Hải Phòng hoàn thiện chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, đón 'đại bàng' FDI
Theo quy hoạch đến năm 2030, TP Hải Phòng sẽ có 46 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 12.000 ha. Đây sẽ là dư địa phát triển rộng lớn, hình thành hệ sinh thái công nghiệp đa dạng, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư.

Mở rộng bản đồ công nghiệp
Trước khi sáp nhập Hải Phòng - Hải Dương, trong bối cảnh hướng tới một TP Hải Phòng đầy tiềm năng, tỉnh Hải Dương đã mở rộng bản đồ công nghiệp với những dự án hạ tầng quy mô lớn. Nổi bật là hai dự án khu công nghiệp Hoàng Diệu và khu công nghiệp Bình Giang, đều được định hướng phát triển hiện đại và bền vững.
Với quy mô hơn 245 ha và tổng vốn đầu tư gần 3.400 tỷ đồng, khu công nghiệp Hoàng Diệu tại Gia Lộc do Công ty CP Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Diệu làm chủ đầu tư, mới được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.
Với mục tiêu xây dựng hạ tầng đồng bộ để cho thuê đất, nhà xưởng, kho bãi, cùng các công trình phụ trợ hiện đại, dự án này kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng công nghiệp phía bắc. Dự kiến, khu công nghiệp hoạt động trong 50 năm và được yêu cầu triển khai không quá 30 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư.
Song song với khu công nghiệp Hoàng Diệu, Hải Dương cũng đã phê duyệt khu công nghiệp Bình Giang - dự án mới nhất của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC). Với quy mô khoảng 147,9 ha và tổng vốn đầu tư 1.755 tỷ đồng, khu công nghiệp Bình Giang nằm ngay gần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Vị trí đắc địa này giúp kết nối thuận lợi đến các cảng biển và sân bay quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh Hải Phòng đang được quy hoạch là khu kinh tế ven biển.
Bình Giang được định hướng phát triển thành một khu công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, ưu tiên thu hút các lĩnh vực như công nghệ cao, tự động hóa, lắp ráp, điện tử - viễn thông, công nghiệp sạch và công nghiệp hỗ trợ giá trị gia tăng cao. Với thời hạn hoạt động 50 năm và tiến độ thực hiện trong vòng 30 tháng, khu công nghiệp Bình Giang không chỉ bổ sung năng lực hạ tầng cho tỉnh mà còn được kỳ vọng tạo ra 10.000 việc làm và trở thành vệ tinh công nghiệp quan trọng của Hải Phòng mới, góp phần nâng cao năng lực thu hút đầu tư và tạo nguồn thu ngân sách bền vững.
Theo thời gian, để đáp ứng nhu cầu phát triển và đa dạng hóa ngành nghề, khu vực phía tây Hải Phòng đã không ngừng mở rộng và hình thành thêm nhiều khu công nghiệp mới như khu công nghiệp Tân Trường, khu công nghiệp Lai Vu, khu công nghiệp VSIP Hải Dương (khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền) và gần đây nhất là việc chấp thuận chủ trương đầu tư các khu công nghiệp quy mô lớn như khu công nghiệp Bình Giang, khu công nghiệp Hoàng Diệu. Những khu công nghiệp này được quy hoạch với quy mô lớn hơn, hướng tới việc thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, ít gây ô nhiễm, góp phần vào sự phát triển bền vững.
Tạo ra một không gian phát triển công nghiệp rộng lớn

Việc hợp nhất Hải Phòng - Hải Dương không chỉ đơn thuần về mặt hành chính, mà còn là chiến lược dài hạn để tạo ra không gian phát triển mới, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và thu hút đầu tư. Theo quy hoạch khu công nghiệp đến năm 2030, TP Hải Phòng có 46 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 12.000 ha. Đây chính là đòn bẩy quan trọng để TP Hải Phòng sớm trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Trước khi hợp nhất, Hải Phòng và Hải Dương đều là những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của phía Bắc và cùng xác định công nghiệp công nghệ cao là trụ cột chính của nền kinh tế. Hải Dương đã thành lập 17 khu công nghiệp, với tổng diện tích theo quy hoạch chi tiết khoảng 2.738 ha. Trong đó, 12 khu công nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt hơn 62%. Hải Dương cũng thu hút hơn 627 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 11 tỷ USD.
Còn Hải Phòng, trước khi hợp nhất, toàn thành phố có 18 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7.000 ha và khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải rộng gần 22.600 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp của thành phố đạt 64,3%, với tổng vốn đầu tư FDI thu hút khoảng 33,6 tỷ USD, trong đó riêng khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải chiếm 22,9 tỷ USD.
Hải Phòng vốn là một trong những trung tâm công nghiệp - cảng biển lớn của miền Bắc, nay lại tăng thêm diện tích quỹ đất cùng nguồn nhân lực lớn đến từ Hải Dương. Từ đó tạo thành một “mắt xích” hoàn chỉnh: Hải Phòng tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cảng và logistics, còn Hải Dương đóng vai trò vệ tinh sản xuất, cung cấp lao động và mở rộng quỹ đất công nghiệp. Sự gắn kết này tạo thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, giảm chi phí logistics, tăng hiệu quả vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Để phát huy tối đa lợi thế về cảng biển, Hải Phòng đã và đang tập trung đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát huy vai trò động lực của các khu kinh tế ven biển gắn với các khu đô thị ven biển. Đặc biệt, với khu kinh tế ven biển phía nam có diện tích khoảng 20.000 ha được định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế Hải Phòng, đạt 80% năng lực của khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải năm 2023, Hải Phòng sẽ có lợi thế vượt trội trong thu hút dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao. Đây sẽ là “tổ đại bàng” đón làn sóng đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang hướng về Hải Phòng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chip, bán dẫn, điện tử.
Theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Ngọc Châu, khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng khi kết hợp các vùng kinh tế năng động, khu kinh tế chuyên biệt của khu vực phía tây Hải Phòng sẽ tạo nên hai cực phát triển kinh tế mạnh, tương hỗ nhau để hình thành chuỗi giá trị toàn diện, gia tăng giá trị xuất khẩu, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.