Đánh giá về phản ứng của Nga với 'tối hậu thư' từ Mỹ về xung đột ở Ukraine
Tổng thống Trump bất ngờ đe dọa áp thuế cao nếu Nga không chấm dứt xung đột Ukraine trong 50 ngày. Điện Kremlin phản ứng thế nào trước cảnh báo cứng rắn từ Mỹ?

Theo nhận định của các chuyên gia Marek Menkiszak và Andrzej Kohut tại Viện Nghiên cứu phương Đông (osw.waw.pl/en) có trụ sở tại Ba Lan mới đây, đầu tuần này Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một "tối hậu thư" đầy bất ngờ liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Trong cuộc họp báo với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, ông Trump công bố một cơ chế mới để hỗ trợ Kiev và tuyên bố rõ ràng: nếu một thỏa thuận hòa bình với Ukraine không đạt được trong vòng 50 ngày (trước ngày 2/9 tới), Mỹ sẽ áp đặt thuế quan thứ cấp 100% đối với Nga, nhắm vào các quốc gia mua tài nguyên thiên nhiên của nước này. Vậy phản ứng của Nga trước động thái cứng rắn trên của Washington là gì, và liệu "tối hậu thư" của ông Trump có thay đổi được lập trường của Moskva?
Phản ứng bình tĩnh từ Điện Kremlin
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Moskva đã có những phản ứng tương đối bình tĩnh và thận trọng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả những tuyên bố của Tổng thống Mỹ là "nghiêm trọng" và cho biết Moskva đang "phân tích chúng". Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng đưa ra những nhận xét tương tự, nhưng không quên mỉa mai khi nhắc lại rằng ông Trump trước đây đã đặt ra nhiều thời hạn khác nhau để chấm dứt cuộc xung đột nhưng không thành công. Ông Lavrov cũng cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ đang chịu áp lực "không đứng đắn" từ EU và NATO, những bên được cho là muốn kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.
Thậm chí, Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko còn bày tỏ sự ngạc nhiên khi những tuyên bố của ông Trump không nhắm vào Kiev, với lý do rằng phương Tây không thực sự quan tâm đến việc ủng hộ một thỏa thuận hòa bình. Trước đó, Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, đã gọi "tối hậu thư" của Tổng thống Trump là "mang tính biểu tượng" và khẳng định Nga đã không hề quan tâm. Các nghị sĩ, chuyên gia và phương tiện truyền thông của Nga cũng đồng loạt đưa ra ý kiến tương tự, chỉ trích ông Trump vì đã tiếp tục các chính sách của chính quyền tiền nhiệm thời Joe Biden và không gây áp lực lên Kiev. Họ tin rằng "tối hậu thư" của ông sẽ không ảnh hưởng đến lập trường của Moskva và rằng ông Trump có thể một lần nữa thay đổi quyết định.
Các chuyên gia trên nhận định rằng mặc dù các quyết định của Washington có phần bất lợi cho Moskva, nhưng phạm vi hạn chế và sự không chắc chắn trong việc thực thi đồng nghĩa với việc chúng khó có thể thay đổi lập trường của Nga. Điện Kremlin dường như tin rằng, khi thời hạn 50 ngày kết thúc, việc không đạt được thỏa thuận sẽ không thúc đẩy ông Trump thực hiện bất kỳ hành động nghiêm túc nào nhằm vào Nga.
Một minh chứng cho nhận xét này là: trên thị trường chứng khoán Moskva, vốn hóa đã tăng 2,5% ngay sau phát biểu của Tổng thống Mỹ. Điều này cho thấy giới đầu tư Nga đã đón nhận những tuyên bố của ông Trump một cách nhẹ nhõm, vì chúng khác với những thông tin rò rỉ trước đó cho rằng các biện pháp của Mỹ sẽ khắc nghiệt hơn nhiều. Những thông tin rò rỉ này đặc biệt đề cập đến khả năng Tổng thống trump ủng hộ dự luật đang được Quốc hội thảo luận, cho phép áp thuế bổ sung 500% đối với các quốc gia ủng hộ Nga, và khả năng chuyển giao cho Ukraine tên lửa JASSM hoặc Tomahawk có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Điện Kremlin dường như đang tập trung vào việc các lô hàng vũ khí của Mỹ sẽ được chuyển giao trên cơ sở thương mại – do các quốc gia châu Âu chi trả. Moskva tin rằng châu Âu thiếu ý chí chính trị để tài trợ cho sự hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, và những nguồn cung cấp này sẽ không bao gồm các loại vũ khí sát thương nhất có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Phía Nga cũng lưu ý đến thái độ công khai bác bỏ của Tổng thống Trump đối với sáng kiến lập pháp của Quốc hội Mỹ nhằm làm suy yếu nghiêm trọng nguồn thu ngân sách của Nga. Trên hết, họ diễn giải quyết định trì hoãn áp đặt thuế quan trong 50 ngày là dấu hiệu cho thấy ông Trump từ chối gia tăng áp lực lên Moskva.
Tác động thực tế và triển vọng của "tối hậu thư"
Tuy nhiên, quyết định của ông Trump vẫn gây khó khăn cho Moskva vì chúng có khả năng kéo dài sự kháng cự của Ukraine và trì hoãn triển vọng bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Điện Kremlin dường như đã hy vọng Washington sẽ dần dần ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev, để thuyết phục Tổng thống Trump rằng thất bại của các cuộc đàm phán hòa bình là trách nhiệm của Kiev, và để tách rời tiến trình bình thường hóa chính trị và kinh tế khỏi việc giải quyết xung đột vũ trang.
Về tác động kinh tế, việc nhắm trực tiếp vào thương mại với Nga sẽ không gây ra nhiều hậu quả đáng kể, vì khối lượng thương mại của nước này với Mỹ đã giảm xuống còn 3,5 tỷ USD vào năm 2024, chiếm chưa đến 0,5% tổng kim ngạch thương mại của Nga. Tuy nhiên, Nga có thể bị tổn hại bởi việc áp đặt thuế quan thứ cấp cao đối với các quốc gia khác giao dịch với nước này – đặc biệt là những quốc gia nhập khẩu hydrocarbon của Nga như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, Moskva dường như hoài nghi về khả năng này, vì những biện pháp như vậy sẽ làm suy yếu nỗ lực của Washington nhằm ký kết một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh và phát triển quan hệ đối tác toàn diện với New Delhi và Ankara.
Tóm lại, những tuyên bố của Tổng thống Mỹ củng cố niềm tin của Moskva rằng, bất chấp những lời lẽ gay gắt, ông Trump thiếu ý chí chính trị để thay đổi căn bản lập trường hiện tại. Liệu ông Trump có thực sự hành động cứng rắn sau 50 ngày, hay đây chỉ là một lời đe dọa mang tính chiến lược?