Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 3 (bão WIPHA) gây ra, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự UBND TP Hải Phòng xây dựng 3 kịch bản ứng phó với bão.
Kịch bản thứ nhất, khi bão gần biển Đông di chuyển nhanh và có khả năng gây ảnh hưởng đến địa bàn thành phố, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự thành phố yêu cầu Đài Khí tượng thuỷ văn thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, báo cáo, truyền tin kịp thời tới các cơ quan, địa phương để chủ động chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và khách du lịch biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến bão để chủ động phòng tránh. Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng ứng phó với bão, khuyến cáo nhân dân thực hiện thu hoạch hoa màu đã đến kỳ thu hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra đê điều. Các chủ đầu tư xây dựng công trình đê điều, thuỷ lợi thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng chống úng ngập; các công ty khai thác công trình thuỷ lợi vận hành thử các công trình chống úng, duy trì mực nước đệm hợp lý, chuẩn bị thiết bị máy móc sẵn sàng chống úng. Các địa phương triển khai phương án bảo vệ các lồng bè nuôi trồng trên sông, vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung.
Chính quyền cấp xã, cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát lại các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, vật tư, nhân lực, trang thiết bị để sẵn sàng triển khai khi bão đổ bộ vào thành phố theo phương châm “4 tại chỗ”. Ban chỉ huy các xã, phường, đặc khu rà soát phương án sơ tán dân vùng trũng thấp, các khu nhà xung yếu, để có phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.
Bộ Chỉ huy quân sự thành phố thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến bão để chủ động phòng tránh. Thường xuyên giữ liên lạc với các phương tiện đang hoạt động trên biển. Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông. Rà soát, thống kê số lượng tàu thuyền các loại; vị trí, quy mô các khu neo đậu, tránh trú bão.
Sở Xây dựng chỉ đạo cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, bảo đảm hạn chế tối đa gẫy đổ, làm cản trở giao thông, ảnh hưởng hệ thống điện. Sẵn sàng thực hiện phương án bảo đảm tiêu thoát nước khu vực đô thị trong trường hợp xảy ra mưa lớn. Cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở, bảo đảm giao thông. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư của ngành tham gia xử lý sự cố, thiên tai.
Các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi kiểm tra, giải toả các điểm ách tắc cục bộ. Nạo vét, khơi thông dòng chảy, giải tỏa vật cản trên các tuyến kênh, cửa vào các cống tiêu nhằm chủ động vận hành các trạm bơm, cống tiêu để tiêu rút nước đệm phòng chống úng lụt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Vận hành thử hệ thống công trình trạm bơm tiêu thoát nước. Khắc phục ngay các sự cố công trình thủy lợi, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ”. Triển khai các phương án bảo đảm an toàn các cống dưới đê, phương án phòng chống úng đối với các công trình trọng điểm, vùng úng trọng điểm.
Kịch bản thứ hai khi bão trên biển Đông, gió mạnh cấp 8 - 15, có khả năng gây ảnh hưởng đến địa bàn thành phố, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường theo dõi sát về vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố ban hành công điện ứng phó. Tham mưu tạm dừng hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí ven biển.
Bộ Chỉ huy quân sự thành phố phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm đếm, thông tin cho các chủ phương tiện hoạt động trên biển thực hiện các biện pháp bảo đảm 100% các tàu thuyền thủy sản vào nơi tránh trú bão an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. UBND các xã, phường, đặc khu phối hợp với lực lượng quân sự và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo an toàn.
Đối với vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất như các phường: Kiến An, Đồ Sơn, Thuỷ Nguyên, Bắc An Phụ, Phạm Sư Mạnh, Nhị Chiểu, Bắc An Phụ, Trần Liễu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Đại Hành..., sẵn sàng phương án di dân, bảo vệ tài sản của nhân dân và nhà nước khi mưa lớn kéo dài hoặc có diễn biến sạt lở. Công tác sơ tán bảo đảm thực hiện xong trước khi bão đổ bộ ít nhất là 5 giờ.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, UBND các xã, phường, đặc khu tăng cường kiểm tra, xử lý các vị trí xung yếu có nguy cơ tràn, vỡ trên bờ kênh trục. Không để nước ở các sông ngoài tràn vào kênh trục nội đồng. Thực hiện nghiêm quy trình vận hành các cống dưới đê. Trường hợp mưa trên 200mm trùng với thời điểm triều cao, thực hiện triệt để theo phương án phòng chống úng. Chủ động xả bớt lưu lượng nước tích trong các hồ chứa, thông tin kịp thời cho chính quyền và nhân dân biết trước khi xả lũ để triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại...
Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty CP Thoát nước Hải Phòng, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương rà soát, sẵn sàng thực hiện phương án bảo đảm tiêu thoát nước khu vực đô thị trong trường hợp xảy ra mưa lớn. Bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực cảng biển, logistic ven biển, khu hậu cần dịch vụ cảng; bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tại các bến phà, đò; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư của ngành tham gia xử lý sự cố, thiên tai. Rà soát, kiểm tra các khu chung cư cũ, xuống cấp, có phương án sơ tán nhân dân trước khi bão đổ bộ, phòng chống và cứu sập nhà cửa. Hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, bảo đảm hạn chế tối đa cây gẫy đổ.
Sở Công thương chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện ổn định tại các trụ sở cơ quan nhà nước, nhất là các trụ sở trung tâm điều hành phục vụ công tác chỉ đạo trong mọi tình huống. Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nước uống và các mặt hàng thiết yếu để chủ động điều tiết, bình ổn giá cả thị trường và kịp thời phục vụ nhân dân.
Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin chủ động kiểm tra hạ tầng số, triển khai hạ tầng, đường truyền kết nối, nguồn điện, sóng viễn thông di động, nghiên cứu đề xuất phương án trang bị, sử dụng điện thoại vệ tinh tại các điểm cầu địa phương, các sở, ngành liên quan để bảo đảm yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai thông suốt trong mọi tình huống.
Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, chằng chống công trình lớp học, cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên các cơ sở giáo dục; căn cứ tình hình diễn biến thiên tai xảy ra quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Bắc, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện thủy neo đậu tại các vùng nước do đơn vị quản lý đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến các công trình kết cấu hạ tầng khác khi có sự cố xảy ra. Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo thực hiện bảo đảm công tác phòng chống bão, đề phòng ngập úng tại các khu công nghiệp. UBND các xã, phường, đặc khu ven biển tổ chức rà soát, thống kê, chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu du lịch biển, đảo; sẵn sàng phương án xử lý sạt lở các tuyến đường ven biển, ven núi có nguy cơ sạt lở.
Kịch bản thứ ba khi bão trên đất liền, gió bão mạnh cấp 8 - 15, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn thành phố, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự thành phố yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố phối hợp với các địa phương tổ chức các lực lượng tìm kiếm cứu nạn để ứng cứu kịp thời; sẵn sàng triển khai phương án ứng phó sau bão.
Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện và thuốc y tế dự phòng. Xây dựng phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị, phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để bùng phát dịch bệnh sau thiên tai.
Điện lực Hải Phòng chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng. Các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi thực hiện các phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất, chống ngập úng khu đô thị, khu công nghiệp. UBND các xã, phường, đặc khu xây dựng phương án hậu phương phòng chống bão để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do bão gây ra theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tổ chức lực lượng ứng cứu tại chỗ đối với người, tài sản. Tham gia giải toả ách tắc giao thông, bảo vệ mạng lưới điện thoại, điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương có nguy cơ ảnh hưởng lớn chuẩn bị các địa điểm để sẵn sàng đón dân di chuyển, sơ tán dân khi có tình huống khẩn cấp. Chuẩn bị phương án hậu cần cung cấp lương thực, thực phẩm và bố trí ăn, nghỉ cho các lực lượng ứng cứu, lực lượng tăng cường, nhất là trong tình huống phải xử lý sự cố dài ngày. Chuẩn bị đủ vật tư, giống dự phòng cho phương án khôi phục sản xuất để khi cần sử dụng cho việc gieo cấy lại. Có kế hoạch dự trữ lương thực để cứu trợ cho nhân dân khi có tình huống xấu xảy ra.
Có phương án hướng dẫn nhân dân tự dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh... để chủ động tự cứu mình khi Nhà nước chưa kịp thời cứu trợ. Quản lý chặt chẽ và có phương án bảo vệ các khu vực chứa, xử lý rác thải, kho để chất hoá học, kho để thuốc bảo vệ thực vật, thú y... đề phòng úng, lụt xảy ra gây ô nhiễm môi trường. Có phương án phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phương án đảm bảo an ninh trật tự... Làm tốt công tác bảo vệ tài sản của Nhà nước, tập thể, nhân dân, chống mọi hành động lợi dụng thiên tai để chiếm đoạt, phá hoại tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi phá hoại, trộm cắp... Nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Tu sửa nhà cửa, kho tàng, đường xá, trường học, bệnh viện... Làm tốt công tác phòng dịch cho người và gia súc, bảo đảm vệ sinh môi trường sau bão. Sẵn sàng chi viện cho những vùng bị thiệt hại do bão gây ra. Nêu cao tinh thần tương thân, tương ái trợ giúp sức người, sức của và các loại vật tư, giống cây, giống con thiết yếu cho vùng bị thiệt hại.
PV