cover4.jpg

Thị xã Kinh Môn (Hải Dương) hiện còn gần 30 hang động, trong đó nhiều hang động nổi tiếng với giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử đặc sắc. Để có được ‘cơ ngơi’ như hôm nay, nhiều người đã góp công, miệt mài gìn giữ, bảo tồn.

lan-cuong-1-858e32b345e653bf51f33a1da4ec8ac2.jpg
Cố PGS.TS Nguyễn Lân Cường là người có công rất lớn trong việc đưa di tích Kinh Môn vươn lên tầm quốc gia, quốc tế
tit1.png

Đó là lời tri ân của ni sư Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương ở phường Duy Tân (Kinh Môn) khi nhắc tới công lao của cố PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đối với việc gìn giữ, phát huy giá trị các di tích, hang động ở Kinh Môn.

Mới đây, khi nghe tin PGS.TS. Nguyễn Lân Cường mất, ni sư Thích Diệu Mơ rất thương tiếc. Đối với ni sư, ông là người trí tuệ, tài đức, cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghiên cứu. “Cố PGS.TS. Nguyễn Lân Cường là người có công rất lớn trong việc đưa di tích Kinh Môn vươn lên tầm quốc gia, quốc tế. Chúng tôi biết ơn cố PGS.TS. Nguyễn Lân Cường nhiều lắm”, ni sư cho biết.

Phát hiện của ông về người tiền sử và những chứng cứ thời cổ đại ở hang Thánh Hóa phía sau chùa đã giúp nhiều người biết đến nơi đây. Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được vào hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới cũng là vì thế.

hang-dong1.png
Ảnh 1: PGS.TS. Nguyễn Lân Cường (đeo máy ảnh) trong đợt khai quật mộ ở hang Dơi, phường Minh Tân (ảnh tư liệu). Ảnh 2: PGS.TS. Nguyễn Lân Cường trao đổi với ni sư Thích Diệu Mơ về các di vật khảo cổ khu vực chùa Nhẫm Dương (ảnh tư liệu). Ảnh 3: Các di chỉ, cổ vật tại di tích khảo cổ học Nhẫm Dương. Ảnh 4: PGS.TS. Nguyễn Lân Cường truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho chị Mạc Thị Thu Hằng, chuyên viên Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin thị xã Kinh Môn về các di vật khảo cổ (ảnh tư liệu)

Năm 1999, thực hiện di nguyện của Hòa thượng Thích Vô Vi (trụ trì chùa Nhẫm Dương trước đây), quá trình khai thông hang Thánh Hóa để tìm tượng đá cổ của Tổ Thủy Nguyệt và Tổ Tông Diễn về chùa thờ cúng, ni sư Thích Diệu Mơ và nhân dân đã phát hiện một kho xương hóa thạch khổng lồ.

Sau khi báo cáo chính quyền địa phương, năm 2000, đoàn khảo cổ của PGS.TS. Nguyễn Lân Cường cùng cán bộ Bảo tàng Hải Dương đã về hang Thánh Hóa khảo sát, nghiên cứu. “Khi tôi đưa túi răng tìm được trước đó cho phó giáo sư, ông bới tìm rồi reo lên: A, đây rồi. Hóa ra ông reo mừng vì đó là răng Pongo”, ni sư Thích Diệu Mơ nhớ lại.

Những ngày sau đó, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và Kinh Môn, khi ở một tuần, khi ở cả tháng để nghiên cứu. Lúc nào người ta cũng thấy ông say sưa đo, chụp, ghi chép những mảnh hộp sọ, xương, răng... Ông thường xuyên quên bữa. Có hôm, dùng bữa xong, ông chỉ kịp nhấp ngụm nước trà rồi lại làm ngay.

hoa-thach.png
Ảnh 1: Răng đười ươi được trưng bày trong khu nhà tổ, chùa Nhẫm Dương. Ảnh 2: Những chiếc răng hóa thạch của người Việt cổ được xác định có cách đây khoảng 3 vạn năm. Ảnh 3: Răng tê giác tìm thấy ở khu vực hang Tĩnh Niệm, Thánh Hóa. Ảnh 4: Xương voi tìm thấy ở khu vực hang Tĩnh Niệm, Thánh Hóa. Ảnh 5: Răng ngựa đang được trưng bày ở nhà tổ, chùa Nhẫm Dương
dsc_0069.jpg
Một số hiện vật văn hóa Đông Sơn tìm thấy ở khu vực chùa Nhẫm Dương
tien-co.jpg
Tiền cổ tìm thấy ở khu vực chùa Nhẫm Dương

Ông và các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di cốt hóa thạch của 27 loài động vật như voi, tê giác, hổ, lợn rừng, nhím… tại hang Thánh Hóa, Tĩnh Niệm. Đặc biệt, phát hiện khá nhiều răng Pongo (đười ươi). Theo giám định của Viện Khảo cổ học và Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, những hóa thạch và di vật này có cách đây từ 3 - 5 vạn năm. Ngoài ra, tại hang Thánh Hóa còn tìm thấy khoảng 37 loại tiền cổ của các triều đại phong kiến Trung Quốc và Việt Nam. Các loại đồ gốm, đồ đồng, gạch ngói, tháp đất nung… với nhiều niên đại khác nhau.

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường còn góp công giúp nhà chùa thực hiện trưng bày các di vật khảo cổ tại nhà tổ, tham gia viết cuốn sách “Đến với vùng văn hóa Kinh Môn”.

Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương cho biết không chỉ có công với Kinh Môn, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường rất nhiệt tình tham gia nghiên cứu di cốt, mộ cổ ở Chí Linh và những đóng góp cho nghiên cứu khoa học ở Hải Dương về phương diện nhân học.

tit2.png
ma-nhai-2.jpg
Tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động khắc thơ của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497)

Ngay cả anh nhân viên an ninh tại Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn cũng có những đóng góp đáng kể, góp phần gìn giữ hệ thống hang động và lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử ở nơi đây.

kinh-chu999.jpg
Ảnh 1: Một góc đẹp mê hồn của hang Cụ Rùa nằm trong hệ thống động Kính Chủ. Ảnh 2: Từ trong nhìn ra, vòm động cong vút tạo cảnh quan kỳ thú. Ảnh 3: Động Mũ Nước (trong di tích động Kính Chủ) có hình đầu voi do bàn tay con người tạo tác cùng thiên nhiên. Ảnh 4: Toàn cảnh động Kính Chủ từ trên cao xanh ngát 1 màu. Ảnh 5: Động Kính Chủ được mệnh danh là "Nam thiên đệ lục động", tức động đẹp thứ 6 trời Nam. Ảnh 6: Vòm động hình xoáy tạo cảm giác sâu hun hút. Ảnh 7: Tại động Kính Chủ còn có hệ thống bia ma nhai đặc sắc, có giá trị về văn hóa, lịch sử. Trong ảnh: Nhân viên Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn giới thiệu về văn bia thời Mạc phía trước động. Ảnh 8: Tấm bia của cụ Phạm Sư Mạnh, vị quan Đại Thần thời Trần và cũng là người con quê hương Kinh Môn với 4 chữ lớn “ Vân thạch thư thất” (tức nhà sách vân thạch) và 4 chữ nhỏ “Phạm Sư Mạnh thư” (tức thư pháp Phạm Sư Mạnh)

Anh Nguyễn Văn Anh đã có 18 năm làm việc tại Ban Quản lý di tích thị xã. Anh từng đi nhiều nơi nhưng chưa ở đâu anh thấy cảnh quan kỳ thú như quê hương mình. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa là cánh đồng bát ngát, dòng sông Kinh thầy uốn lượn chảy qua…

Anh cho biết riêng khu vực núi Dương Nham có hơn 20 hang động. Nếu tính các hang nhỏ nằm trong từng hang lớn, khu vực núi Dương Nham có tới 61 hang động. Tất cả anh đều thông thuộc.

Chỉ tay lên những hốc đá sâu, anh Văn Anh giải thích cái hốc này thông sang hốc bên kia. Anh đã leo thử rất nhiều hốc đá sâu như vậy. Nhớ lại ngày mới vào nghề, anh từng một mình leo vách núi, khám phá hết 61 hang động lớn nhỏ quanh khu vực.

Với anh, làm bất cứ công việc gì cũng cần có tâm và phải hiểu về công việc đó. “Tôi hình dung một ngày, khách tham quan hỏi về một ngọn núi hay hang động nào, nếu tôi không biết trả lời, tôi không xứng đáng với công việc mình đang làm”, anh Nguyễn Văn Anh cho biết.

van-anh.png

Theo anh, muốn trải nghiệm leo núi hay khám phá hang động, yếu tố đầu tiên phải bảo đảm an toàn. Người trải nghiệm nên mặc quần áo bảo hộ, đi giày thể thao, mang đèn pin, dây dù không co giãn, nước uống và một nắm cơm. Ở đây có rất nhiều hang động nhưng không phải thời điểm nào cũng đi được tới tất cả. Ví dụ từ mùa xuân đến mùa hè, mưa nhiều, đá vôi dễ bở, rất nguy hiểm khi đu bám, leo trèo; đường đi rêu bám trơn trượt; cây cối phát triển là môi trường trú ngụ cho rắn lục… nên không thể đi tới hang Bà Hậu.

Thời điểm này chỉ có thể khám phá các hang phía dưới như hang Dơi, hang Kim Cương hay hang Cụ Rùa… Muốn đi tới hang Bà Hậu phải chờ mùa thu hoặc đông. Khi đó ít mưa, cây khô lá vàng, đường đi thông thoáng. Đặc biệt, loài rắn lục lúc này đã bị lũ chim bìm bịp xơi hết.

Anh cũng thuộc nằm lòng ý nghĩa của từng cái tên. Vì sao lại có tên là hang Ma, hang Cụ Rùa, hang Bà Hậu… Và anh đã trở thành người hướng dẫn đáng tin cậy, uy tín của rất nhiều đoàn khách tới tham quan.

Còn với công việc bảo đảm an ninh, bảo vệ di tích, anh luôn làm tốt trách nhiệm, được nhiều người ghi nhận, đánh giá cao.

tit3.png
ni-su.jpg
Ni sư Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương

Nhắc tới công lao gìn giữ hệ thống núi và hang động ở Kinh Môn không thể không nhắc đến ni sư Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương ở phường Duy Tân.

hang-dong3(1).png
Ảnh 1: Phong cảnh chùa Nhẫm Dương phủ xanh một màu mát mắt. Ảnh 2: Cổng vào hang Thánh Hóa. Ảnh 3: Khu vực hang Thánh Hóa, nơi phát hiện nhiều di vật của người tiền sử

Khoảng năm 1996, việc phá núi đá vôi làm nguyên vật liệu xây dựng đã xuất hiện ở khu vực chân núi Nhẫm Dương. Sau mỗi vụ nổ mìn, từng ngọn núi lại nham nhở như những vết thương. Hòn Đít Voi, hang Ma, hang Lợn, hang Thóc (thuộc núi Nhẫm Dương) đã mất hẳn. Chân núi phía dưới hang Tĩnh Niệm, hang Thánh Hóa sau chùa cũng bị khoét lỗ sâu bởi đánh mìn. Mỗi lần người ta khoan lỗ, sư lại xe cát để lấp. Nếu việc khai thác đá không được ngăn chặn, các hang động, di tích có nguy cơ bị xâm phạm nghiêm trọng. Quá đau xót trước sự tàn phá đó, ni sư đã viết đơn mang đi khắp nơi phản ánh.

tinh-niem-1.jpg
Trước cửa hang Tĩnh Niệm
tinh-niem-2.jpg
Hang Tĩnh Niệm cũng là nơi tìm thấy nhiều di vật cổ xưa
tinh-niem-3.jpg
Các vách đá trong hang tạo nên nhiều hốc nông, sâu

Ni sư từng bị những kẻ khai thác đá đe dọa ngay tại chùa. “Một toán người xăm trổ đầy mình đi xe ô tô vào tận sân chùa. Họ có lời lẽ hăm dọa tôi, yêu cầu tôi rút đơn”, ni sư nói. Sau đó, ni sư nhanh trí ghi biển số xe và gọi điện báo cáo cơ quan chức năng. Chúng quay ra ngọt nhạt rồi nhanh chóng rút lui.

hang-doc-tit2.png
Ảnh 1: Khu vực núi đá trùng điệp, ở phường Minh Tân, nơi có động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít. Ảnh 2: Động Tâm Long, phường Minh Tân mới được nhân dân địa phương phát hiện năm 1992. Ảnh 3: Cô trò Trường Tiểu học Tử Lạc, phường Minh Tân trong một giờ học ngoại khóa, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa của động Hàm Long. Ảnh 4: Hang chùa Mộ ở phường Tân Dân gắn liền với lịch sử hào hùng qua các thời kỳ từ chống giặc phương Bắc đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Một số hình ảnh đẹp được ghi lại tại các hang động ở Kinh Môn:

hang-dong22.png

Nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sau đó, việc khai thác đá ở Kinh Môn đã được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, trước đây Kinh Môn có hơn 50 hang động, nay chỉ còn quá nửa. Nhờ nỗ lực của những người như sư Mơ, anh Anh và PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, các ngọn núi cùng hệ thống hang động, di tích ở đây mới được gìn giữ cho tới ngày nay.

Bà Mạc Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn thông tin những năm gần đây, Hải Dương nói chung, thị xã Kinh Môn nói riêng đã nỗ lực huy động tối đa các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích. Việc khai thác đá tại khu vực bảo vệ di tích bị nghiêm cấm. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong gìn giữ, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá của các di tích được triển khai thường xuyên, góp phần lan tỏa ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ di sản.

ba-huyen.png

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đang chờ Chính phủ phê duyệt.

Với tổng diện tích 1.800 ha, các vùng di tích An Phụ, Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương, hang Chùa Mộ, Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít được khoanh vùng bảo vệ sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị hệ thống các hang động của khu vực.

Nội dung: LÊ HƯƠNG

Ảnh: THÀNH CHUNG

Trình bày: TUẤN ANH

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miệt mài gìn giữ hệ thống hang động ở Kinh Môn