Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức trở thành Di sản thế giới
Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới vừa chính thức gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.

Vào lúc 13 giờ trưa 12/7 (giờ Paris), khoảng 18 giờ, giờ Việt Nam, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới, Giáo sư Nikolay Nenov - Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc nằm trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh gồm 12 điểm di tích. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh gồm 5 điểm: Thái Miếu, chùa Lân, chùa Hoa Yên, chùa Ngọa Vân, bãi cọc Yên Giang. TP Hải Phòng gồm 5 điểm: chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương. Tỉnh Bắc Ninh gồm 2 điểm: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà.

Trong đó, 5 điểm di tích trên địa bàn thành phố Hải Phòng là những di tích lịch sử, danh thắng tiêu biểu, đang bảo lưu những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc không chỉ của Việt Nam mà còn mang giá trị nổi bật toàn cầu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí 3 và 6 để ghi danh Di sản thế giới.
Theo tiêu chí 3: Liên minh chiến lược giữa Nhà nước (Hoàng gia nhà Trần), tôn giáo (Phật giáo Trúc Lâm) và nhân dân phát triển từ quê hương (dãy núi Yên Tử) đã tạo nên một truyền thống văn hóa độc đáo có ý nghĩa toàn cầu, định hình bản sắc dân tộc và thúc đẩy hòa bình, an ninh cho cả khu vực rộng lớn hơn.
Tiêu chí 6 được đánh giá dựa trên các yếu tố: Phật giáo Trúc Lâm được khởi xướng và phát triển chủ yếu bởi các thành viên Hoàng gia nhà Trần, là một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách một tôn giáo được hình thành từ nhiều tín ngưỡng khác nhau, bắt nguồn và phát triển từ quê hương tâm linh của nó ở dãy núi Yên Tử, đã ảnh hưởng đến xã hội thế tục, qua đó góp phần củng cố quốc gia, bảo đảm hòa bình và hợp tác trong khu vực.

Từ ngày 6 - 16/7, Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra tại Paris (Pháp). Tại Kỳ họp lần này, UBND 2 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng đã cử đại diện tham gia Đoàn công tác của Việt Nam bảo vệ Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được vinh danh Di sản thế giới là kết quả sự nỗ lực bền bỉ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành từ trung ương đến các tỉnh, thành phố trong 13 năm nỗ lực xây dựng, hoàn chỉnh và bảo vệ hồ sơ di sản.
Đây là Di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam (cùng với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng).