Góc nhìn

Khi lãnh đạo tỉnh livestream bán vải

NGÂN HẠNH 02/07/2025 09:23

Từ câu chuyện livestream bán vải của ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (cũ), có thể thấy sự thức thời của chính quyền về vai trò đồng hành, dẫn dắt nông dân vào cuộc chơi chuyển đổi số.

ong-thinh-bac-giang.jpg
Sáng 29/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (cũ) Phạm Văn Thịnh tham gia livestream bán vải tại vườn vải Lục Ngạn. Ảnh: TRỊNH LAN

Một buổi livestream dài 6 giờ đồng hồ không phải điều gì lạ lẫm trong thời đại bùng nổ thương mại điện tử. Nhưng đó lại là sự kiện xôn xao dư luận khi người trực tiếp xuất hiện trước ống kính không phải là một KOL, doanh nhân hay người nổi tiếng mà là ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (cũ).

Chỉ trong vài giờ, ông đã “chốt đơn” thành công hơn 54 tấn vải thiều Lục Ngạn, con số không chỉ thể hiện sự hiệu quả mà còn là minh chứng sống động cho tư duy đổi mới trong quản trị địa phương. Từ câu chuyện livestream của ông Thịnh, có thể thấy nhiều hơn một cú hích truyền thông: đó là sự thức thời của chính quyền về vai trò đồng hành, dẫn dắt nông dân vào cuộc chơi chuyển đổi số.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành mệnh lệnh cấp thiết đối với mọi ngành, đặc biệt là nông nghiệp - lĩnh vực vốn quen với “chợ quê” và thương lái truyền thống, thì việc một Phó Chủ tịch tỉnh tham gia livestream bán hàng thể hiện sự dấn thân và tư duy hành động. Không còn là những khẩu hiệu hay chỉ thị từ văn bản hành chính, ông Thịnh lựa chọn xuất hiện như một “người bán hàng thật sự”, tự giới thiệu, quảng bá, tương tác với người xem và chốt đơn.

Ông không phải chuyên gia tiếp thị, thậm chí thiếu kinh nghiệm livestream. Nhưng chính sự chân thật, mộc mạc ấy lại tạo nên hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ. Trong một xã hội mà niềm tin vào công quyền đôi khi bị bào mòn bởi thủ tục rườm rà hay hình ảnh quan chức “ngồi phòng lạnh”, thì hành động của ông Thịnh như một làn gió mới: gần dân, vì dân và cùng dân tháo gỡ khó khăn.

54 tấn vải thiều không chỉ là con số bán hàng; nó là con số của sự lan tỏa và thay đổi tư duy. Chỉ khi lãnh đạo thực sự nhập cuộc, xắn tay giải quyết mọi vấn đề, thì mới tạo được hiệu ứng xã hội sâu rộng và thay đổi cách nhìn của người dân về bộ máy công quyền.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nông sản Việt Nam không thiếu chất lượng, nhưng thiếu câu chuyện để kể. Không ít lần, hình ảnh dưa hấu, thanh long, hành tím… ùn ứ vì ách tắc ở biên giới trở thành bài học đắt giá. Nguyên nhân không chỉ đến từ thị trường truyền thống phụ thuộc quá nhiều vào kênh xuất khẩu, mà còn vì phần lớn nông dân vẫn “mù mờ” với thương mại điện tử.

Bởi vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp không thể chỉ dừng lại ở việc ban hành các chính sách hay tổ chức hội thảo, tập huấn. Nó cần những cú hích như buổi livestream vừa qua, nơi mà lãnh đạo chính quyền không chỉ khuyến khích mà làm gương, không chỉ làm hết trách nhiệm mà làm đến nơi đến chốn. Hành động ấy vừa giúp tiêu thụ nông sản, vừa mở ra một hướng tiếp cận thực tế, đó là thay vì trông chờ vào thương lái hay giải cứu, tại sao không tự bán qua các nền tảng trực tuyến?

Tuy nhiên, để mô hình này lan rộng và trở thành xu thế bền vững, cần có chiến lược hỗ trợ sâu hơn. Từ việc tập huấn kỹ năng số cho nông dân, đầu tư hạ tầng công nghệ, đến phát triển hệ thống logistics phù hợp, mọi khâu đều phải đồng bộ. Lúc đó, người nông dân có thể dễ dàng “tự kể câu chuyện sản phẩm của mình” như lời ông Thịnh chia sẻ.

Trong môi trường hành chính vốn đề cao sự chuẩn mực và thận trọng, việc một Phó Chủ tịch tỉnh đóng vai trò người bán hàng, thậm chí “tự phát” như lời ông chia sẻ, là một bước đi dũng cảm. Dũng cảm vì nó khác chuẩn mực hành xử thông thường của đa số cán bộ lãnh đạo hiện nay.

Đây là minh chứng cho một triết lý quản trị mới: lãnh đạo không chỉ là người vạch đường, mà còn phải sẵn sàng là người bước đi đầu tiên. Trong một thế giới thay đổi nhanh như hiện nay, năng lực lãnh đạo không còn chỉ đo bằng bằng cấp hay chức danh, mà đo bằng khả năng thích nghi và truyền cảm hứng đổi mới.

Câu chuyện của ông Thịnh không đơn thuần là một sự kiện nhất thời. Nó mở ra gợi ý cho các địa phương khác: Tại sao không phổ biến mô hình “lãnh đạo cùng dân livestream”? Tại sao không biến đó thành một hoạt động truyền thông định kỳ, nơi chính quyền đồng hành cùng người sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng?

Chuyển đổi số không chỉ là việc của ngành công nghệ, mà là câu chuyện của cả hệ thống, bắt đầu từ những hành động giản dị nhưng thiết thực như… một buổi livestream.

NGÂN HẠNH