ABAC III tại Hải Phòng là diễn đàn kết nối trí tuệ, chia sẻ tầm nhìn, khơi thông những ý tưởng mới(*)
Báo Hải Phòng Plus trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại phiên khai mạc ABAC III tổ chức tại TP Hải Phòng.

Thưa các thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC;
Thưa các lãnh đạo doanh nghiệp APEC;
Thưa các quý vị đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế, các quan khách và bạn bè quốc tế!
Hôm nay chúng ta hội tụ tại thành phố Hải Phòng, nơi diễn ra kỳ họp lần thứ ba trong năm 2025 của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC III) trong một thời điểm hết sức quan trọng của khu vực châu Á Thái Bình Dương và của cả thế giới. Trên suốt chặng đường 36 năm hình thành và phát triển, APEC đã khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực, là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập, bảo đảm hòa bình, ổn định, kết nối và thịnh vượng cho khu vực.
Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với những chuyển biến địa chính trị sâu sắc, chứng kiến sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch với nhiều rủi ro, tiềm ẩn, các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, sự thay đổi về chính sách thương mại và gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, hợp tác đa phương và đối thoại công tư càng trở nên quan trọng và cần phải được đẩy lên một tầm cao mới.
ABAC với vai trò là cơ chế đại diện chính thức của cộng đồng doanh nghiệp trong APEC, giữ vai trò cầu nối then chốt giữa các khu vực tư nhân và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. ABAC không chỉ đề xuất chính sách thuận lợi cho kinh tế mà còn trực tiếp tham gia kiến tạo các giải pháp thiết thực để củng cố chuỗi giá trị, thúc đẩy đầu tư, khơi thông dòng chảy thương mại và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Tôi đánh giá cao vai trò này và tin tưởng rằng những sáng kiến từ ABAC sẽ tiếp tục là động lực cho sự phát triển bền vững trong khu vực của chúng ta.
Thưa các quý vị!
Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng trong một thế giới đầy bất định, doanh nghiệp chính là một lực lượng tiên phong, là đối tác then chốt của Nhà nước và Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển. Chính vì vậy, tôi hoan nghênh việc ABAC đã lựa chọn các chủ đề thảo luận trong kỳ họp lần này xoay quanh các lĩnh vực cốt lõi như thương mại tự do và đầu tư bền vững, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, tài chính xanh và phát triển bền vững, an ninh y tế và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Đây đều là những ưu tiên lớn của Việt Nam trong Chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để thực hiện những ưu tiên trên, Việt Nam đang thúc đẩy cải cách mạnh mẽ thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh và ổn định. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, không chỉ nhờ quy mô thị trường hơn 100 triệu dân mà còn nhờ khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn thông qua mạng lưới các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Việt Nam luôn coi trọng hợp tác APEC và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung nhằm hiện thực hóa tầm nhìn APEC đến năm 2040 vì một cộng đồng châu Á Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai.
Điều này thể hiện rõ qua những nỗ lực của Việt Nam kể từ khi gia nhập APEC năm 1998 và tự hào đã tổ chức thành công năm APEC 2006 và 2017. Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy và tạo điều kiện cho hợp tác thương mại và đầu tư trong khu vực. Với vai trò trung tâm trong mạng lưới liên kết kinh tế khu vực và các hiệp định thương mại tự do đa phương, Việt Nam mang đến cho các nhà đầu tư lợi thế tiếp cận đa dạng thị trường và chuỗi cung ứng toàn khu vực. Vì thế, đầu tư vào Việt Nam không chỉ là đầu tư vào một nền kinh tế năng động, ổn định và đang phát triển nhanh chóng mà còn là bước đi chiến lược để kết nối với các đối tác lớn và tiềm năng trên thế giới cũng như các khu vực tự do thương mại khác.
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ phục hồi cao nhất của khu vực. FDI tiếp tục tăng, đạt gần 39 tỉ đô la Mỹ vốn đăng ký mới và bổ sung. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt ngưỡng 390 tỉ đô la trong năm 2025. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo, bắt đầu từ năm 2026.
Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm phát triển cân đối hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái công nghệ, thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số. Chúng tôi xác định doanh nghiệp có vai trò là một lực lượng tiên phong trong quá trình hiện đại hóa quốc gia. Thực hiện tinh thần đó, Việt Nam đã ban hành các quyết định rất quan trọng nhằm hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đó là các cơ chế hỗ trợ toàn diện từ tiếp cận vốn, đào tạo nhân lực, chuyển đổi số đến hỗ trợ đổi mới công nghệ, khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên. Đây là bước đi cụ thể, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc kiến tạo môi trường thuận lợi và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Hiện nay, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đang triển khai đồng bộ các cơ chế được hỗ trợ như cơ chế thử nghiệm chính sách, các gói ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng số và dữ liệu mở phục vụ doanh nghiệp… Một mặt, chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, chúng tôi chủ động thúc đẩy các đối thoại chính sách giữa Chính phủ và phối hợp tư nhân để kịp thời điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn.
Việt Nam đang hướng tới một tương lai phát triển toàn diện với một số mục tiêu quan trọng, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp tăng tốc phát triển. Cụ thể như trong lĩnh vực hạ tầng, mục tiêu đến năm 2030 hoàn thiện 5.000 km đường cao tốc và khởi công xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Về năng lượng, phát triển mạnh năng lượng tái tạo và đặt mục tiêu 15 – 20% năng lượng sơ cấp từ tái tạo vào năm 2030 và từ 65 - 70 % vào năm 2045. Trong chuyển đổi số và công nghệ, đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, thúc đẩy các trung tâm R&D tại các vùng kinh tế trọng điểm. Về kinh tế xanh và tuần hoàn, hướng đến việc giảm cường độ phát thải và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Về tổng thể, mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thưa các quý vị!
Một khu vực APEC phát triển bền vững không thể thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp APEC hãy cùng nhau tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, chia sẻ công nghệ, nâng cao khả năng thích ứng trước các cú sốc toàn cầu. Cạnh tranh là cần thiết, nhưng hợp tác chính là điều kiện để mọi nền kinh tế cùng chiến thắng. Tôi khuyến khích các tổ chức ABAC, các doanh nghiệp lớn trong khu vực tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua đào tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác thị trường. Cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển bao trùm và bền vững của khu vực.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến hợp tác APEC theo hướng lấy con người làm trung tâm, lấy doanh nghiệp làm động lực và lấy phát triển bền vững là mục tiêu. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng ABAC trong việc xây dựng và kiến nghị các chính sách thiết thực, phản ánh đúng kỳ vọng và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Tôi tin tưởng rằng kỳ họp ABAC III tại Hải Phòng sẽ là diễn đàn kết nối trí tuệ, chia sẻ tầm nhìn và khơi thông những ý tưởng mới. Những khuyến nghị, sáng kiến được thai nghén, hình thành và phát triển tại ABAC III sẽ có giá trị quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Đối thoại ABAC và các nhà lãnh đạo APEC vào tháng 10 tới đây tại Hàn Quốc.
Một lần nữa tôi xin cảm ơn Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC, VCCI, lãnh đạo thành phố Hải Phòng, các cơ quan liên quan và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức kiểu học này. Chúc các quý vị đại biểu sức khỏe thành công. Chúc kỳ họp của chúng ta thật hiệu quả. Xin gặp lại quý vị vào cuối năm nay tại Đối thoại giữa lãnh đạo APEC và ABAC tại Hàn Quốc.
Đặc biệt, tôi trân trọng mời và chào đón quý vị trở lại Việt Nam vào năm 2027 để tham dự các hoạt động dành cho doanh nghiệp trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2027 được tổ chức tại Phú Quốc, Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn!
-----------------------------------