Tự hào và trách nhiệm trong bảo vệ di sản văn hóa dân tộc
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới không chỉ là niềm tự hào của 3 địa phương mà còn là dấu mốc lịch sử cho văn hóa Việt Nam trên bản đồ Di sản thế giới.
.jpg)
Ngày 12/7, Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Pháp đã chính thức ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trải dài trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh với 12 điểm di tích tiêu biểu. Đây là quần thể di sản dạng chuỗi đầu tiên và là di sản liên tỉnh thứ hai của Việt Nam được UNESCO ghi danh, sau vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà.
5 di tích thuộc TP Hải Phòng là chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương, đều là những biểu tượng văn hóa, kiến trúc, tôn giáo đặc sắc. Quần thể di tích này không chỉ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe về tính nổi bật toàn cầu và giá trị nhân văn mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần tự chủ, hài hòa với tự nhiên của tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm, dòng thiền bản địa do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.
Với hệ thống đền, chùa, am, thất, bia đá, mộc bản… được bảo tồn và kết nối bằng các tuyến hành hương thiêng liêng, quần thể này phản ánh đầy đủ tiến trình phát triển liên tục của Phật giáo Trúc Lâm từ khởi thủy đến hưng thịnh và lan tỏa.
Việc được UNESCO ghi danh không chỉ là niềm tự hào của ba địa phương mà còn là dấu mốc đáng ghi nhận cho văn hóa Việt Nam trên bản đồ Di sản thế giới. Đây cũng là thành quả sau hơn 12 năm nỗ lực của các cấp, ngành trung ương và địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ hồ sơ di sản.
.jpg)
Tuy nhiên, việc ghi danh không đơn thuần là “vinh danh” hay “xếp hạng” mà nhằm khẳng định giá trị văn hóa, thúc đẩy cộng đồng quốc tế cùng chung tay bảo vệ và phát huy các giá trị nhân loại. Do đó, sự công nhận đòi hỏi trách nhiệm bảo tồn bền vững quần thể di tích và danh thắng này.
Việc ghi danh cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với chính quyền địa phương và toàn xã hội. Đó là cần nâng cao nhận thức, phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các biện pháp bảo tồn theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới. Đặc biệt là bảo vệ tính toàn vẹn, xác thực, đồng thời phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển bền vững.
Cùng với trách nhiệm, việc 5 điểm di tích của TP Hải Phòng nằm trong quần thể được ghi danh đã mở ra những cơ hội lớn cho địa phương như thúc đẩy du lịch, văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo việc làm. Đồng thời khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, trao truyền các giá trị di sản cho thế hệ mai sau...
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được ghi danh là một dấu ấn lịch sử, một niềm tự hào sâu sắc. Nhưng niềm vinh dự này phải đi kèm trách nhiệm gìn giữ. Trách nhiệm này không chỉ của chính quyền địa phương và ngành liên quan mà đó là trách nhiệm của mỗi người dân góp phần gìn giữ, phát huy di sản để tiếp tục trao truyền cho mai sau.