Lối sống ‘3 sạch’ ở thôn Ngọc Lâm
Từ lâu, lối sống ‘3 sạch’ đã trở thành thói quen, nếp nghĩ của nhiều người dân thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ (TP Hải Phòng) để bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe.
.jpg)
Thôn Ngọc Lâm thuộc xã Tân Kỳ (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cũ) có 1.262 hộ dân với hơn 3.800 nhân khẩu. Suốt 25 năm qua, từ lúc được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa, thôn luôn là điển hình trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan làng xóm.
Từ khi “3 sạch” - sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ nằm trong phong trào do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động vào năm 2010 thì ý thức của người dân Ngọc Lâm về môi trường sống tiếp tục được nâng cao. Không chỉ hội viên phụ nữ hưởng ứng “3 sạch” mà nhiều người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường đối với sức khoẻ.
.jpg)
Nhà ông Nguyễn Công Hanh ở thôn Ngọc Lâm có 4 thế hệ cùng sinh sống. Người lớn tuổi nhất đã gần 90, còn cháu nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe cho người thân, ông Hanh lúc nào cũng chú trọng tới vệ sinh bếp núc, nhà cửa. Theo ông Hanh, khu bếp cần gọn gàng thì mới có bữa ăn ngon, dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Không gian sống phải trong lành, sạch sẽ để phòng bệnh truyền nhiễm phát sinh, lây lan.
Ông Hanh cho biết gia đình tôi thực hiện “3 sạch” không phải theo phong trào mà còn ý thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với sức khỏe. Người lớn trong nhà làm gương cho trẻ nhỏ noi theo, luôn giữ gìn vệ sinh chung.
.jpg)
Gia đình bà Trịnh Thị Hạnh duy trì thực hiện “3 sạch” nhiều năm nay. Ngoài thường xuyên dọn dẹp khu vực bếp núc và bảo đảm không gian trong nhà luôn sạch sẽ, ngăn nắp, bà Hạnh tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Bà Hạnh cho biết thôn có nhiều mô hình, cách làm để phong trào “3 sạch” được thực hiện đồng bộ, đi vào nền nếp. Ở quy mô gia đình, mọi nhà đều làm tốt việc phân loại rác. Rác hữu cơ được ủ thành mùn, bón cho cây trồng. Rác vô cơ được tập kết và xử lý đúng quy định. Mọi người không còn suy nghĩ chỉ cần sạch nhà mình mà bảo nhau giữ gìn vệ sinh chung.
“Cuối tuần chúng tôi không ai bảo ai đều tranh thủ dành thời gian quét dọn nhà cửa và vệ sinh xóm làng. Nhờ vậy, cảnh quan, môi trường luôn sạch sẽ. Tinh thần ai nấy đều thoải mái, thư thái vì được sống trong bầu không khí trong lành”, bà Hạnh vui vẻ nói.
.jpg)
Ý thức bảo vệ môi trường ở thôn Ngọc Lâm được “ươm mầm” từ gia đình lan tỏa ra cộng đồng. Thôn có 23 km đường giao thông thì ở tuyến nào hai bên có đất lề đường đều được phủ xanh bởi hoa và cây cảnh. Các cán bộ, hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, đoàn viên thanh niên là lực lượng xung kích trong thực hiện phong trào vệ sinh, bảo vệ môi trường. Nhiều vị trí ở thôn được lắp đặt camera để giám sát tình hình an ninh trật tự cũng như quản lý việc thu gom rác đúng quy định.
.jpg)
Nhờ sự nhất trí và đồng thuận cao của người dân thôn Ngọc Lâm trong bảo vệ môi trường sống theo “3 sạch” đã góp phần đưa xã Tân Kỳ cũ sớm hoàn thành tiêu chí môi trường nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Hà Trung Quý, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngọc Lâm khẳng định người dân trong thôn ý thức sâu sắc tầm quan trọng của vệ sinh môi trường đối với sức khỏe. Vì thế, ai cũng tự giác giữ gìn vệ sinh và dần trở thành nét văn hóa đẹp đẽ ở thôn.
Khi môi trường sạch, trong lành, việc triển khai các đợt tiêu độc, khử trùng để phòng bệnh truyền nhiễm cũng đơn giản, thuận lợi hơn. Do đó, nhiều năm liền trong thôn Ngọc Lâm không xuất hiện ổ dịch bệnh sốt xuất huyết, chân - tay - miệng, thủy đậu…
Ngày 2/7/1958, Bác Hồ viết bài "Vệ sinh yêu nước" đăng trên báo Nhân Dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về vai trò của giữ gìn vệ sinh trong việc bảo vệ sức khỏe. Ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg lấy ngày 2/7 hằng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân. Những năm qua, việc giữ gìn vệ sinh, nâng cao sức khỏe được thực hiện có hiệu quả thông qua các chương trình, phong trào. Điển hình là xây dựng nông thôn mới, ngày chủ nhật xanh, phân loại rác thải tại nguồn…