Bứt phá sau hợp nhất, Hải Phòng hướng tới vị thế ‘thủ phủ FDI’ miền Bắc
E-magazine - Ngày đăng : 11:00, 19/07/2025

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Hải Phòng thu hút hơn 905 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ ngày 1/7, việc hợp nhất với tỉnh Hải Dương được kỳ vọng sẽ tiếp thêm nguồn lực cho TP Hải Phòng (mới) mở rộng không gian phát triển, nâng tầm cạnh tranh và thu hút thêm các dòng vốn FDI chiến lược, là một trong những điểm sáng trên bản đồ đầu tư cả nước trong kỷ nguyên mới.

Ngay trước thời điểm hợp nhất, hoạt động thu hút FDI tại cả Hải Phòng và Hải Dương đã ghi nhận nhiều dấu ấn nổi bật. Tháng 6/2025, Công ty TNHH Innox Ecom Vina khánh thành dự án sản xuất vật liệu cực âm silicon (SiO) – thành phần chủ chốt trong pin xe điện tại khu phi thuế quan và khu công nghiệp Nam Đình Vũ, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, dự án có quy mô 6.000 m², công suất 800 tấn sản phẩm/năm và toàn bộ sản lượng được xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ.

Trước đó, tháng 1/2025, cũng tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Trakmotive Global Industrial Inc (Hoa Kỳ) với dự án sản xuất phụ tùng xe ô tô trị giá 60 triệu USD. Dự án chuyên sản xuất các linh kiện hệ thống truyền động, có quy mô 11.400 tấn sản phẩm/năm, góp phần hình thành chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ tại khu vực.

Về phía Hải Dương, cuối tháng 9/2024, Tập đoàn Deli (Trung Quốc) chính thức khởi công dự án nhà máy văn phòng phẩm tại khu công nghiệp Đại An mở rộng. Với tổng vốn đầu tư lên tới 270 triệu USD trên diện tích hơn 21 ha, đây là dự án FDI lớn nhất của tập đoàn tại Việt Nam.
Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2026, sản xuất hơn 104 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, và doanh thu kỳ vọng đạt 5 triệu USD/năm.
Chủ tịch Tập đoàn Deli ông Lưu Phú An khẳng định dự án không chỉ là bước ngoặt lớn trong chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn, mà còn là cam kết dài hạn với sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng.



Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hải Dương đã thu hút tổng cộng 405,4 triệu USD vốn FDI, tăng 117% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 26 dự án cấp mới với vốn đăng ký 175,5 triệu USD và 35 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn lên 224,7 triệu USD. Cùng thời điểm, TP Hải Phòng ghi nhận dòng vốn FDI lên tới 1,085 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.
Trước khi hợp nhất, Hải Phòng có hơn 1.000 dự án FDI đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 34 tỷ USD. Hải Dương có hơn 600 dự án FDI với tổng vốn hơn 11 tỷ USD đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sau hợp nhất, TP Hải Phòng mới đạt gần 45 tỷ USD FDI từ hơn 1.600 dự án – một lực hút đầu tư vượt trội hiếm địa phương nào có được.



Hải Phòng được xem là “giao điểm chiến lược” – điểm cuối phía biển của Hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, giữ vai trò then chốt trong hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt – Trung. Thành phố hội tụ đủ 5 loại hình vận tải – bộ, sắt, thủy, hàng không, đường biển – và sở hữu cụm cảng nước sâu Lạch Huyện, cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa của miền Bắc. Cảng biển Hải Phòng, đặc biệt là cụm cảng nước sâu Lạch Huyện, đóng vai trò là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa của toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương quốc tế.

Trước khi hợp nhất, khoảng 80% hàng hóa từ Hải Dương đã vận chuyển qua cảng Hải Phòng. Sau hợp nhất, hệ thống logistics này sẽ phục vụ cả vùng kinh tế mở rộng, giúp nhà đầu tư tối ưu chi phí và thời gian vận chuyển. Sự kết hợp giữa một trung tâm cảng biển – logistics hiện đại với một hậu phương công – nông nghiệp công nghệ cao như Hải Dương tạo nên cấu trúc kinh tế bổ trợ hiếm có trên bản đồ FDI Việt Nam.
Cùng với đó, hạ tầng liên vùng phát triển mạnh với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 5, đường sắt Gia Lâm – Hải Phòng, quốc lộ 37, 37B, 17... Các khu công nghiệp tại cả hai địa phương đều quy hoạch đồng bộ, có sẵn mặt bằng và nhà xưởng cho nhà đầu tư.

Năm 2024, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX); Hải Dương cũng tăng hạng mạnh, lần lượt đứng thứ 14 và 13. Môi trường đầu tư minh bạch, thủ tục ngày càng tinh gọn cùng chuyển đổi số mạnh mẽ giúp nhà đầu tư yên tâm rót vốn dài hạn.

Đặc biệt, thành phố đang hình thành Khu thương mại tự do Hải Phòng – cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua với chính sách ưu đãi vượt trội: miễn thuế 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, thuế suất 10% trong 30 năm cho các ngành R&D, công nghệ cao, bán dẫn... Đây sẽ là lợi thế đột phá giúp Hải Phòng đón dòng vốn chất lượng cao trong tương lai gần.

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư thành phố Hải Phòng năm 2025 vừa diễn ra ngày 15/7 là bước đi chiến lược trong nỗ lực biến Hải Phòng thành “thủ phủ FDI” của miền Bắc. 32 dự án cùng 7 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng vốn cam kết hơn 15,6 tỷ USD được trao tại sự kiện, chứng minh cho sức hấp dẫn và cởi mở về đầu tư của thành phố.

Hải Phòng cũng đang kiên trì theo đuổi chiến lược “sàng lọc FDI”, chỉ ưu tiên thu hút những nhà đầu tư có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, khả năng lan tỏa chuỗi cung ứng như LG, Pegatron, Bridgestone, SK... Các “đại bàng” này sau khi đặt chân đến Hải Phòng không chỉ duy trì mà còn liên tục mở rộng đầu tư, tạo động lực kéo theo hàng loạt doanh nghiệp vệ tinh và ngành công nghiệp phụ trợ.
Cả Hải Phòng và Hải Dương đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển đến 2050. Hải Phòng được xác định là trung tâm kinh tế biển quốc tế, cảng biển lớn, trung tâm logistics hàng đầu Đông Nam Á. Trong khi đó, Hải Dương hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với định hướng công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh.

Sự hợp nhất không chỉ là cộng gộp về địa giới mà là phép cộng về năng lực phát triển – về hạ tầng, quy mô dân số, nguồn lao động kỹ thuật, dư địa đất đai và tiềm lực thị trường. Hải Phòng mới không chỉ lớn hơn về diện tích mà còn rộng mở hơn về không gian kinh tế và cơ hội tăng trưởng. Đây chính là thời điểm vàng để thành phố tăng tốc, khẳng định vị thế là điểm đến chiến lược của dòng vốn FDI toàn cầu trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng.
Bài: HÀ VY – LÊ HIỆP
Ảnh: VĂN TUẤN – LÊ DŨNG –
TRUNG KIÊN- THÀNH CHUNG
Trình bày: THU THẢO