Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đang vào mùa, chín rộ, nhưng thời vụ rất ngắn. Giải bài toán chế biến sâu, bảo quản tốt chính là chìa khóa để giữ vị ngọt lâu bền, giúp trái vải không chỉ ngon mà còn tăng thêm nhiều giá trị.
Những ngày giữa tháng 5, vải thiều Thanh Hà bước vào thu hoạch và dồn dập từ cuối tháng 5 trở đi đến hết tháng 6. Dọc đường tỉnh 390 qua các xã Thanh Tân, Thanh Quang, Vĩnh Cường... xe tải xếp hàng chờ cân vải. Người dân thu hái mang đi bán có rất nhiều giá, cập nhật ngày 15 - 16/6, vải mã đẹp vẫn được 35.000 đồng/kg, bình thường thì 15.000 đồng/kg.
Chỉ diễn ra trong khoảng 1 - 1,5 tháng, mùa vải thiều ở Thanh Hà luôn là cuộc chạy đua với thời gian. Mỗi mùa vụ đến, người dân thu hoạch dồn dập, doanh nghiệp, thương lái hối hả thu mua, mang đi tiêu thụ. Nhưng nếu không có những giải pháp chế biến, bảo quản bài bản, bài toán được mùa - rớt giá rất dễ tái diễn.
Là người có kinh nghiệm trồng vải lâu năm và đã tìm nhiều giải pháp để lai tạo giống vải kéo dài mùa vụ nhưng ông Phạm Văn Giang ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn vẫn không thể “kiềm chế” quả vải lâu khi tính thời vụ của quả vải quá cao. Ông Giang cho biết: “Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, hàng nghìn tấn vải chín rộ cùng lúc, không tiêu thụ nhanh là bị thối, hỏng. Khi vải chín đồng loạt, dù thương lái, doanh nghiệp khắp nơi có đến đưa vải vào các chuỗi siêu thị, xuất khẩu chính ngạch… thì việc tiêu thụ tươi cũng không thể giải quyết được hết. Nếu không có phương án chế biến sâu, kéo dài chuỗi giá trị thì năm nào vải cũng mất giá”.
Với hơn 3.600 ha trồng vải, năm nay, huyện Thanh Hà thu khoảng 38.000 tấn quả. Bình quân mỗi ngày nông dân Thanh Hà thu hoạch hơn 1.000 tấn vải. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, áp lực mùa vụ thu hoạch dồn dập nên rất cần có một doanh nghiệp chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm khác từ vải để nâng cao giá trị đặc sản, kéo dài thời gian thu hoạch, bảo quản giúp người dân an tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết xã có hơn 700 ha vải, nhiều nhất huyện Thanh Hà. Năm nay, sản lượng vải đạt khoảng 12.000 tấn. Xã tính chuyện kéo dài vụ bằng cách hướng dẫn nông dân chia thời điểm chăm bón, cắt tỉa, nhưng khí hậu không cho phép. Vấn đề nằm ở sau thu hoạch, chứ không phải trong ruộng. Thực tế, phần lớn nông dân ở Thanh Hà mới chỉ quen với việc bán vải tươi ngay tại vườn hoặc ở các chợ đầu mối. Khâu sơ chế chủ yếu vẫn là chọn, rửa, đóng thùng xốp, ướp đá đơn giản. Việc thiếu các cơ sở chế biến bài bản khiến nông sản dễ bị thối, giảm chất lượng nếu không bán được ngay.
Trên địa bàn huyện Thanh Hà hiện có Công ty CP Ameii Việt Nam đặt nhà máy sơ chế tại xã Thanh Tân là điển hình chế biến vải thiều thành nhiều sản phẩm khác như vải sấy khô, dấm vải, long vải. Tuy nhiên, công suất chế biến còn thấp, không đáng kể.
Theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam, hiện tại doanh nghiệp vẫn chú trọng xuất khẩu vải tươi sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Trung Đông. Một số sản phẩm được chế biến chuyên sâu từ vải thì có nước dấm vải được thị trường đón nhận tốt nhưng chúng tôi sẽ mở rộng vào những năm sau.
Theo ông Tiến, chế biến vải không hề đơn giản. Vải thiều chứa nhiều nước, dễ lên men, nên muốn sấy khô, làm nước ép, mứt hay đông lạnh thì phải có dây chuyền phù hợp. Trong khi đó, đầu tư máy móc đòi hỏi vốn rất lớn. Ngoài ra, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, bảo quản sau chế biến... cũng là những yếu tố mà doanh nghiệp cần hoàn thiện dần dần.
Nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu chỉ có thể bảo quản vải tươi khoảng 2 tháng trước khi đưa đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, về lâu dài họ cũng nhận ra rằng không thể mãi bán vải tươi. Phải chế biến mới giữ được giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm. Thực tế đã có một số đoàn chuyên gia của Nhật Bản đến Hải Dương làm việc và giới thiệu về công nghệ bảo quản vải, chế biến sâu hơn quả vải tươi thành các sản phẩm khác nhưng đến nay chưa có chuyển giao công nghệ.
Để giải quyết triệt để bài toán tiêu thụ vải theo hướng bền vững, thời gian tới cần có chính sách hỗ trợ bài bản, dài hơi cho chế biến nông sản. Đặc biệt là khi đưa chính quyền 2 cấp vào hoạt động, hợp nhất tỉnh, quả vải thiều Thanh Hà sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giá vận chuyển tăng cao và thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe, việc đa dạng hóa hình thức tiêu thụ, gia tăng giá trị gia tăng của sản phẩm là điều bắt buộc.
Trên cơ sở xác định những lợi thế sẵn có, quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo 6 vùng đặc trưng và 3 trụ cột chiến lược, trong đó Thanh Hà được định hướng là vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực gắn với thế mạnh đặc trưng. Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được định hướng phát triển ngành kinh tế chủ đạo là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Ngoài quả vải, Thanh Hà còn là vùng đất trù phú với nhiều nông sản như ổi, bưởi, quất… Vì thế chế biến sâu là rất cần thiết không chỉ phục vụ riêng vùng cây ăn quả Thanh Hà mà có thể đáp ứng nhu cầu của cả khu vực. Các sản phẩm vải sấy, nước ép, mứt vải… nếu được sản xuất đạt tiêu chuẩn có thể xuất khẩu kéo dài, thay vì phụ thuộc vào mùa vụ.
Ông Tăng Bá Bay, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: “Muốn thúc đẩy chế biến sâu, phải có sự đồng hành giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhà nước cần đầu tư hạ tầng chế biến, vùng nguyên liệu, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, đào tạo nhân lực. Doanh nghiệp phải đi đầu trong đổi mới công nghệ còn người dân cần thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, chế biến sâu không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà là chiến lược nâng tầm nông sản. Với đặc sản như vải thiều Thanh Hà, bài toán này càng cần được giải sớm để quả vải không chỉ "đẹp mùa" mà còn "được giá" lâu dài.
Bài toán chế biến vải thiều Thanh Hà không còn là chuyện xa vời mà đã trở thành đòi hỏi cấp thiết. Nếu chỉ trông chờ vào thị trường vải tươi, nguy cơ thừa cung, bị ép giá và lãng phí tài nguyên sẽ còn tái diễn. Muốn trái vải “ngọt” hơn về giá trị, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và nông dân Hải Dương cần sớm có chiến lược đồng bộ về chế biến, bảo quản, thị trường.
Thực hiện: MINH NGUYÊN - VĂN TUẤN
Trình bày: TUẤN ANH