” với các hình thức tương tác như khảo sát số, phân tích dư luận mạng, AI trả lời tự động…
Hải Phòng cần tập trung đào tạo đội ngũ nhà báo thời đại số. Xây dựng cơ chế đặt hàng, tài trợ nội dung từ ngân sách nhà nước đối với các chuyên đề tuyên truyền chiến lược. Hợp tác công – tư trong sản xuất video, nền tảng phát hành, khai thác bản quyền số. Từng bước xây dựng mô hình báo chí thu phí, đăng ký thuê bao, bảo vệ bản quyền nội dung trên nền tảng số…
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Phạm Văn Tuấn, Thành ủy viên, Giám đốc Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố Hải Phòng khẳng định các cơ quan báo chí thành phố Hải Phòng đã và đang nỗ lực chuyển đổi số trên các mặt hoạt động. Tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn như áp lực kinh tế khi mô hình truyền thống đang dần lỗi thời, trong khi nguồn thu từ báo chí số vẫn chưa bền vững. Khoảng cách số giữa các khu vực, đối tượng bạn đọc, đòi hỏi sự cân bằng giữa công nghệ và tính nhân văn…
Nhấn mạnh báo chí không chỉ là kênh thông tin mà còn là “ngọn hải đăng” dẫn dắt, định hướng dư luận cộng đồng xã hội, thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững. Để làm được điều này, cần hợp tác đa ngành giữa các cơ quan báo chí, doanh nghiệp công nghệ và các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng hành lang pháp lý và chia sẻ nguồn lực. Cùng với đó là đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp tư duy báo chí nhạy bén và kỹ năng số, đồng thời cần có những giải pháp từ nội lực cũng như hỗ trợ của thành phố.
Tại tọa đàm, lãnh đạo một số cơ quan báo chí trình bày các tham luận về nhiều vấn đề như đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ nhà báo số; thách thức, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí địa phương.
Trong đó, đáng chú ý là nội dung “Chuyển đổi số báo chí tại Hải Phòng và những vấn đề đặt ra về quản lý đạo đức nghề nghiệp nhà báo” (Hội Nhà báo Hải Phòng); Chuyển đổi số trong báo chí địa phương: Hiện trạng và nhu cầu (Trung tâm Báo chí và Truyền thông Hải Phòng)…
Đại diện một số doanh nghiệp lớn, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số nêu những giải pháp về công nghệ chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí hướng tới sự phát triển bền vững như: Nền tảng chuyển đổi số báo chí phát thanh và truyền hình (Công ty CP Công nghệ Savis); Sự bùng nổ của AI- Data và tương lai của lĩnh vực báo chí – truyền hình (Công ty VNPT AI)...
Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm, nhiều doanh nghiệp công nghệ trưng bày một số sản phẩm công nghệ chuyển đổi số đối với lĩnh vực báo chí; trình diễn các ứng dụng chuyển đổi số đối với các lĩnh vực phát thanh, truyền hình và báo in, báo điện tử, các nền tảng mạng xã hội khác.
Tọa đàm là một hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam của Hải Phòng.
Năm 2024, Báo Hải Phòng hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng “Tòa soạn điện tử” với hệ thống phần mềm hiện đại, nâng cấp cổng thông tin điện tử, số hóa dữ liệu từ 1957 đến 1970, đồng thời phát triển đầy đủ hệ sinh thái trên YouTube, Tiktok, Facebook, Zalo…
Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng phát triển ứng dụng THPLive trên điện thoại thông minh từ 2020; kênh YouTube THP đạt nút bạc năm 2024; THPLife trên Tiktok, Fanpage THP có tick xanh; tích hợp công nghệ truyền hình tương tác qua ứng dụng THP On cho phép người xem truyền hình trực tuyến trên 2 kênh THP và THP+, nghe đài qua 2 kênh radio FM 93,7 MHz và 102,2 MHz. Khán giả còn có thể tham gia trực tiếp các chương trình giải trí và nhận quà tặng. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, mức độ trưởng thành chuyển dổi số báo chí của Đài Phát thanh-truyền Hải Phòng đạt khá, Báo Hải Phòng đạt tốt.
Tháng 3/2025, Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố Hải Phòng chính thức ra đời trên cơ sở hợp nhất Báo Hải Phòng và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng, tạo nên mô hình báo chí đa phương tiện đồng bộ và hiện đại. Trung tâm hiện vận hành 2 kênh truyền hình (THP và THP+), 2 kênh phát thanh FM (93,7 MHz và 102,2 MHz), 2 ấn phẩm báo in (Hải Phòng hằng ngày và Hải Phòng cuối tuần), cùng báo điện tử, ứng dụng THP On và các nền tảng mạng xã hội đa dạng. Chỉ sau hai tháng, vào tháng 5/2025, Trung tâm ghi dấu ấn quan trọng khi lần đầu tổ chức truyền hình trực tiếp đồng thời tại 11 điểm cầu, đưa tin sự kiện khởi công, khánh thành và gắn biển 12 công trình, dự án trọng điểm của thành phố. Sự kiện này không chỉ khẳng định bước tiến vượt bậc trong quá trình chuyển đổi số của báo chí Hải Phòng mà còn đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp nhận thông tin đa dạng, nhanh chóng của công chúng trong kỷ nguyên số.
MAI LIÊN