Chính quyền địa phương 2 cấp cần chú trọng ban hành, công khai và kiểm tra sát sao việc thực hiện nội quy tiếp công dân.
Ngày 4/7, tại cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về tình hình thực hiện nghị quyết của Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền cấp xã: "Vận hành bộ máy mới, trăm thứ là xã hết rồi. Việc gì giải quyết được hết ở xã rồi thì tỉnh, thành phố khỏe lắm. Nếu việc gì thuộc thẩm quyền của tỉnh, thành phố thì xã phải báo cáo, xin ý kiến của các cơ quan, sở, ngành để giải quyết cho dân. Bây giờ lại nói là ông lên sở này, sở kia mà hỏi thì không được rồi. Câu ấy hết sức vô trách nhiệm. Không thể trả lời dân như thế".
Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân khi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Với kỳ vọng về chính quyền địa phương 2 cấp sẽ ưu việt hơn chính quyền địa phương 3 cấp trước đây, nhiều bình luận cho rằng đây đúng là tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nếu được như vậy thì người dân sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới, Trung ương đã phân định rõ thẩm quyền, trao thêm quyền chủ động nhiều hơn cho chính quyền xã, phường, đặc khu để gần dân, sát dân, vì dân, phục vụ dân được tốt hơn. Vì vậy, người dân có quyền kỳ vọng lớn về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại chính quyền mới sẽ làm công tác tiếp dân tốt hơn trước đây.
Người dân kỳ vọng những cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện (cũ) và cấp xã được lựa chọn sẽ mang kinh nghiệm, tác phong làm việc nghiêm túc, bài bản xuống cơ sở để nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và quan tâm đến công tác tiếp dân. Người dân mong muốn tiếng nói của mình qua những phản ánh, kiến nghị sẽ được tiếp nhận, phản hồi thực chất hơn, không còn bị đẩy lên – chuyển xuống lòng vòng như trước.
Thông qua tiếp công dân, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thông tin, tiếp xúc 2 chiều giữa người dân và cán bộ tiếp dân sẽ hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Làm tốt công tác tiếp dân sẽ huy động được sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước; kiểm tra, đánh giá cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo, điều hành để có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Những năm qua, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương (cũ) và TP Hải Phòng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, ngành, địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng tiếp công dân, kịp thời kiểm tra, xác minh và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Nhờ đó, nhiều vụ việc được giải quyết thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Đại đa số các tổ chức, cá nhân liên quan đều đồng tình, ủng hộ kết quả giải quyết, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với chính quyền các cấp.
Đối với chính quyền địa phương 2 cấp mới, việc tiếp công dân được thực hiện theo quy định tại Luật Tiếp công dân; Nghị định 141/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ và những quy định pháp luật có liên quan. Thông tư số 02/2025/TT-TTCP ngày 25/6/2025 hướng dẫn thực hiện một số quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ liên quan đến chính quyền địa phương 2 cấp nêu rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp xã và các cơ quan có liên quan.
Để phục vụ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân tốt hơn nữa, chính quyền địa phương 2 cấp cần chú trọng ban hành, công khai và kiểm tra sát sao việc thực hiện nội quy tiếp công dân; bố trí địa điểm thuận lợi; phân công người tiếp công dân có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, thông báo việc này rộng rãi để người dân nắm bắt được.
Chính quyền cấp xã cần giải quyết kịp thời, đúng quy định các phản ánh, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nơi mới phát sinh vụ việc. Tránh đùn đẩy, né tránh, giải quyết thiếu minh bạch, thiếu khách quan để người dân bức xúc gây áp lực lên cấp trên (cấp tỉnh). Những nội dung công dân chưa hiểu, cán bộ cần quan tâm giải thích rõ ràng, thuyết phục. Đối với các vụ án tranh chấp dân sự cần các cấp hòa giải, thực hiện bảo đảm về thẩm quyền, đúng về đối tượng tham gia hòa giải. Cán bộ cần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trước những áp lực để giải quyết triệt để những kiến nghị, phản ánh, không để công dân phải kêu than tình trạng “quan thì xa...”.
Các địa phương cũng cần chủ động kết nối tiếp công dân trực tuyến giữa điểm tiếp công dân của TP Hải Phòng với điểm tiếp công dân cấp xã khi có yêu cầu.
Công dân cũng có thể gửi phản ánh, kiến nghị đến Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp TP Hải Phòng.
Mặt khác, người dân cũng cần chủ động tìm hiểu pháp luật, nắm rõ các quy định liên quan đến Luật Tiếp công dân, các bước khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục hiện hành; tránh việc hiểu không đúng, bảo thủ, hoặc có hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
THÀNH ĐẠT