Gia đình

Khi 'hai quê' thành một

LAN NGUYỄN 03/07/2025 06:49

Tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng sáp nhập không chỉ mở ra không gian phát triển mới mà càng trở nên ý nghĩa hơn đối với những gia đình 'hai quê'.

anh-hieu.jpg
Anh Triệu Văn Hiếu vui mừng khi không còn cảnh "quê anh, quê em"

Hải Dương và Hải Phòng có mối liên hệ khăng khít về địa lý, văn hóa và con người. Dòng sông Kinh Thầy, sông Thái Bình như những huyết mạch nối liền hai vùng đất, mang theo phù sa bồi đắp và những câu chuyện giao thương, kết nối tình yêu, công việc và cuộc sống của con người.

Quê của “chúng ta”

Đối với nhiều người, mối duyên giữa Hải Dương (cũ) hay Hải Phòng bắt nguồn từ tình yêu đôi lứa. Đó là khi một người con của đất Cảng tìm thấy một nửa của mình nơi xứ Đông, hay ngược lại. Giờ đây, không còn cảnh “quê anh”, “quê em” mà sẽ là quê của chúng ta.

Chị Tạ Thị Huyền, giáo viên Trường Tiểu học - THCS - THPT Edison Hải Phòng có câu chuyện như thế. Chị Huyền chia sẻ, mình sinh ra và lớn lên ở xã Lê Ninh, thị xã Kinh Môn, Hải Dương trước đây (nay là xã Bắc An Phụ, TP Hải Phòng) nhưng bén duyên với chàng trai Hải Phòng nên chị đã gắn bó với thành phố Cảng sôi động này hơn chục năm qua. TP Hải Phòng đã trở thành quê hương thứ hai, một phần không thể thiếu trong chị. Từ 1/7, hai vùng đất nuôi dưỡng tâm hồn và sự nghiệp của chị Huyền đã hòa là một.

co-huyen.jpg
Bén duyên với chàng trai đất Cảng nên hơn chục năm trước, cô giáo Tạ Thị Huyền đã chọn TP Hải Phòng là nơi an cư lạc nghiệp

Nói về sự hợp nhất này, chị Huyền chia sẻ: “Tôi đã hình dung về một tương lai tươi sáng, nơi những rào cản hành chính được xóa bỏ, nơi sự giao thoa văn hóa, kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Sự sáp nhập này hứa hẹn sẽ mang lại những nguồn lực lớn hơn, cơ hội đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại. Tôi mơ về những ngôi trường khang trang hơn, những chương trình đào tạo tiên tiến và đặc biệt là sự giao lưu, học hỏi giữa đội ngũ giáo viên của hai địa phương trong thời gian tới. Học sinh của chúng ta sẽ được hưởng lợi từ một môi trường giáo dục toàn diện hơn, với nhiều lựa chọn và cơ hội phát triển năng lực bản thân”.

Anh Triệu Văn Hiếu, sinh năm 1986, sinh ra và lớn lên tại xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng trước đây (nay là phường Thiên Hương, TP Hải Phòng). Năm 2017, anh Hiếu lấy vợ người Hải Dương và quyết định lập nghiệp tại xã Thanh Lang, Thanh Hà (nay là xã Hà Nam, TP Hải Phòng). Cuộc sống của anh Hiếu là sự giao thoa giữa hai vùng đất. Mỗi ngày, anh vẫn giữ liên lạc với gia đình, bạn bè ở Hải Phòng cũ, đồng thời xây dựng cuộc sống mới ở quê vợ ở Hải Dương cũ.

“Ngày trước, mỗi lần về quê vợ hay đi lại giữa hai nơi, tôi vẫn cảm thấy có một ranh giới vô hình nào đó. Dù gần nhau nhưng vẫn là hai tỉnh, thành phố. Lúc đầu, khi mới nghe tin sáp nhập tỉnh Hải Dương với TP Hải Phòng, tôi mừng lắm và chỉ mong sớm thành hiện thực. Giờ đây, khi hai quê đã là một, vợ chồng tôi không còn phải băn khoăn là quê chồng hay quê vợ nữa mà chỉ còn quê của chúng ta”, anh Hiếu vui mừng nói.

Kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc

Cũng mang trong mình niềm vui khi hai quê thành một, chị Lê Thị Thùy Dương, người con của phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng trước đây (nay là phường Lê Chân, TP Hải Phòng). Chị Dương lấy chồng và chọn TP Hải Dương (nay là phường Hải Dương, TP Hải Phòng) là nơi sinh sống và làm việc.

chi-duong.jpg
Chị Lê Thị Thùy Dương tin tưởng sự sáp nhập giữa Hải Dương và Hải Phòng sẽ tạo ra một cú hích lớn cho thu hút đầu tư của thành phố trong tương lai

Chị Dương làm việc cho một doanh nghiệp của Nhật Bản tại Hải Dương. Chị Dương phân tích, khi tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng sáp nhập là một, TP Hải Phòng trong tương lai sẽ hình thành một siêu đô thị công nghiệp, thương mại và dịch vụ, sở hữu những lợi thế cạnh tranh vượt trội. Hải Phòng với vị thế là thành phố cảng biển hàng đầu, cửa ngõ giao thương quốc tế, sẽ là động lực chính thúc đẩy phát triển logistics, xuất nhập khẩu và du lịch biển. Trong khi đó, Hải Dương, với nền tảng công nghiệp vững chắc, đất đai rộng lớn và nguồn nhân lực dồi dào, sẽ đóng vai trò là hậu phương vững chắc cho sự phát triển công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và các khu công nghiệp mới.

“Sự sáp nhập này sẽ tạo ra một cú hích lớn cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy một thị trường rộng lớn hơn, nguồn lực tập trung hơn và chính sách phát triển đồng bộ. Hạ tầng giao thông sẽ được quy hoạch và đầu tư mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và kết nối vùng. Sự liên kết chặt chẽ giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và các trung tâm đô thị sẽ tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh”.

anh-ba.jpg
Anh Nguyễn Văn Ba kỳ vọng sau sáp nhập, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông sẽ được đồng bộ, giúp việc đi lại từ Hải Dương cũ đến TP Hải Phòng cũ sẽ thuận lợi hơn

Anh Nguyễn Văn Ba, một người con của xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương trước đây (nay là xã Gia Phúc, TP Hải Phòng) đang làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài ở TP Hải Phòng. Hằng ngày đi làm, anh Ba vẫn đi lại bằng xe đưa đón của công ty. Anh Ba chia sẻ mình đã làm việc ở Hải Phòng nhiều năm nay. Thành phố này năng động, có nhiều cơ hội phát triển.

“Việc sáp nhập giữa Hải Dương và Hải Phòng sẽ tạo ra một vùng kinh tế lớn mạnh hơn rất nhiều. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông sẽ được đồng bộ, giúp việc đi lại của những người như tôi dễ dàng hơn. Hơn nữa, việc tìm kiếm việc làm hay cơ hội kinh doanh cũng sẽ rộng mở hơn, không còn bị giới hạn bởi ranh giới hành chính nữa", anh Ba nói.

Những con người đang gắn bó cuộc đời mình với tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng cũ đều có chung một niềm tin và kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn khi hai quê hương chính thức trở thành một. Niềm vui, những thuận lợi và những cơ hội mới đang mở ra với họ.

LAN NGUYỄN