Đừng để thưởng con thành… vi phạm luật giao thông
Sau kỳ thi vào lớp 10, nhiều gia đình thưởng cho con xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe gắn máy. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ quy định pháp luật, món quà này rất có thể khiến cả các con và phụ huynh vi phạm luật giao thông.

Tháng 7 hằng năm là dịp nhiều gia đình rộn ràng chuẩn bị quà tặng cho con em sau kỳ thi vào lớp 10. Món quà như lời động viên, ghi nhận nỗ lực học tập của con. Xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe gắn máy là những món quà phổ biến mà nhiều phụ huynh lựa chọn. Những phương tiện này giúp con chủ động đi học thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, hiện nay không ít phụ huynh mua sắm xe cho con mà chưa tìm hiểu kỹ quy định pháp luật về độ tuổi học sinh được phép điều khiển phương tiện, do vậy nhiều gia đình giao xe cho con đi khi chưa đủ tuổi.
Xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy dưới 50cc có hình thức khá giống nhau, nếu không không phân biệt rõ ràng rất có thể dẫn đến vô tình phạm luật. Theo điều 34, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/giờ. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50 cm3. Nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 04 kW. Xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy.
Xe đạp máy gồm cả xe đạp điện, là xe đạp có trợ lực từ động cơ, nguồn động lực từ động cơ bị ngắt khi người lái xe dừng đạp hoặc khi xe đạt tới tốc độ 25 km/giờ.
Như vậy, theo quy định mới, xe máy điện được xác định thuộc nhóm xe gắn máy trong khi xe đạp điện được xác định là một loại xe đạp máy. Với xe máy điện yêu cầu người điều khiển phải từ 16 tuổi trở lên.
Học sinh vừa tốt nghiệp THCS phần lớn mới 15 tuổi, chưa đủ tuổi đi xe máy điện. Nhiều phụ huynh vì chủ quan hoặc không nắm rõ thông tin đã sắm xe và giao xe cho con em sử dụng, dẫn đến vi phạm.
Trong 6 tháng năm 2025, lực lượng cảnh sát giao thông TP Hải Phòng đã phát hiện và xử phạt 3.372 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Trong đó có 262 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, 98 trường hợp phụ huynh/ người giám hộ bị xử phạt về hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông.
Theo Nghị định 168/NĐ-CP/2024, cá nhân có hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển xe máy có thể bị phạt từ 8 - 10 triệu đồng, giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển xe ô tô có thể bị phạt từ 28 - 30 triệu đồng. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Trước đây, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện sẽ bị phạt từ 800.000 - 2 triệu đồng. Như vậy, mức phạt theo Nghị đinh 168 đã tăng gấp nhiều lần so với mức phạt cũ, số tiền nộp phạt từ 8 - 10 triệu đồng tương đương với giá trị của một chiếc xe máy điện. Trường hợp xảy ra tai nạn, hậu quả có thể nặng hơn nhiều, bao gồm cả xử lý hình sự.
Hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện không chỉ đe dọa đến an toàn của chính các em, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông. Bởi vậy, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua xe cho con. Cần xác định rõ con em mình đã đủ tuổi điều khiển phương tiện hay chưa, đã được trang bị kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn chưa. Việc thưởng xe cho con nên gắn liền với quá trình giáo dục ý thức trách nhiệm và tuân thủ pháp luật.
Chiếc xe đầu đời không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là công cụ để giáo dục ý thức tham gia giao thông và trách nhiệm công dân. Hãy để mỗi chuyến đi của con là hành trình an toàn và đúng luật.