Đất và người xứ Đông

Xứ Đông - tiếng gọi lịch sử, khát vọng tương lai

HOÀNG LINH 11/07/2025 13:22

Cùng chung nguồn cội xứ Đông, việc hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng là xu thế tất yếu, khách quan, được minh chứng từ lịch sử, khẳng định ở hiện tại và tin tưởng vào tương lai.

gen-n-xu-dong.jpg
Tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng nằm trọn trong vùng xứ Đông xưa. Ảnh: Internet

Tên gọi xứ Đông có từ khi nào?

Theo một số tài liệu lịch sử, tên gọi xứ Đông có từ thời Lê sơ. Địa giới hành chính của tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng đều nằm trọn trong vùng xứ Đông rộng lớn. Đời Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 7 (1466), đất nước được chia thành 12 đạo thừa tuyên. Xứ Đông thuộc Nam Sách thừa tuyên. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) được đổi tên thành Hải Dương thừa tuyên gồm 4 phủ với 18 huyện. Phủ Thượng Hồng có 3 huyện là Đường An, Đường Hào, Cẩm Giàng. Phủ Hạ Hồng gồm 4 huyện Tân Trường, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại và Thanh Miện. Phủ Nam Sách có Bình Hà, Tân An, Thanh Lâm, Chí Linh. Phủ Kinh Môn có Hiệp Sơn, Đông Triều, An Lão, Nghi Dương, Thủy Đường, Kim Thành, An Dương. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), bản đồ được định lại Hải Dương thừa tuyên đổi thành xứ Hải Dương, biệt danh là xứ Đông.

Triều nhà Mạc (1527 – 1592), phủ Thuận An của Kinh Bắc, phủ Khoái Châu, Long Hưng, Kiến Xương, Thái Bình của trấn Sơn Nam nhập vào trấn Hải Dương đổi thành Dương Kinh. Đến thời Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận (1509 – 1516) lấy lại tên là trấn Hải Dương. Thời Lê trung hưng, đời Lê Hiển Tông, năm Cảnh Tuân thứ 2 (1741), Hải Dương được chia làm 4 đạo Thượng Hồng, Hạ Hồng, Đông Triều và An Lão. Đến thời Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi tên phủ Thượng Hồng thành phủ Bình Giang, phủ Hạ Hồng thành phủ Ninh Giang. Năm Minh Mạng 12 (1832), trấn Hải Dương đổi thành tỉnh Hải Dương, còn gọi là tỉnh Đông.

Đến đời vua Tự Đức (1847 – 1883), địa giới tỉnh Hải Dương từ đông sang tây dài 132 dặm (66 km), từ nam sang bắc dài 100 dặm (50 km). Phía đông giáp huyện Yên Hưng (Quảng Yên), phía tây giáp huyện Văn Giang (Bắc Ninh), phía nam giáp 2 huyện Phượng Nhỡn, Quế Dương (Bắc Ninh). Phía đông nam đến cửa biển Văn Úc, phía đông bắc cạnh huyện Hoành Bồ (Quảng Yên). Phía tây nam đến địa giới huyện Phù Cừ (Hưng Yên), phía Tây Bắc giáp huyện Lương Tài (Bắc Ninh).

hai-duong(1).jpg
Trung tâm của xứ Đông trước đây nằm ở tỉnh Hải Dương cũ. Ảnh: VĂN TUẤN

Thời kỳ Pháp thuộc (1883 – 1945), địa danh, địa giới của Hải Dương có nhiều thay đổi lớn. Khi vua Đồng Khánh lên ngôi (1886) ra đạo dụ kiêng chữ “Đường”, do vậy 3 huyện của Hải Dương phải đổi tên. Huyện Thủy Đường đổi thành Thủy Nguyên, Đường An có tên mới là Năng An, Đường Hào gọi là Mỹ Hào.

Năm 1887, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định lấy các huyện An Dương, An Lão và 4 xã thuộc huyện Thủy Nguyên của tỉnh Hải Dương để thành lập tỉnh Hải Phòng. Năm 1891 huyện Thủy Nguyên sáp nhập vào tỉnh Hải Phòng. Năm 1891, tỉnh Hải Phòng có thêm huyện Tiên Lãng. Năm 1898, TP Hải Phòng tách khỏi tỉnh Hải Phòng. Năm 1902 tỉnh Hải Phòng đổi tên thành tỉnh Phù Liễn đến năm 1906 lại đổi tên thành tỉnh Kiến An. Năm 1946, TP Hải Phòng sáp nhập với tỉnh Kiến An thành tỉnh Hải Kiến. Đến năm 1948 lại tách ra, rồi hợp nhất lấy tên là TP Hải Phòng vào năm 1962.

Cùng thời gian trên, tỉnh Hải Dương cũng có những thay đổi về địa giới, địa danh hành chính. Năm 1968, tỉnh hợp nhất với tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Sau đó đến năm 1997, tỉnh Hải Dương được tái lập.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, từ ngày 1/7 vừa qua, tỉnh Hải Dương hợp nhất với TP Hải Phòng trở thành TP Hải Phòng mới. Xứ Đông giờ đây không còn là câu chuyện của quá khứ mà hiện hữu ở hiện tại và được kỳ vọng vào tương lai phía trước.

TP Hải Phòng mới sẽ mạnh mẽ vươn lên

TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương có mối liên kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, địa lý, kinh tế, xã hội. Hai địa phương có sự kết giao bền chặt, khó tách rời. Vì thế, việc hợp nhất để trở thành một thành phố mới trực thuộc Trung ương là tất yếu của lịch sử, phù hợp với xu thế phát triển, có tính chiến lược lâu dài trong bối cảnh đất nước chuyển mình, vững bước vào kỷ nguyên mới.

Hợp nhất góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả hai địa phương, hướng tới xây dựng một trung tâm phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để kiến tạo không gian phát triển hiện đại, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

trung-tam-chinh-tri-hanh-chinh(1).jpg
Trung tâm Chính trị - Hành chính của TP Hải Phòng mới. Ảnh: VĂN TUẤN

Trước khi hợp nhất, cả tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng đều có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Với vị trí địa chính trị thuận lợi, cả hai địa phương là trung tâm công nghiệp của miền Bắc, xác định công nghiệp là trụ cột vững chắc. TP Hải Phòng phát triển năng động, liên tục giữ mức tăng trưởng 2 con số trong hơn 10 năm. Thành phố thu hút hơn 1.000 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 42 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng mức đầu tư 33,6 tỷ USD. Riêng khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải thu hút 22,9 tỷ USD, chiếm 80% cơ cấu vốn. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt 64,3%, với tỷ suất đầu tư bình quân đạt 12 triệu USD/ha, cao gấp 3 lần mức trung bình cả nước.

Còn tỉnh Hải Dương có 542 dự án FDI với tổng vốn hơn 10,3 tỷ USD. Nhiều khu công nghiệp mới cũng đang dần hình thành để đón “đại bàng”. Ngoài ra, Hải Dương còn có thế mạnh về nông nghiệp xanh với nhiều sản phẩm chủ lực, đồng thời góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đô thị hóa.

Sau khi hợp nhất, TP Hải Phòng mới được gia tăng gần gấp đôi diện tích với gần 3.200 km2, dân số hơn 4,6 triệu người, quy mô kinh tế lên tới gần 660.000 tỷ đồng. TP Hải Phòng mới vươn lên vị trí thứ ba cả nước về quy mô kinh tế sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đây chính là nền tảng vững chắc để thành phố mới tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hướng tới những mục tiêu lớn lao và khát vọng vươn xa. TP Hải Phòng mới sẽ là cực tăng trưởng đột phá với trụ cột vững chắc về kinh tế, nhất là kinh tế biển.

gen-h-cau-quang-thanh(1).jpg
Cầu Quang Thanh nối tỉnh Hải Dương cũ và TP Hải Phòng. Ảnh: TRUNG KIÊN

Cả tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng cũ đều đã được định hướng phát triển thông qua quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến năm 2030 TP Hải Phòng sẽ là thành phố cảng biển lớn, trung tâm dịch vụ logistics hiện đại, trung tâm kinh tế biển mang tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Đồng thời, TP Hải Phòng sẽ đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số. Còn Hải Dương sẽ là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc…

Sau hợp nhất, thành phố mới có thể sẽ nghiên cứu lại quy hoạch nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, song vẫn kế thừa những giá trị cốt lõi của quy hoạch cũ. Không gian rộng mở hơn, dư địa dồi dào hơn sẽ củng cố, thúc đẩy để TP Hải Phòng mới bứt phá, hướng ra biển và khẳng định vai trò then chốt, cốt lõi.

Một trang sử mới mở ra cho thành phố mới với vị thế, tầm vóc, khát vọng, hoài bão lớn. Những cái tên từ thời xứ Đông như Vĩnh Lại, Phù Liễn, Thượng Hồng, Dương Kinh, Thành Đông… được đặt cho các xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính như nhắc nhớ cội nguồn xưa để cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố mới tiếp tục đoàn kết, thống nhất để cùng nhau xây dựng quê hương mạnh mẽ vươn lên.

HOÀNG LINH