
Gửi bình luận
PGS.TS Vũ Văn Phúc - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh điều này khi nói về quyết định của Trung ương tích hợp nội dung 3 văn kiện thành Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12 (khóa XIII), Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, về định hướng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, với tinh thần cách mạng tấn công, tinh thần tiếp tục đổi mới, Trung ương đã quyết định tích hợp nội dung 3 văn kiện gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo Tổng kết xây dựng đảng thành Báo cáo chính trị theo một trục xuyên suốt, thống nhất, đồng bộ để trình Đại hội XIV của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất đánh giá việc hợp nhất các báo cáo là tư duy mới, đột phá, thể hiện cách làm sáng tạo, tránh được sự trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các báo cáo, thể hiện đúng tầm vóc của Báo cáo chính trị, rõ quan điểm, chủ trương, các định hướng chiến lược, cụ thể về các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược có tính hành động cao, nhất quán.
Cùng với Báo cáo chính trị mới là Chương trình hành động chung, thống nhất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Tâm đắc với những kết quả quan trọng của hội nghị, PGS.TS Vũ Văn Phúc - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, việc tích hợp 3 báo cáo thành Báo cáo chính trị mới là tư duy mới, đột phá, thể hiện cách làm sáng tạo, tránh được sự trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các báo cáo, thể hiện đúng tầm vóc của Báo cáo chính trị, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của các văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
-Việc Trung ương quyết định tích hợp nội dung 3 văn kiện thành Báo cáo chính trị có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Trung ương quyết định tích hợp nội dung 3 văn kiện gồm: Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo Tổng kết xây dựng Đảng thành Báo cáo chính trị theo một trục xuyên suốt để trình Đại hội XIV của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp.
Bởi vì sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... là thống nhất, toàn diện, đồng bộ, không tách rời.
Hơn nữa, Đảng ta đã xác định: Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chiến lược, trong đó: phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng; tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên.
Như vậy, trình Đại hội XIV của Đảng cũng phải thống nhất trong một văn kiện, gắn kết chặt chẽ 4 nhiệm vụ chiến lược đó, không thể chia lẻ từng nhiệm vụ và càng không phải mỗi nhiệm vụ là một báo cáo riêng.
-Thực tiễn vừa qua cho thấy, ở một số nơi, chất lượng chuẩn bị văn kiện trình đại hội còn hạn chế, dàn trải, ít cụ thể, chưa làm rõ các giải pháp đột phá cho nhiệm kỳ tới. Theo ông, làm thế nào để cấp ủy thực sự “chuyển” chủ trương của Trung ương thành giải pháp rõ ràng, sát dân, dễ thực hiện tại địa phương mình?
Việc xây dựng văn kiện Đại hội cấp địa phương nhiệm kỳ 2025 – 2030, cấp ủy cần chú trọng mấy điểm căn bản sau:
Thứ nhất, xây dựng mới văn kiện Đại hội đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh mới, xã mới trong kỷ nguyên mới, chứ không đơn thuần là cộng cơ học văn kiện của các tỉnh cũ, các xã cũ.
Thứ hai, văn kiện Đại hội cần đề ra những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để có thể triển khai ngay trong thực tiễn, theo phương châm: ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Thứ ba, văn kiện Đại hội phải thực sự “chuyển” được những chủ trương, đường lối của Trung ương thành những nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, cụ thể, sát dân, dễ thực hiện tại địa phương mình.
Để làm được điều đó, văn kiện Đại hội của địa phương không phải là sao chép lại chủ trương của Trung ương, mà phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để vận dụng sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh của địa phương mình.
-Theo ông, khi xây dựng văn kiện, làm thế nào để vừa bảo đảm định hướng chung, vừa phát huy được lợi thế riêng biệt của từng vùng, từng xã?
Mỗi địa phương đều có đặc thù riêng. Do vậy, khi xây dựng văn kiện Đại hội và mô hình phục vụ dân, để vừa bảo đảm chủ trương, định hướng chung, vừa phát huy được lợi thế “ngách” riêng biệt của từng tỉnh, từng xã, thì phải nghiên cứu thật kỹ đặc điểm, thế mạnh, văn hóa, truyền thống, lịch sử... của địa phương mình.
Từ đó chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo sát tình hình; phân tích thấu đáo những vấn đề nổi lên, xác định được cụ thể, rõ ràng những nút thắt cần tháo gỡ trong lĩnh vực, địa bàn của mình.
Lúc này, cán bộ cấp ủy đóng vai trò lãnh đạo phải rất tâm huyết, có trình độ, có tư duy chiến lược, tư duy lãnh đạo, thì mới xác định được đúng vấn đề để có định hướng lãnh đạo, chỉ đạo.
Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá cán bộ
-Về phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Trung ương thống nhất việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự dựa trên cơ sở quy hoạch nhưng không quá cứng nhắc mà cần phải căn cứ vào thực tiễn cụ thể để xem xét, không bỏ sót những nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có phẩm chất, năng lực lãnh đạo nổi trội... Ông bình luận gì về điều này?
Trung ương thống nhất việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhìn chung dựa trên cơ sở quy hoạch nhưng không quá cứng nhắc mà cần phải căn cứ vào thực tiễn cụ thể để xem xét, không bỏ sót những nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có phẩm chất, năng lực lãnh đạo nổi trội, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.
Đây là một định hướng đúng đắn, rất phù hợp với thực tiễn. Vì khi xây dựng quy hoạch có thể chưa phát hiện hết hoặc vì một lý do nào đó mà chưa đưa vào quy hoạch những nhân tố có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sáng, có năng lực lãnh đạo nổi trội, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày càng đòi hỏi rất cao, rất nặng nề, khó khăn phức tạp... trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
-Từ thực tiễn triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt hơn, theo ông, điều gì là then chốt để mục tiêu “phục vụ dân tốt hơn” thực sự đi vào đời sống?
Từ thực tiễn triển khai thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, để mục tiêu “phục vụ dân tốt hơn” thực sự đi vào đời sống, thì điều then chốt nhất là đội ngũ cán bộ.
Cán bộ phải thực sự vì dân phục vụ, đáp ứng tốt nhất, hiệu quả nhất, nhanh nhất yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; đặt lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp lên trên hết, trước hết. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá cán bộ.
-Xin cảm ơn ông.