Khu tưởng niệm vương triều Mạc ở xã Kiến Hưng (TP Hải Phòng) là di tích nhắc nhớ công lao một triều đại từng ít được nhắc đến trong nhiều thế kỷ.
Chốn tìm về của lòng thành và khát vọng học hành
Những ngày đầu tháng 7, không gian của khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc trở nên tĩnh lặng, thi thoảng có vài người đến thắp hương, khác hẳn những ngày trước kỳ thi tuyển. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Sự nghiệp công xã Kiến Hưng (TP Hải Phòng) cho biết trước kỳ thi vào lớp 6, lớp 10, tốt nghiệp THPT, con đường dẫn vào khu tưởng niệm vương triều Mạc luôn nhộn nhịp người đến thắp hương, cầu mong con cái thi đạt được kết quả tốt, thuận lợi. Mọi người đến vì sự linh thiêng của một triều đại coi trọng sự hiếu học, trọng dụng nhân tài, khuyến học. Mỗi học sinh đến để nhắc mình phải nỗ lực hơn, học hành chăm chỉ để không phụ lòng cha mẹ và thầy cô. Ở đây, lễ hội diễn ra lớn nhất là lễ hội khai bút đầu xuân. Đây là hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tượng trưng cho sự khởi đầu tốt đẹp của mọi hoạt động, mọi chương trình, kế hoạch, với mục đích gửi gắm tâm tư, nguyện vọng về một năm mới hạnh phúc và thành công. Vì thế, lễ hội thường được tổ chức 3 ngày thu hút hàng trăm học sinh giỏi trong toàn khu đến khai bút.
Không riêng gì học sinh, các thầy cô giáo, phụ huynh cũng xem việc đến khu tưởng niệm như một nét đẹp văn hóa. Cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên dạy văn Trường THCS Thuận Thiên, xã Kiến Hưng cho biết: “Ở nơi linh thiêng này, các em được tiếp thêm niềm tin, cảm nhận rõ hơn giá trị của truyền thống. Đó cũng là một cách để giáo dục lòng biết ơn và khơi dậy ý chí vượt khó, vươn lên từ lịch sử”.
Đây không chỉ là nơi cầu may của sĩ tử, khu tưởng niệm vương triều Mạc còn là không gian sinh hoạt văn hóa thường xuyên của người dân trong vùng. Vào các dịp lễ đầu năm, rằm tháng giêng, người dân xã Kiến Hưng và các vùng lân cận nô nức về dự lễ tế, lễ rước và nhiều hoạt động văn hóa dân gian của địa phương.
Lịch sử còn mãi
Hơn nửa thiên niên kỷ đã trôi qua kể từ khi Mạc thái tổ Mạc Đăng Dung, vị vua khai sáng vương triều Mạc lên ngôi giữa những biến động của xã hội Đại Việt đầu thế kỷ XVI cho đến nay, ký ức về vương triều huy hoàng được nhắc lại mang mang đậm dấu ấn cải cách và tự cường.
Theo ghi chép và truyền thuyết dân gian, Mạc thái tổ Mạc Đăng Dung vốn xuất thân trong gia đình làm nghề chài lưới, nhờ sức vóc hơn người, sớm được tuyển vào quân đội nhà Lê. Ông lập nhiều chiến công lớn, từ chức đô lực sĩ thăng dần lên tới Thái phó, rồi nắm giữ binh quyền, trở thành người đứng đầu triều đình. Đến năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi vua, khai sinh ra vương triều Mạc, kết thúc thời Lê sơ đầy biến động.
Tuy chỉ tồn tại trong khoảng 65 năm (1527 - 1592) với 5 đời vua chính thống, vương triều Mạc đã để lại nhiều dấu ấn rực rỡ. Đây là một triều đại có chủ trương khoan dung với nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, trọng dụng người tài. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử từng ghi nhận thời Mạc có chính sách cử hiền, mở khoa thi đều đặn, số lượng tiến sĩ đỗ đạt không hề kém so với các triều trước.
Để tưởng nhớ công lao và dấu ấn một thời của triều đại, năm 2009, TP Hải Phòng đã xây dựng khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc tại xã Kiến Hưng có diện tích 10,5 ha với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại gồm 30 hạng mục công trình như: nhà truyền thống, nghi môn, thiên long tỉnh, bái đường, chính điện, thái miếu…. Khu tưởng niệm được khánh thành năm 2010, là một trong những công trình có ý nghĩa lịch sử to lớn của TP Hải Phòng. Công trình được đưa vào danh mục các công trình, dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khu chính điện của từ đường gồm 7 gian tiền điện, thiêu hương, 5 gian hậu cung. Trên mái là hai tượng rồng lớn làm bằng đá xanh nguyên khối, thân cong đều, mang dáng dấp của rồng thời Lý. Đây là nơi đặt bài vị thờ tụng của 5 vị vua triều Mạc.
Điểm nhấn nghệ thuật của khu tưởng niệm là phong cách kiến trúc gỗ truyền thống, trang trí tượng rồng, nghê, rùa rất tinh xảo. Nhiều cổ vật quý như chuông đồng, chiêng, bình gốm, tượng rồng đá xanh... đặc biệt là thanh Định Nam Đao - bảo vật quốc gia từng cùng vua Mạc Đăng Dung chinh chiến, nay vẫn được lưu giữ trang trọng.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc trung tâm cho biết: “Đây là một trong số ít khu tưởng niệm triều đại phong kiến có quy mô lớn, kiến trúc tinh tế và bảo tồn được nhiều hiện vật gốc”.
Giữa nhịp sống hiện đại, khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc như một điểm dừng chân lặng lẽ nhưng sâu sắc, nơi con người có thể tìm thấy mạch nguồn dân tộc và niềm tự hào về một triều đại từng mang khát vọng dựng xây đất nước phồn vinh, công bằng.
Đầu năm 2025, cụm di tích liên quan đến nhà Mạc gồm 5 di tích: Từ đường họ Mạc, khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, chùa Trà Phương, chùa Nhân Trai, đền - chùa Hòa Liễu được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
MINH NGUYÊN - VĂN TUẤN