Thành phố hiếu học
TP Hải Phòng mới, vùng đất khoa bảng, hiếu học, vẫn tiếp tục được người dân gìn giữ và phát huy truyền thống, đưa thành tích giáo dục lên hàng đầu.

2 dòng chảy tri thức hòa quyện
Trong dặm dài lịch sử, TP Hải Phòng mới nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng khi có số lượng tiến sĩ (thời phong kiến) đứng đầu cả nước, trong đó phần lớn là tiến sĩ nho học của vùng đất Hải Dương trước đây. Trong đó nổi bật nhất là làng Mộ Trạch ở huyện Bình Giang cũ được mệnh danh là "làng tiến sĩ", "lò tiến sĩ xứ Đông" với 39 vị. Huyện Nam Sách cũ có số người đỗ đại khoa nhiều nhất cả nước. Đất Nam Sách là nơi sinh, nuôi dưỡng một trong các Trạng nguyên nổi tiếng nhất Việt Nam. Đó là Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
Làng Lê Xá thuộc xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy cũ là nơi sản sinh nhiều vị đại khoa nhất của Hải Phòng xưa. Trong gần 70 năm (từ năm 1469 - 1538), làng Lê Xá có 7 người đỗ đại khoa, trong đó có 2 Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).
Vĩnh Bảo cũng là vùng đất nổi tiếng truyền thống hiếu học và khoa bảng của Hải Phòng với nhiều danh sĩ nổi tiếng trong lịch sử. Nổi bật là Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà học giả, nhà tiên tri, nhà triết học nổi tiếng.
Nếu vùng đất Vĩnh Bảo có Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì vùng An Lão có Trạng nguyên Trần Tất Văn, hay mảnh đất hiếu học Thủy Nguyên nổi tiếng với Trạng nguyên Lê Ích Mộc, vị Trạng nguyên đầu tiên của vùng đất Cảng…
Sự học và truyền thống thi cử của vùng đất văn hiến Hải Phòng mới gồm Hải Phòng cũ và Hải Dương cũ không những được ghi chép trong sử sách mà còn lưu lại ở nhiều di tích lịch sử tiêu biểu. Trong đó, Văn miếu Mao Điền của tỉnh Hải Dương cũ và Văn miếu Xuân La của TP Hải Phòng là biểu tượng rõ nét nhất của đất học xứ Đông. Qua nhiều triều đại, cả 2 văn miếu đã trở thành trường thi lớn của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhiều bậc hiền tài, khoa bảng xuất sắc cho đất nước.

Ông Nguyễn Văn Nhang, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương cũ cho biết cả Hải Phòng và Hải Dương từ lâu đã là 2 cái nôi quan trọng của giáo dục và khoa cử miền Bắc. Nơi đây có truyền thống hiếu học, khoa bảng rực rỡ vốn đã ăn sâu vào mạch sống văn hóa của cả 2 vùng đất. Khi 2 dòng chảy tri thức của 2 vùng đất hòa quyện, truyền thống hiếu học được cộng hưởng, tạo nên một nền tảng văn hóa, giáo dục bền vững cho thế hệ trẻ Hải Phòng mới.
Khẳng định chất lượng giáo dục mũi nhọn
Thời gian qua, người dân cả 2 vùng đất đã gìn giữ, phát huy mạnh mẽ truyền thống của cha ông, luôn đứng trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục.
Điều đó được minh chứng khi Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi của tỉnh Hải Dương cũ và Trường THPT chuyên Trần Phú của TP Hải Phòng cũ luôn có mặt trong tốp đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi quốc gia. Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025, TP Hải Phòng xếp thứ 3, tỉnh Hải Dương xếp thứ 5 toàn quốc về số lượng giải.

Thầy giáo Đoàn Thái Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú cho biết, chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, học sinh Hải Phòng đoạt hơn 30 giải thưởng danh giá tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế các môn tin học, vật lý, hóa học, sinh học...
Còn thầy giáo Lê Văn Lục, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi cho biết 40 năm qua, hàng chục học sinh của trường đoạt huy chương ở các kỳ thi khu vực và quốc tế, trong đó có 4 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 9 huy chương đồng. Ngoài ra, có hơn 2.000 học sinh đoạt giải thi học sinh giỏi quốc gia.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng Đinh Minh Tuấn, để đạt được những thành tích ấn tượng trên, bên cạnh truyền thống hiếu học và tinh thần nỗ lực của học sinh, giáo viên, yếu tố then chốt chính là sự đầu tư bài bản, quyết liệt của thành phố dành cho giáo dục.
Những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước với nhiều chính sách mang tính đột phá và đặc thù, như: đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Trần Phú thành trường trọng điểm về phát hiện, đào tạo nhân tài; ban hành các cơ chế phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi; chính sách tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi tham gia đào tạo học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; hỗ trợ toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT (cả công lập và ngoài công lập). Đặc biệt, từ năm 2022, thành phố thực hiện tăng thu nhập bình quân cho cán bộ quản lý, giáo viên theo Nghị quyết 35 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển Hải Phòng. Hằng năm, ngân sách thành phố luôn ưu tiên nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, bảo đảm các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồng thời không ngừng nâng cao thu nhập cho đội ngũ giáo viên.
Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết những năm gần đây, tỉnh Hải Dương cũ luôn quan tâm, tăng cường đầu tư cho giáo dục, trong đó đặc biệt quan tâm chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi và chuyên gia tham gia giảng dạy đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế, các mức ưu đãi, hỗ trợ đều tăng so với trước. Hay chính sách hỗ trợ giáo viên các cơ sở giáo dục công lập từ 700.000 - 1 triệu đồng/người/tháng ngoài lương, cho đến hết năm 2025. UBND tỉnh Hải Dương cũ cũng đã quyết định đầu tư 40 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng học sinh giỏi trong khuôn viên Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi…
Có thể nói, sau hợp nhất, TP Hải Phòng mới sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của vùng đất hội tụ truyền thống hiếu học này trong tương lai.