Truyện ngắn

Về thăm nơi cũ

NGUYỄN SỸ ĐOÀN 09/07/2025 10:00

Sau bao năm vật lộn nơi chiến trường, hôm nay ông Khang mới về thăm nơi cũ. Nơi ấy có cô Mận điên, mối tình đầu của ông một thuở.

Ve tham noi cu

Sáu mươi ba tuổi đời, bốn mươi lăm năm tuổi quân, đại tá Nguyễn Quốc Khang, Giám đốc Công ty Xây dựng số 5 thuộc Binh đoàn 12 mới được nghỉ hưu. Không phải ông tham quyền cố vị. Năm 60 tuổi ông Khang đã một lần làm đơn xin nghỉ chế độ. Tổng giám đốc vốn là bạn chiến đấu của ông Khang, sau khi đọc xong lá đơn cười khà khà bảo: "Anh mà già ư? Mới có sáu mươi. Nếu vậy tôi phải "về vườn" trước anh. Tôi đùa vậy. Cái công ty số 5 của anh còn nhiều việc phải làm, anh cố thêm vài năm nữa". Ông Khang vốn quý trọng tình đồng đội, nghe "ông Tổng" nói vậy đành bấm bụng gật đầu làm thêm ba năm nữa.

Ngày ông về hưu, ba mẹ con bà Khang mừng nhất. Ông bà lấy nhau hơn ba chục năm mà nếu kể tháng kể ngày thì vợ chồng bà gần nhau chẳng được bao nhiêu. Mọi công to, việc lớn trong nhà đều một tay bà Khang lo toan. "Để ông ấy toàn tâm vào nhiệm vụ quân đội giao cho" - bà Khang thường nói với mọi người như vậy. Ngày ông Khang nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, bà Khang làm bữa tiệc nhỏ nội bộ gia đình. Trong bữa tiệc ông Khang trân trọng đeo tấm huy hiệu ấy lên ngực vợ và bảo: "Bà xứng đáng nhận vinh dự này hơn tôi". Rồi ông ôm và hôn lên hai má vợ như hai nhà ngoại giao. Chị con dâu lớn vỗ tay: "Thầy u lãng mạn ghê".

Những ngày đầu ông Khang ra cuốc đất trồng rau, bởi ông cho rằng nuôi dưỡng tinh thần không gì tốt bằng làm vườn. Bà Khang có vẻ không bằng lòng nói: "Đời ông dọc ngang chinh chiến hơn bốn chục năm bây giờ là lúc cần được nghỉ ngơi. Ông định làm lấy chết à?".

Vừa cuốc vườn ông Khang vừa nghĩ những ngày sắp tới. Đầu tiên ông sẽ dành ra vài tháng đi thăm thú đồng đội cũ xem ai còn ai mất. Hài cốt những người hy sinh đã mang về quê hết chưa để còn có kế hoạch đi tìm. Rồi đến những địa điểm ngày xưa ông đóng quân. Ông coi đó là cuộc viếng thăm sau nhiều năm xa cách do chiến tranh, do công tác bận rộn.

Nơi ông đến đầu tiên sẽ là làng Đông ở tỉnh Phú Thọ. Đấy là nơi bắt đầu sự nghiệp người lính của ông. Mới nghĩ đến đây thôi sống lưng ông Khang như có dòng điện chạy qua. Trước đây cũng có lúc ông thoáng nghĩ đến cô ấy nhưng bao nhiêu việc hằng ngày cứ lôi đi thoắt hiện, thoắt ẩn. Cuộc sống gia đình cô ấy hiện nay thế nào? Rất nhiều câu hỏi bật ra trong đầu ông. Cuối cùng ông tự an ủi: "Tất cả do chiến tranh".

Cơm tối xong, ông Khang kể cho vợ nghe kế hoạch của mình và kể luôn mối tình đầu với người thiếu nữ xóm Đông. Người bà Khang hơi chao đảo như ngồi trên sóng rồi chuyển sang hờn ghen. Bà bảo: “Bây giờ tôi mới được biết”. Ông Khang hiểu ý vợ như trách cứ. Ông nói bằng giọng ân hận: “Cũng bởi chúng mình gặp nhau lần nào cũng vội nên không có thời gian tâm sự nhiều”. Thực sự đôi lần ông có nghĩ đến và trách mình là người đàn ông tệ bạc. “Mận ơi, hãy tha thứ cho anh”. Rồi ông tự an ủi: “Chờ lâu quá chắc Mận sẽ đi lấy chồng”. Bà Khang bậm môi. Rất lâu sau lấy lại bình tĩnh bà mới nói: "Ông cứ làm những gì mà ông cho là đúng. Mình là người lính mọi điều phải đàng hoàng, minh bạch. Lát nữa tôi nhắn thằng Khuê thuê xe tự lái đưa ông đi. Ông định đi bao lâu?". "Không thể biết trước được". Bà Khang nén một tiếng thở dài rồi đứng lên chuẩn bị tư trang cho chuyến đi của chồng.

Xe đến đầu làng Đông, ông Khang bảo con trai: "Bố muốn đi bộ một quãng cho thư thái". Làng Đông hôm nay khác hẳn ngày ông đóng quân. Một con đường nhựa thẳng tắp xuyên suốt xã. Dây điện căng dọc hai bên. Nhà cửa nhấp nhô mái bằng, mái nhọn cao hai ba tầng san sát.

Cây đa đây rồi, cành lá xanh tươi tỏa bóng một vùng. Dưới gốc đa vẫn còn quán nước nhưng cái quán hôm nay chắc chắn và khang trang hơn. Không ngại ngần, ông Khang sà ngay vào ngồi xuống cái ghế băng được ghép bằng hai cây hóp đá. Đã lâu ông Khang mới được thảnh thơi uống nước nơi quán cóc.

Ngày còn làm việc thì bận túi bụi, tan tầm lâu rồi mà vẫn còn vùi đầu vào đống công văn, đống hợp đồng. Mới lại với cương vị của ông ai lại la cà nơi quán xá, “quan trên trông xuống người ta trông vào”. Bây giờ ông thấy thoải mái muốn ngồi đâu cũng được, muốn uống gì thả cửa. Gió từ cánh đồng thổi vào mát rượi. Ông cởi phanh mấy cái cúc áo ngực như hồi còn là anh binh nhì sau mỗi buổi tập. Ông Khang đón chén nước chè nóng từ tay bà chủ quán trao. Nhân tiện ông với lấy cái điếu cày rồi vê dúm thuốc lào đặt vào nõ điếu. Ông bập mấy cái cho lửa cháy đều mặt thuốc rồi bất chợt rít một hơi dài căng lồng ngực.

Tiếng điếu xoe xóe ròn tan. Ông tựa lưng vào cây cột tre nhẵn bóng ngửa mặt lên trời nhả khói, đôi mắt lờ đờ. Bà chủ quán trạc tuổi ông khen nức nở: "Ông hút thuốc điệu nghệ quá. Có vẻ như ông là bộ đội định tìm ai trong xóm?". Ông Khang hồi hộp đáp: "Hơn bốn chục năm trước tôi luyện quân ở đây để đi B. Giờ nghỉ hưu mới có dịp về thăm. Tôi về nhà cô Mận con bà Sửu ở xóm Giữa. Không biết bây giờ còn ai ở đó không?".

Bà chủ quán trợn mắt nhắc lại: "Cô Mận, con bà Sửu ở xóm Giữa?". Ông Khang mau mắn gật đầu: "Vâng, vâng... Gia đình cô ấy dạo này ra sao?". Bà chủ chép miệng thở dài: "Bà Sửu mất lâu rồi. Còn cô Mận thật tội nghiệp. Ngày hòa bình nghe nói cô chờ một người từng hò hẹn. Mãi đến năm ba mươi ba tuổi mới chịu đi lấy chồng. Chồng cô Mận là thương binh. Vợ chồng cô sinh đẻ lần đầu nhưng là một bọc nước. Anh chồng bị nhiễm chất độc da cam nặng lắm. Về sau chạy chữa thuốc thang tốn kém thì sinh được một đứa con gái hình hài nguyên vẹn nhưng nó cũng chẳng sống được lâu. Lên hai tuổi nó đi theo anh chị nó. Người chồng bị chất độc tàn phá nên cũng mất sau đó một năm. Những bất hạnh liên tiếp giáng xuống đầu cô ấy toàn chuyện lớn, chuyện động trời. Người bình thường không phát điên mới là chuyện lạ. Cô ấy bị nặng lắm. Nhưng tiền đâu bây giờ? Ngay đến cái ăn hằng ngày cũng phải trông mong vào quỹ của xã. Mọi ngày cô ấy tha thẩn ra đây nhưng hôm nay chưa thấy".

Ông Khang chết lặng không nói nổi lời nào. Năm đó, Mận 18 tuổi, cha mất sớm, nhà chỉ còn hai mẹ con. Bà Sửu vừa làm mẹ vừa làm cha tần tảo nuôi con dù có nhiều người đàn ông muốn cùng bà đi nốt phần đời còn lại. Rồi đến một ngày bà đổ bệnh, đôi mắt cứ mờ dần rồi không còn nhìn thấy gì nữa. Tâm nguyện của bà chỉ mong con gái lấy trai làng và ở rể cứ mờ dần theo ánh mắt. Mận đã phải khổ sở đắn đo trước nguyện ước của mẹ với tình yêu đầu đời. Ông Khang không thể quên được hình ảnh đêm đầu tiên hò hẹn với người con gái xóm Đông lại hiện về. Dưới chính gốc đa này hai người ngồi sát bên nhau. Mận luôn tay xé nhỏ những cái lá đa rụng. Chàng chiến sĩ trẻ Nguyễn Quốc Khang nắm tay bạn gái ngỏ lời yêu. Qua bàn tay, Khang cảm nhận Mận đang run. Những ngày ấy nụ cười của hai người như có nắng vào cả trong giấc ngủ. Chiến tranh mỗi ngày một ác liệt. Mận bận rộn ngược xuôi với công việc đồng áng, với trực chiến cùng trung đội du kích. Còn anh tân binh Khang thì mê mải luyện tập chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Những lần gặp nhau vội vã ngắn ngủi cũng đủ đọng lại trong đôi trai gái nhiều tình cảm rung động trong sáng. “Hãy đợi ngày chiến thắng em nhé”. “Vâng. Em nguyện chờ anh. Bao lâu em cũng chờ”. Đó là lời thề hẹn đầu tiên họ nguyện mãi sống bên nhau.

Trước mặt ông Khang lúc này là người đàn bà điên. Mận của ông. Nhìn người điên không thể đoán nổi tuổi. Bà mặc chiếc quần bảo hộ bạc trắng, phần trên không mặc áo để trần lớp da đen cháy cùng đôi bàn tay khẳng khiu cáu bẩn. Mái tóc bạc chắc được ai cắt cho bằng kéo lởm chởm. Bà dùng đôi tay đen đúa của mình vun gọn thành từng đống nhỏ những hòn sỏi trắng, những quả bàng chín mọng. Rồi vẫn đôi bàn tay ấy bà hất tung lên trời từng nắm kèm theo tiếng cười man dại. Ông Khang cố nhớ xem trong cái hình hài cổ quái kia còn níu giữ một chút gì của cô Mận ngày xưa. Chẳng còn gì hết. Thời gian, tai ương và bệnh tật đã tàn phá, đã xóa sạch. Vợ ông tuy tuổi cao, có nhiều đổi khác nhưng ông vẫn nhận ra nhiều nét của thời son trẻ. Đằng này... Đằng này... Trong lòng ông dâng lên nỗi niềm xa xót.

Cố nén xúc động, ông Khang quỳ xuống cạnh người đàn bà điên nói giọng thiết tha: "Mận. Mận còn nhớ anh Khang không?". Mận hình như có giật mình, mắt ngước lên. Như một tia chớp, ông Khang nhận ra đúng cái nhìn cách đây hơn 40 năm của cô Mận làng Đông. Vẫn gương mặt thánh thiện mặn mà, sâu thẳm, vẫn vẹn nguyên say đắm. Trong đôi mắt của người đàn bà điên hôm nay như mang lại cho ông Khang cảm giác ấm áp độ lượng, pha chút giận hờn của người nửa đời mang nặng mối nợ tình. Nhưng chỉ thoáng qua rồi lại trở về nguyên trạng của người điên. Ông Khang nâng nhẹ đôi bàn tay bẩn thỉu hôi hám của bà Mận lên nhắc lại: "Mận ơi! Anh là Khang đây. Khang của em đã về". Lại một lần nữa ông Khang cảm nhận đôi bàn tay người đàn bà điên run rẩy. Y như ngày xưa lần đầu hai người trao nhau nụ hôn. Người đàn bà điên không nói gì. Đầu bà cúi gằm. Hình như bà khóc. Tiếng khóc của người điên không rõ tiếng, chỉ thoảng nghe ư ử từ trong sâu thẳm. Hai dòng lệ tuôn chảy trên khuôn mặt cáu bẩn kéo thành hai vệt dài chảy qua đôi má nhăn nheo xuống cằm, xuống cổ, xuống hai bầu vú tong teo dúm dó. Lòng ông Khang trĩu nặng. Ông vuốt mái tóc xơ cứng của bà dỗ dành: “Nín đi em. Lỗi tại anh. Mọi bất hạnh đã qua rồi”. Ông Khang đỡ người đàn bà điên đứng dậy. Lòng ông buồn vời vợi.

Chiếc xe con chở ông Khang quay về thành phố. Ông ngoảnh lại nhìn cây đa khuất dần sau ô cửa kính. Dưới vòm cây ấy là cái quán bán nước chè tồn tại đã mấy chục năm. Tất cả vẫn còn nguyên. Thoáng như có bóng bà Mận liêu xiêu đuổi theo. Ông nhắm mắt. Giọt nước cuộc đời chảy ngược vào trong. Lần đầu tiên trong đời ông Khang cảm thấy hổ thẹn với lương tâm. Ông đang chạy trốn như một kẻ hèn nhát. Lời nhắc nhở của bà Khang tối qua còn văng vẳng bên tai: "Mình là người lính làm gì cũng phải đàng hoàng có trước có sau". Mặt ông Khang như bỏng rát. Bỗng nhiên ông quát to: "Dừng xe". Người con trai đạp vội phanh ngơ ngác. Ông Khang thầm thì nói với con: "Đưa bố trở lại làng Đông. Con về nói với mẹ con rằng bố ở lại ít lâu chữa chạy cho cô Mận bớt bệnh. Con hiểu ý bố chứ?".

Hoàng hôn đã tắt, không còn nắng vàng trải trên đường. Xe ông Khang quay lại làng Đông. Trầm ngâm nhìn cánh đồng lúa hai bên đường đang thì con gái, ông như nói với chính mình: "Cuộc đời phải thế. Nhất định phải thế. Cũng là chuộc lại lỗi lầm với Mận".

NGUYỄN SỸ ĐOÀN