Trong nước

Sau sáp nhập tỉnh, thành, địa phương nào nhiều đội bóng nhất?

T.H (theo VTC News) 12/06/2025 16:15

Sự phân bổ các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp theo các địa phương sẽ có thay đổi sau khi sáp nhập tỉnh, thành.

doi-bong-sap-nhap.jpg
Hoàng Anh Gia Lai sẽ đóng quân tại Bình Định

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 vào sáng 12/6, cả nước có 34 tỉnh thành (6 thành phố và 28 tỉnh). Điều này đồng nghĩa với việc một số địa phương sẽ có nhiều đội bóng chuyên nghiệp.

TP Hồ Chí Minh trở thành địa phương có nhiều câu lạc bộ chuyên nghiệp nhất. Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh (sân nhà là sân vận động Thống Nhất, sau sáp nhập thuộc phường Diên Hồng) và Becamex Bình Dương (sân nhà Bình Dương, phường Thủ Dầu Một) thi đấu tại V.League. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn có 2 đội bóng ở giải Hạng Nhất là Bà Rịa Vũng Tàu (sân Bà Rịa thuộc phường Bà Rịa) và Trẻ TP Hồ Chí Minh (sân Thống Nhất).

Tỉnh Đồng Nai sẽ có câu lạc bộ bóng đá Đồng Nai và Bình Phước, đều ở giải Hạng Nhất. Đội Bình Phước - câu lạc bộ chủ quản của Nguyễn Công Phượng - có cơ hội lên V.League khi đang cạnh tranh suất tham dự trận play-off thăng hạng.

Tỉnh Phú Thọ sau quá trình sáp nhập sẽ có Câu lạc bộ Hòa Bình - thi đấu ở giải Hạng Nhất. Trước đó, đội bóng mang tên Phú Thọ từng thi đấu ở giải Hạng Nhất nhưng xuống hạng. Câu lạc bộ này vừa bị Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cấm thi đấu do liên quan đến tiêu cực.

Câu lạc bộ bóng đá Huế vẫn thuộc thành phố Huế. Tuy nhiên, đội bóng đối mặt nguy cơ lớn xuống giải Hạng Nhì. Nếu điều này xảy ra, Huế không còn đại diện nào ở 2 hạng đấu chuyên nghiệp.

Thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập có 4 đội bóng ở các hạng đấu khác nhau, trong đó có 2 đội chuyên nghiệp. Câu lạc bộ Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn đang trong cuộc đua trụ hạng ở V.League. Hai đội Trẻ Đà Nẵng và Trẻ Quảng Nam thi đấu ở các hạng ngoài chuyên nghiệp.

Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai sau hơn 20 năm tồn tại V.League sẽ trở thành đội bóng của Bình Định - quê hương của ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Địa phương này còn có một câu lạc bộ khác đang cạnh tranh trụ hạng ở V.League là Quy Nhơn Bình Định.

Câu lạc bộ bóng đá Nam Định sẽ nằm ở cùng tỉnh Ninh Bình với đội Phù Đổng Ninh Bình - nhà vô địch giải Hạng Nhất Quốc gia. Như vậy, ở mùa giải sau, nếu không có thay đổi bất ngờ nào, Ninh Bình có 2 đội bóng thi đấu ở V.League.

Câu lạc bộ bóng đá Long An đóng quân tại tỉnh Tây Ninh.

Ngoài ra, các địa phương khác không có thay đổi sau sáp nhập hoặc không có thêm đội bóng. Thủ đô Hà Nội vẫn có 3 đội bóng là Hà Nội, Công an Hà Nội và Thể Công - Viettel. Hải Phòng, Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, PVF-CAND (Hưng Yên), Khánh Hòa hay Đồng Tháp không có xáo trộn về tên gọi địa phương nơi đóng quân.

Trước mắt, việc sáp nhập tỉnh thành về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận hành của các đội bóng. Hầu hết các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp đều thuộc quản lý của doanh nghiệp tư nhân.

T.H (theo VTC News)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau sáp nhập tỉnh, thành, địa phương nào nhiều đội bóng nhất?