Năm 1933, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cho ra đời báo Công Nông, đánh dấu sự mở đầu của báo chí cách mạng ở Hải Dương. Từ đó đến nay, báo chí cách mạng tỉnh Hải Dương đã không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và quê hương Hải Dương nói riêng.
Ngày 21/6/1925 đã đi vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam như một mốc son chói lọi. Đó là thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, sáng lập tờ báo Thanh Niên. Tờ báo Thanh Niên phát hành số đầu tiên ngày 21/6/1925. Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 21/6 hằng năm là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Báo Thanh Niên do Bác trực tiếp chỉ đạo, viết tin, bài và trình bày, truyền bá chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm Mác - Lênin, in tại Quảng Châu rồi gửi về nước. Báo xuất bản hằng tuần, mỗi kỳ khoảng 100 bản, kéo dài được 202 kỳ. Báo Thanh Niên đã làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang là chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời ở Hải Dương là tờ Công Nông, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng, bí danh Sao Đỏ, một nhà hoạt động cách mạng rất nổi tiếng quê xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện (sau này là Phó Chủ tịch nước) viết, in và phát hành tháng 7/1933. Báo Công Nông được làm tại Ấp Dọn, nay là thôn Kinh Dương xã Thái Dương (huyện Bình Giang).
Báo Công Nông được in với khổ 18 x 25 cm, xuất bản 20 bản mỗi kỳ. Các bài báo được viết ngắn gọn, dễ hiểu bằng cả văn xuôi và văn vần, thông tin cho người xem biết những nét cơ bản về tình hình trong nước và thế giới, tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc và phong kiến, kêu gọi công nông đoàn kết đấu tranh. Những tờ báo Công Nông in xong được tán phát đi ngay. Không chỉ ở Hải Dương, báo còn được chuyển tới các địa bàn khác như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên...
Cuối năm 1933, thực dân Pháp khủng bố ráo riết. Trong khi đi tìm liên lạc với cơ sở của Trung ương ở Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị địch bắt. Báo Công Nông ngừng hoạt động.
Tuy chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng báo Công Nông đã ghi một dấu mốc quan trọng, mở đầu cho báo chí cách mạng Hải Dương. Tên tuổi đồng chí Nguyễn Lương Bằng mãi mãi gắn bó với sự nghiệp báo chí cách mạng Hải Dương.
Cách mạng Tháng Tám 1945 đã mở ra thời kỳ phát triển mới của báo chí cách mạng, nhiều ấn phẩm mới ở Hải Dương ra đời.
Đầu năm 1946, nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị cấp bách đang đặt ra, Đảng bộ tỉnh Hải Dương quyết định ra tuần san lấy tên là Hải Dương, mỗi kỳ phát hành 500 bản. Từ ngày 19/12/1946, cùng với cả nước, quân và dân Hải Dương bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến ngày càng quyết liệt, Tỉnh bộ Việt Minh Hải Dương cần có một cơ quan tuyên truyền kháng chiến. Vì vậy, đầu năm 1947, báo Khói lửa được xuất bản. Tờ báo được in ấn bằng cách vẽ ngược chữ và hình lên đá nhẵn, sau đó in lên giấy. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Tính đã viết nhiều bài, sáng tác cả thơ đăng trên báo Khói lửa, sử dụng tờ báo làm công cụ chỉ đạo. Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc báo Khói lửa và gửi thư khen.
Sau đó, do đòi hỏi của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ và nhân dân, Đảng bộ tỉnh Hải Dương quyết định xuất bản tờ nội san Quyết thắng để cổ vũ tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.
Ngoài các tờ báo nói trên, còn có tờ Tiếng gọi của Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, tờ nội san Tin tưởng của Ty Thông tin, tờ Thanh niên của Đoàn Thanh niên cứu quốc Hải Dương, tờ Xung phong của thiếu nhi huyện Ninh Giang. Năm 1948, tờ Xung phong đã được Bác Hồ tặng thơ:
"Bác nhận được báo Xung phong
Cảm ơn các cháu có lòng gửi cho"
Khoảng năm 1952, Ty Tuyên truyền văn nghệ Hải Dương xuất bản tờ Tin Hải Dương, phát hành hằng tuần. Thời gian đầu tờ Tin Hải Dương có kích thước nhỏ hơn khổ giấy A4.
Dù trong điều kiện chiến tranh, thiếu thốn, hoạt động in ấn, phát hành báo đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, song các tờ tin, thông tri của Đảng bộ tỉnh ra đời trong thời kỳ này đã góp phần cổ vũ phong trào cách mạng của tỉnh, làm tốt chức năng tuyên truyền của báo chí cách mạng.
Ngày 25/2/1957, đánh dấu sự ra đời của loại hình báo chí mới của tỉnh với sự kiện Đài Truyền thanh thị xã Hải Dương được thành lập. Đây là đài truyền thanh đầu tiên của tỉnh ta, được coi là mốc đánh dấu sự khởi đầu của ngành truyền thanh, phát thanh, truyền hình Hải Dương, là tiền thân của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sau này.
Năm 1961, báo chí của tỉnh có thêm bước tiến mới với dấu mốc là ngày 14/10/1961, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ra Nghị quyết số 73, đổi tờ tin Hải Dương thành tờ báo, lấy tên là Hải Dương mới.
Ngày 1/12/1961, báo Hải Dương mới, tờ báo chính thức đầu tiên của Đảng bộ tỉnh xuất bản số đầu.
“Ngày được nhận quyết định đổi tờ Tin Hải Dương thành báo Hải Dương mới lòng tôi vui sướng lắm. Tôi thầm nghĩ sẽ cố gắng đóng góp để làm mới tờ báo đúng như tên gọi mới. Trước đó, tôi đã được lên Báo Hà Nội mới và Báo Nhân Dân để học cách làm măng-sét, ma-két. Tôi trăn trở: tên tờ báo là Hải Dương mới thì măng-sét phải trình bày làm sao cho thật ấn tượng? Vì thế chữ "Hải Dương" tôi quyết định vẽ đậm cho nổi bật. Còn từ "mới" khiến tôi băn khoăn nhất vì nếu để cùng một dòng sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của tờ báo, còn cho xuống dòng lại lo không ấn tượng. Làm đi làm lại đến mấy lần vẫn chưa ưng ý. Cuối cùng tôi chọn đưa từ "mới" xuống dòng dưới nhưng được vẽ nổi trên nền 5 dòng kẻ. Khi ấy từ "mới" giống như một nốt nhạc trên khuông nhạc, thể hiện sự tươi vui, hân hoan của một tờ báo mới. Không ngờ khi làm xong đã được duyệt ngay”, nhà báo cao tuổi Nguyễn Hữu Phách, một trong 4 phóng viên đầu tiên nhớ lại.
Báo Hải Dương mới xuất bản từ số đầu ra ngày 1/12/1961 cho đến số báo cuối cùng ra thứ bảy 24/2/1968, trước khi bước vào thời kỳ mới với tên gọi báo Hải Hưng sau khi 2 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên sáp nhập với nhau thành Hải Hưng.
Từ ngày 1/3/1968, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Báo Hải Dương mới được hợp nhất với báo Hưng Yên thành báo Hải Hưng. Đài Truyền thanh tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất thành Đài Truyền thanh tỉnh Hải Hưng, trực thuộc Ty Thông tin Hải Hưng.
Thứ bảy 2/3/1968, một ngày sau khi các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể bắt đầu làm việc theo tỉnh mới, báo Hải Hưng ra số 1.
Thời kỳ ấy, trong lúc khó khăn nhất, lúc bom rơi, đạn nổ, thiên tai lũ lụt, tờ báo vẫn ra đều đặn, không bị gián đoạn một kỳ nào. Tờ báo luôn được sự chỉ đạo, quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Cùng với sự phát triển của Báo Hải Hưng, sau khi đất nước được thống nhất, năm 1977, Đài Truyền thanh tỉnh Hải Hưng được UBND tỉnh quyết định đổi tên thành Đài Phát thanh Hải Hưng. Không ngừng nâng cao chất lượng, thời lượng phát sóng, chương trình của đài đã thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa của nhân dân qua hệ thống truyền thanh 4 cấp.
Thời kỳ này, một số tạp chí, bản tin cũng ra đời phục vụ công tác tuyên truyền.
Tháng 1/1978, Tạp chí Văn nghệ Hải Hưng của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Hưng được xuất bản số đầu. Thời kỳ đó còn nhiều khó khăn, nên tạp chí không ra đều kỳ.
Tờ “Thông tin khoa học kỹ thuật Hải Hưng”, được cấp phép xuất bản lần đầu ngày 19/12/1977 và xuất bản số đầu tiên năm 1978. Giai đoạn đầu tờ Thông tin khoa học kỹ thuật tỉnh Hải Hưng xuất bản tháng ra một kỳ, mỗi kỳ 300 bản, phạm vi phát hành hẹp, đối tượng bạn đọc chủ yếu là cán bộ lãnh đạo tỉnh, ngành, các huyện, thị xã.
Cũng trong giai đoạn này, Ty Văn hóa tỉnh Hải Hưng đã có một ấn phẩm là tập san “Sinh hoạt văn hóa”, tuy hình thức còn giản dị, nhưng nội dung khá phong phú. Tập san có những bài chủ điểm về nhiệm vụ chính trị của địa phương và những bài, tiết mục rất sát với phong trào sinh hoạt văn hóa cơ sở.
Trong thời gian từ 1989 - 1993, báo Hải Hưng tăng trang, tăng kỳ xuất bản. Riêng năm 1993, đã cho ra đời thêm 2 ấn phẩm là Hải Hưng đầu tháng (xuất bản số đầu ngày 3/2/1993) và Hải Hưng thứ bảy (xuất bản số đầu ngày 1/10/1993). Đến năm 1995, báo tiếp tục phát triển với việc ra báo khổ lớn và xuất bản phụ san Hải Dương cuối tháng in 4 màu.
Trong gần 29 năm tỉnh Hải Hưng hoạt động, báo Hải Hưng đã xuất bản cả thảy 3.780 kỳ. Số báo cuối cùng ra ngày 31/12/1996.
Về phát thanh - truyền hình, ngày 25/4/1994, chương trình truyền hình đầu tiên của Đài Phát thanh Hải Hưng chính thức phát sóng trên kênh 7VHF bằng máy NEC công suất 1KW. Cũng trong năm này, đài chính thức đổi tên thành Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hải Hưng.
Đối với các tờ tin và tạp chí, thời kỳ này, tờ “Thông tin khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Hưng” cũng có bước phát triển. Năm 1993, Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Hưng xuất bản Tờ “Khoa học và Ứng dụng”, in 500 bản. Tờ Khoa học và Ứng dụng đã xuất bản được 31 số…
Sau khi tỉnh Hải Hưng được tách ra thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, báo chí Hải Dương tiếp tục có bước phát triển mới. Ngoài báo in, phát thanh, truyền hình, đã hình thành các trang thông tin điện tử, báo điện tử và mạng xã hội của các cơ quan báo chí của tỉnh.
Cùng với việc phát triển, thay đổi quy mô các ấn phẩm báo in, ngày 25/4/2009 đánh dấu một mốc phát triển mới của Báo Hải Dương khi đồng chí Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn bàn phím kích hoạt khai trương báo Hải Dương điện tử với nhiều chuyên mục phong phú, hấp dẫn, tính tương tác cao.
Từ tháng 10/2012, báo Hải Dương điện tử có thêm phiên bản tiếng Anh. Từ tháng 9/2021 đến nay, báo điện tử Hải Dương có nhiều thể loại, chuyên mục mới như Emagazine, Podcast, đồ họa...
Lượng bạn đọc truy cập báo điện tử Hải Dương hiện đạt khoảng 70.000 - 100.000 lượt/ngày. Từ cuối năm 2024 đến nay, báo Hải Dương luôn dẫn đầu miền Bắc và top 5 báo Đảng địa phương cả nước có lượt đọc cao nhất, trong đó một số tháng đứng top 3 cả nước. Các trang của báo Hải Dương trên Facebook, TikTok, YouTube, Zalo cũng phát triển mạnh. Trong đó fanpage Báo Hải Dương đã được cấp tích xanh.
Từ khi tái lập tỉnh 1997 đến nay cũng là thời gian phát triển mạnh mẽ của ngành phát thanh, truyền hình tỉnh.
Năm 1997, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mang tên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hải Dương. Đài đã có nhiều đổi mới, phát triển về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật khang trang với 3 trường quay truyền hình và máy phát hình công suất 10 kW.
“Sau khi tách tỉnh năm 1997, tôi được phân công làm Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương. Thời điểm đó, cơ sở vật chất thiếu thốn, đài chỉ có 1 máy phát hình cũ kỹ, công suất thấp đưa về từ đảo nên không phủ sóng được toàn tỉnh. Sau đó, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh hỗ trợ mua thêm 1 máy phát công suất lớn hơn, rồi tỉnh đầu tư bổ sung, nâng cấp máy phát, nâng cột ăng ten, toàn tỉnh đã xem được truyền hình. Sau này công nghệ phát triển, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương được đầu tư nhiều công nghệ hiện đại cộng với đội ngũ cán bộ, phóng viên đào tạo bài bàn nên ngoài sản xuất các chương trình thời sự, đài còn sản xuất một số gameshow thu hút nhiều người tham gia. Đài cũng thực hiện một số chương trình văn nghệ được khán giả nhiệt tình đón nhận bởi họ thích xem những chương trình do người Hải Dương thể hiện”, nhà báo Nguyễn Thanh Cải, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình kể.
Những năm qua, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương đã nâng cấp toàn diện hệ thống máy móc, trang thiết bị, chuyển đổi công nghệ sản xuất chương trình truyền hình từ SD lên HD, trang bị xe thu truyền hình lưu động công nghệ HD...
Cùng với việc truyền dẫn chương trình truyền hình trên các hạ tầng truyền hình cáp (Hải Dương, VTV cab HD, SCTV), truyền hình giao thức internet IPTV (MyTV, ViettelTV, FPT..) và trên website haiduongtv.vn, từ năm 2017, chương trình truyền hình tỉnh được phát trên sóng hạ tầng phát sóng số mặt đất của Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là bước tiến lớn trong chuyển đổi công nghệ phù hợp với xu thế phát triển chung.
Nội dung các chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương ngày càng đổi mới, đa dạng và phong phú. Những năm gần đây, đài có thêm nhiều chuyên mục, gameshow mới; phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất nhiều chương trình góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội.
Về các tạp chí, sau khi tái lập tỉnh Hải Dương (tháng 1/1997), tỉnh có Tạp chí Côn Sơn, xuất bản định kỳ 2 tháng/kỳ, chủ yếu lưu hành nội bộ, trao đổi giao lưu với các tạp chí văn nghệ của 63 tỉnh, thành phố và phát cho hội viên. Từ năm 2008, tạp chí thay đổi măng sét với tên gọi Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, xuất bản định kỳ mỗi tháng/1 kỳ.
Ngày 11/12/2001, Bộ Văn hoá - Thông tin đã cấp Giấy phép cho phép “Tạp chí Khoa học, Công nghệ và Môi trường Hải Dương” được hoạt động (nay chuyển thành Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương).
Năm 2010, Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương được xuất bản, là diễn đàn văn hóa, xã hội của tỉnh. Từ năm 2019 đến nay chuyển thành Bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát hành đến tận các nhà văn hóa, thôn, khu dân cư.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Tạp chí Nghiên cứu khoa học Đại học Sao Đỏ; Tạp chí Đại học Hải Dương; Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Thành Đông.
Từ ngày 1/5/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định hợp nhất Báo Hải Dương với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh thành Báo và Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Dương nhằm thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đồng thời mở ra một thời kỳ hoạt động mới của cơ quan báo chí đa loại hình, đa phương tiện, nền tảng.
Báo và Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Dương có các ấn phẩm gồm: báo Hải Dương thời sự, Hải Dương cuối tuần, Hải Dương điện tử; truyền hình Hải Dương, phát thanh Hải Dương, website truyenhinhhaiduong.vn và các kênh mạng xã hội của 2 cơ quan, báo đài cũ. Đây là bước tiền đề để tiến tới hợp nhất với Trung tâm Báo chí và Truyền thông Hải Phòng khi tỉnh Hải Dương sáp nhập với Hải Phòng.
Như vậy, tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh có 5 cơ quan báo chí gồm: Báo và Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Dương; Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, Tạp chí Nghiên cứu khoa học Đại học Sao Đỏ, Tạp chí Đại học Hải Dương; Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Thành Đông.
“Tới đây, tiếp tục sáp nhập với Hải Phòng. Tờ báo và kênh truyền hình sẽ bước vào một giai đoạn mới, tái cấu trúc và có thể sẽ mang một tên gọi khác. Đó là điều tất yếu trong xu thế phát triển chung. Nhưng dù ngày mai có tên gọi ra sao, tôi vẫn tin vào bản lĩnh và phẩm chất của đội ngũ làm báo Hải Dương hôm nay- một phong cách đã được vun đắp từ nhiều thế hệ”, nhà báo Hà Cừ, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương nói.