Giáo dục và đào tạo

Mùa hè không uổng phí của những đứa trẻ khiếm thị

HOÀNG LINH 20/07/2025 16:35

Những trẻ em khiếm thị ở Hải Phòng luôn nỗ lực để hoà nhập với cộng đồng. Mùa hè là mùa vui chơi, nghỉ ngơi nhưng các em vẫn miệt mài rèn luyện.

co-hoang-thi-phuong(1).jpg
Lớp học chữ nổi do cô Hoàng Thị Phương đứng lớp luôn có đông học sinh kể cả trong những ngày hè

Cố gắng không ngừng

Giữa hè nhưng lớp học chữ nổi của cô giáo Hoàng Thị Phương ở Trung tâm Phục hồi chức năng, Dạy nghề và Đào tạo việc làm khu vực Tây Hải Phòng (Hội Người mù thành phố) luôn rộn rã tiếng nói cười. Dù là thời gian nghỉ, được trở về với gia đình nhưng nhiều học sinh khiếm thị vẫn tới lớp để việc học không bị gián đoạn.

bui-thanh-tung(1).jpg
Em Bùi Thanh Tùng (áo xanh) do theo học muộn nên dù nhà ở xa vẫn không nghỉ buổi học nào

Em Bùi Thanh Tùng, 14 tuổi quê ở Hưng Yên đã học tại trung tâm được hơn 4 năm. Dù nhà xa, nhớ bố mẹ nhưng Tùng nhất quyết không nghỉ hè mà tiếp tục ở lại học chữ. “Em học muộn hơn các bạn nên phải cố gắng. Mỗi tháng em chỉ về nhà một lần, mỗi lần chỉ 2 – 3 ngày rồi lại đòi đi học chữ. Giờ em đã thành thạo, nhớ được các chữ song vẫn chưa nhanh bằng các bạn trong lớp. Vì vậy em vẫn cần nỗ lực hơn nữa”, Tùng nói.

nguyen-thi-dieu-hoc(1).jpg
Một bạn trong lớp say sưa đọc chuyện Bác Hồ bằng sách in chữ nổi

Còn bạn Nguyễn Thị Diệu Hoa ở xã Đại Sơn dù đã ở độ tuổi trưởng thành (22 tuổi) nhưng vẫn được các thầy cô và học sinh ở trung tâm thân thương gọi là “em bé”. Kém may mắn hơn các bạn trong lớp, Hoa không những bị khiếm thị mà còn mắc bệnh Down bẩm sinh. Do đó, mọi vận động, hành vi, nhận thức của em chỉ như đứa trẻ mới lên 10 tuổi.

Thế nhưng không để thầy cô, bạn bè bận tâm, Hoa rất chăm chỉ học tập. Dù việc học chữ nổi chậm chạp song Hoa vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc. Em rất nỗ lực học phục hồi chức năng để có thể tự đi lại, vệ sinh cá nhân.

chu-noi(1).jpg
Chữ nổi là cầu nối để trẻ khiếm thị tiếp thu tri thức

Không những thành thạo chữ nổi, nắm bắt kiến thức cơ bản về tin học, em Bùi Hà Thanh, 14 tuổi ở phường Lê Thanh Nghị còn rất say mê học đàn. Thanh theo học tại Trung tâm Phục hồi chức năng, Dạy nghề và Đào tạo việc làm khu vực Tây Hải Phương được hơn 8 năm.

Từ khi sinh ra, Thanh đã thiệt thòi khi không có đôi mắt trọn vẹn. Dù vậy, em không tự ti, mặc cảm về bản thân mà luôn cố gắng hết sức. Ở trung tâm, Thanh luôn hoà đồng, hoạt bát và được mọi người quý mến. “Em rất vui khi được quen nhiều bạn mới. Các bạn ở trung tâm ai cũng có năng khiếu, tài lẻ riêng nên chúng em học hỏi được nhiều điều ở nhau”, Thanh nói.

Người đồng hành tận tụy

tre-khiem-thi-hoc-nang-khieu(1).jpg
Các thầy cô luôn tận tình chỉ bảo để những đứa trẻ đặc biệt có thể phát huy khả năng

Những đứa trẻ khiếm thị không may mắn khi không nhìn thấy ánh sáng nhưng đổi lại các em luôn vững tâm khi có điểm tựa là các thầy cô ân cần, tận tình dạy bảo.

Cô giáo Hoàng Thị Phương đã gắn bó với Trung tâm Phục hồi chức năng, Dạy nghề và Đào tạo việc làm khu vực Tây Hải Phòng hơn 26 năm qua. Từ lớp học của cô Phương, nhiều trẻ khiếm thị đã tự tin hoà nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn là niềm tự hào của gia đình, xã hội. Cô Phương cho biết: “Mỗi bạn trẻ khiếm thị đều là một thế giới riêng cần khám phá để từ đó có phương pháp giáo dục, rèn luyện phù hợp với thể chất, trí tuệ, năng lực. Khi có tố chất tốt, được bồi dưỡng, đào tạo phù hợp sẽ phát triển thành tài năng”.

Trong 20 năm đứng lớp dạy tin học cho trẻ khiếm thị, cô Phạm Vân Hương luôn tự hào về những học sinh thành tài từ lớp học nhỏ hẹp, chật chội nhưng luôn ấm áp, ân tình. Dù thiết bị máy tính còn thiếu thốn, những đứa trẻ có hạn chế nhất định song vượt lên nghịch cảnh, cả cô trò đều khắc phục khó khăn, nỗ lực thích ứng với công nghệ số. “Một số bạn khiếm thị không ngừng cố gắng, làm chủ được công nghệ thông tin. Thậm chí, có bạn còn viết được cả phần mềm để hỗ trợ cho những người kém may mắn như mình”, cô Hương phấn khởi khoe.

tin-hoc(1).jpg
Nhiều bạn khiếm thị hào hứng học tin học

Dịp hè này, Trung tâm Phục hồi chức năng, Dạy nghề và Đào tạo việc làm khu vực Tây Hải Phòng đón 60 trẻ khiếm thị tới tham gia các lớp học chữ nổi, tin học và các môn năng khiếu như đàn, hát, bơi lội... Những em nhỏ khiếm thị được học tập, rèn luyện phù hợp với sở thích, thể trạng. Có trẻ hăng say với con chữ, có bạn lại thích thú với đàn hát, thơ ca; có bạn lại say sưa với bàn phím máy tính để học lập trình.

Ông Vũ Anh Minh, Phó Chủ tịch Hội Người mù TP Hải Phòng khẳng định những lớp học đặc biệt dành cho những học sinh đặc biệt không chỉ giúp các em nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng mà còn là nơi ươm mầm tài năng. Nhiều bạn khiếm thị nhưng vẫn nỗ lực, mạnh mẽ vươn lên, làm chủ cuộc sống bản thân. Từ những lớp học này, các trẻ em khiếm thị sẽ không còn mặc cảm mà sẽ tự tin khẳng định bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

HOÀNG LINH