Nhà đất

Trụ sở dôi dư ở Hải Phòng được sử dụng thế nào?

HÀ VY 17/07/2025 12:30

Sau khi hợp nhất tỉnh Hải Dương với TP Hải Phòng, nhiều trụ sở công dư thừa đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, tránh lãng phí.

Trung tâm Phục hành chính công phường An Phong được đặt tại trụ sở phường Hồng Phong cũ và được cải tạo sửa chữa khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường An Phong được đặt tại trụ sở phường Hồng Phong cũ và được cải tạo sửa chữa khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp

Ưu tiên bố trí cho trụ sở làm việc

Xã Nghi Dương được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc và Du Lễ. Trụ sở mới của xã đặt tại xã Kiến Quốc. Hai trụ sở của xã Nghi Dương, Du Lễ được sử dụng làm trụ sở của cơ quan quân sự xã, HĐND, MTTQ và Công an xã.

Ông Phạm Trung Huy, Bí thư Đảng ủy xã Nghi Dương cho biết các trụ sở dôi dư đã và đang được sử dụng đúng mục đích, phục vụ tốt cho yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương.

Phường An Phong mới được hình thành từ việc sáp nhập các phường An Hòa, Hồng Phong, một phần phường Lê Thiện, Tân Tiến, Lê Lợi và Đại Bản. Trụ sở chính được đặt ở cơ sở phường Hồng Phong cũ. Hai trụ sở còn lại ở phường Lê Thiện và phường An Hòa được giao cho Ban Chỉ huy quân sự phường và Công an phường sử dụng. Cả hai đều được cải tạo, chỉnh trang khang trang, phù hợp cho nhu cầu làm việc của đơn vị tiếp nhận.

Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động. Tại TP Hải Phòng cũ, phần lớn các xã, phường mới đều được lựa chọn đặt trụ sở tại địa điểm cũ của các xã, phường thành phần, quận trước đây hoặc các cơ quan hành chính đã giải thể. Việc sử dụng trụ sở cũ của các xã, phường nhằm bảo đảm điều kiện làm việc và tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch…

Ở khu vực Tây Hải Phòng, mô hình sắp xếp tương tự được thực hiện. Các xã, phường, thị trấn mới sau sáp nhập được bố trí trụ sở làm việc tại các địa điểm hiện hữu như trụ sở xã mạnh hơn trong liên xã, trụ sở cấp huyện cũ hoặc cơ quan nhà nước giải thể.

tru-so-doi-du(1).jpg
Trụ sở xã Hòa Bình cũ được bố trí là trụ sở làm việc của các ban Đảng, MTTQ xã Kim Thành

Ông Nguyễn Đình Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thành cho biết sau khi sáp nhập từ các xã Hòa Bình, Đại Đức, Tam Kỳ và Đồng Cẩm, xã Kim Thành mới bố trí trụ sở chính gồm khối UBND, Trung tâm Phục vụ hành chính công tại UBND xã Đồng Cẩm cũ; các ban Đảng, MTTQ tại trụ sở UBND xã Hòa Bình cũ; trụ sở xã Tam Kỳ cũ được giao cho Công an xã. Các trụ sở hiện nay đều đang được quản lý, sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, việc đặt Trung tâm Phục vụ hành chính công tại xã Đồng Cẩm cũ vốn là xã trung tâm giữa 4 xã sáp nhập, ngay cạnh quốc lộ 17B rất thuận lợi trong đi lại, giao dịch của người dân.

Phương án xử lý

su-dung-tru-so(1).jpg
Trụ sở chính xã Nghi Dương hiện nay là trụ sở xã Kiến Quốc cũ nên khá chật chội. Ảnh: VÂN NGA

Trước đây, cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hải Dương cũ quản lý, sử dụng 285 trụ sở (không bao gồm trụ sở của các đơn vị sự nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động, chỉ thay đổi cơ quan quản lý cấp trên). Trong đó, cấp huyện có 54 trụ sở; cấp xã có 231 trụ sở (207 trụ sở đang sử dụng, 24 trụ sở cấp xã dôi dư giai đoạn 2023 - 2025 chưa xử lý).

Sau khi dừng hoạt động cấp huyện, sáp nhập xã, tỉnh Hải Dương đã bố trí 131 trụ sở làm việc cho 64 xã, phường mới gồm 25 trụ sở cấp huyện, 106 trụ sở cấp xã.

154 trụ sở dôi dư, trong đó có 29 trụ sở cấp huyện, 125 trụ sở cấp xã, tỉnh Hải Dương trước đây đã lên phương án và giao cho công an cấp xã sử dụng 56 trụ sở cấp xã; 3 trụ sở bố trí cho Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh; 2 trụ sở cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; 1 trụ sở cho Tòa án Nhân dân khu vực Cẩm Giàng; 66 trụ sở chuyển đổi công năng, sử dụng sang mục đích y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng, công cộng.

Trong khi đó, cấp huyện và xã của TP Hải Phòng cũ có 307 trụ sở (65 trụ sở quận, huyện; 242 trụ sở xã, phường).

Sau khi thực hiện sắp xếp 168 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 50 đơn vị hành chính cấp xã mới, có 15 xã mới sử dụng 66 trụ sở của cấp huyện và cấp xã. 35 xã còn lại sử dụng 140 trụ sở. TP Hải Phòng còn dôi dư 101 trụ sở.

101 trụ sở này cũng đã được thành phố xây dựng lộ trình sắp xếp, xử lý, trong đó năm 2025 sử dụng 39 trụ sở, năm 2026 sắp xếp 32 trụ sở, năm 2027 sắp xếp 20 trụ sở và năm 2028 sắp xếp 10 trụ sở. Việc sắp xếp theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong đó ưu tiên cho mục đích giáo dục, y tế hoặc sử dụng vào mục đích công khác...

Mặc dù các trụ sở dôi dư đều đã và đang được các địa phương bố trí sử dụng là nơi làm việc cho các cơ quan cấp xã song thực tế nhiều nơi còn rất khó khăn do trụ sở cũ không bảo đảm diện tích, yêu cầu. Các địa phương đều mong muốn được điều chỉnh, sửa chữa, nâng cấp theo mô hình đơn vị hành chính mới. Đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở để chính quyền cấp xã hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

HÀ VY