Ba người phụ nữ truyền cảm hứng ở xứ Đông
E-magazine - Ngày đăng : 15:42, 30/06/2025

Dù ở bất kỳ hoàn cảnh hay vị trí nào, phụ nữ Hải Dương luôn thể hiện sự tự tin, bản lĩnh và khát vọng vươn lên. Mỗi phụ nữ là một bông hoa đẹp, góp sắc, góp hương làm rạng rỡ cuộc sống và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Câu chuyện lập nghiệp của chị Đỗ Minh Kiên, sinh năm 1978 ở xã Minh Hòa (Kinh Môn) đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em trên hành trình nỗ lực phát triển kinh tế gia đình.
Chị Kiên vốn có tài lẻ là may vá, thêu thùa. Để thỏa mãn đam mê và kiếm thu nhập, chị đã gom góp mở tiệm may nhỏ tại địa phương. Đến khi lấy chồng, sinh con, công việc nơi quê nhà không đủ trang trải cuộc sống, chị Kiên xin đi làm công nhân dưới Hải Phòng. Làm xa nhà, con cái thiếu sự đùm bọc, việc gia đình không có người quán xuyến nên suy đi tính lại, chị nghỉ việc về quê. Ở nhà, chị nhận hàng may mặc về làm. Thấy chị Kiên có việc đều, ổn định, một số chị em ngỏ ý học nghề. Với mong muốn giúp đỡ mọi người, chị bắt đầu tính toán làm ăn lớn hơn.

Năm 2014, chị Kiên vay mượn, mua thêm máy may, dạy các chị em có nhu cầu học nghề. Vừa dạy, chị vừa chạy đôn, chạy đáo tìm mối hàng để mọi người có việc làm. Mới đầu chỉ có 3 - 5 chị, về sau mọi người tìm chị đông hơn. Xưởng nhỏ chật chội, không đủ sức chứa, chị Kiên cho chị em mượn máy may về nhà làm, không phải mất công đi lại. Nhiều người lớn tuổi muốn làm, chị lại trăn trở tìm cho họ việc phù hợp là may túi lưới sinh học đơn giản, dễ làm. Điều đặc biệt tại xưởng may này người làm chủ yếu là người già, phụ nữ nuôi con nhỏ, phụ nữ khuyết tật… Chị dạy nghề miễn phí, bảo đảm nguồn hàng để chị em có việc, duy trì thu nhập ổn định. Nhiều người khi đã thạo nghề, tìm được công việc bên ngoài tốt hơn, chị luôn vui vẻ tạo điều kiện. Từ xưởng may nơi ngõ nhỏ, đã có hàng nghìn chị em tay nghề cao được doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương ưu đãi. Hiện xưởng may của chị Kiên tạo việc làm thường xuyên cho 50 chị em với mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Phụ nữ khuyết tật, hết tuổi lao động cũng kiếm được từ 3 - 4 triệu đồng/tháng nhờ làm ở xưởng may nhà chị.

Dù có cơ hội phát triển tốt hơn nhưng chị chưa bao giờ có ý định thay đổi mô hình sản xuất. “Đã từng phải lựa chọn giữa công việc với gia đình nên tôi luôn muốn giúp đỡ chị em, nhất là người yếu thế để họ có việc làm ổn định, phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh. Tôi dạy nghề cho cả các phạm nhân tại Trạm giam Hoàng Tiến với hy vọng khi trở lại với đời thường, họ có trong tay cái nghề để mưu sinh”, chị Kiên chia sẻ.

Đi lên từ kinh tế hộ gia đình, chị Vũ Thị Là, sinh năm 1978 ở thôn Đỗ Xá, xã Ứng Hòe (Ninh Giang) có sáng kiến để đoàn kết, tập hợp tiểu thương, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Năm 2019, chị vận động chị em kinh doanh ở khu chợ Đọ thành lập Câu lạc bộ “Nữ tiểu thương văn minh, lịch sự”. Đây là mô hình dành cho chị em buôn bán, kinh doanh đầu tiên của cả tỉnh, duy trì hoạt động hiệu quả tới bây giờ.
Ý tưởng khởi xướng xây dựng câu lạc bộ xuất phát từ việc nhiều tiểu thương không đồng thuận di chuyển tới chợ Đọ mới. Thời điểm đó, tình hình căng thẳng, các hộ đã quen kinh doanh ở địa điểm cũ nên quen nếp cũ, ngại thay đổi. Vì thế, nhiều người không đồng tình ra chợ mới, thậm chí là phản đối quyết liệt bằng những hành động thiếu văn minh. Là tiểu thương kinh doanh tại chợ, chị Là đã tích cực đứng ra khuyên giải, vận động chị em chấp hành quy định. Từ đó, chị tạo dựng được uy tín, niềm tin với các chị em kinh doanh tại địa phương và sau đó Câu lạc bộ “Nữ tiểu thương văn minh, lịch sự” được thành lập.

Nhờ sự tích cực, năng nổ của người “thủ lĩnh”, câu lạc bộ hoạt động nền nếp, bài bản. Số lượng thành viên tăng dần theo từng năm, lúc đầu chỉ có 30 chị em tham gia đến nay đã có gần 100 người. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong kinh doanh, chị Là sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các chị em làm ăn, buôn bán. Nhờ vậy, các chị em trong câu lạc bộ luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương, đồng hành cùng nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Câu lạc bộ không chỉ là nơi chị em tiểu thương giúp đỡ nhau phát triển kinh tế mà còn là điểm tựa để mọi người sẻ chia ngọt bùi những việc trong cuộc sống gia đình. Nhờ câu lạc bộ mà nhiều chủ trương, chính sách và các hoạt động cộng đồng ở địa phương được triển khai thuận lợi và dễ dàng hơn. “Mặc dù buôn bán, kinh doanh bận rộn nhưng chị em vẫn đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động người dân làm căn cước công dân, định danh điện tử. Chị em cũng nhiệt tình hướng dẫn mọi người thanh toán không dùng tiền mặt. Bất kể việc gì, bất kỳ lúc nào, chị em trong câu lạc bộ cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ để địa phương ngày càng phát triển, đời sống chị em ngày càng tốt đẹp hơn”, chị Là bày tỏ.
.png)

Bên cạnh năng động, sáng tạo với khát khao làm chủ về kinh tế, không ít phụ nữ Hải Dương luôn bền bỉ, thầm lặng cống hiến, làm đẹp cho đời từ những điều tưởng chừng đơn giản mà lại khó thay đổi. Bà Nguyễn Thị Yên, sinh năm 1958 ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) không nghĩ cho riêng bản thân, an hưởng tuổi già mà luôn vì cộng đồng, vì lợi ích chung. Bà là gương điển hình tiêu biểu của tỉnh trong thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Không những vậy, bà còn lan tỏa hành động này, nâng cao nhận thức của mọi người trong phân loại rác. Bà Yên cho hay: “Trong sinh hoạt hằng ngày, nhà nào cũng phát sinh rác thải song không phải ai cũng phân loại, xử lý đúng cách. Đây là vấn đề thiết thực, gần gũi, đơn giản nhưng lại chưa được quan tâm. Nếu không thay đổi thói quen thì hành vi nhỏ sẽ gây hậu quả lớn”.
Gia đình bà Yên là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương phân loại rác và xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh. Dù lớn tuổi nhưng bà Yên cần mẫn, chịu khó tham dự các lớp tập huấn về xử lý rác thải sinh hoạt. Từ những kiến thức được truyền đạt, bà tích cực thực hành tại nhà. Rác hữu cơ được xử lý thành mùn tơi xốp để phục vụ sản xuất, còn rác vô cơ được phân loại xử lý riêng. Khi xử lý rác bằng men vi sinh vẫn còn lạ lẫm với nhiều người thì bà Yên đã làm thành thạo.

Không chỉ làm gương ở gia đình mà với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Trúc Văn, bà Yên rất tích cực truyên truyền, vận động các hội viên và người dân trong thôn hưởng ứng. Bà tới từng nhà hướng dẫn, kiểm tra từng hố rác để xem mọi người có làm đúng cách. Mới đầu, một số hộ ngại thay đổi, cho rằng bà Yên làm phức tạp chuyện rác thải, thậm chí còn buông lời khó nghe. Tuy nhiên, bà vẫn nhẫn nại phân tích, giải thích vì luôn tin rằng “mưa dầm thấm lâu”. Cuối cùng công sức của bà Yên cũng gặt hái được quả ngọt xứng đáng.
Xã Minh Đức là địa phương đi đầu cả tỉnh về phân loại, xử lý rác. Thôn Trúc Văn là điển hình của xã và bà Yên là người tiêu biểu của thôn. Bên cạnh đó, mô hình “ngôi nhà xanh” của thôn do bà phát động phát huy hiệu quả rõ rệt chứ không phải hình thức, phong trào. Chị em trong thôn bảo nhau thu gom phế liệu để làm sạch môi trường và thiết thực hơn là giúp đỡ phụ nữ nghèo.

Những phụ nữ điển hình tiên tiến ở Hải Dương dù có thể khác nhau về xuất thân, địa vị nhưng đều có điểm chung là ai cũng nỗ lực để tỏa sáng theo cách riêng, mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội. Họ biết vươn lên để làm giàu chính đáng, hăng hái lao động sản xuất, tích cực với các hoạt động xã hội. Những hành động đẹp dù nhỏ bé song đáng quý và tạo ra giá trị tinh thần lớn lao. Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Hải Dương tự tin, nhân ái, năng động, sáng tạo và có khát vọng phát triển.

Từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương đã phát hiện, biểu dương hàng chục nghìn gương phụ nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Trong đó có 1.266 tập thể, 7.698 cá nhân phụ nữ tiêu biểu được các cấp hội khen thưởng và đề nghị các cấp, các ngành khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ và phong trào thi đua. Nhiều cá nhân được tặng thưởng kỷ niệm chương, danh hiệu thi đua các cấp. Đây là sự ghi nhận cho nỗ lực không ngừng của phụ nữ Hải Dương. Đồng thời sẽ là hành trang để chị em xứ Đông tiếp tục bứt phá trong vận hội mới được tạo ra bởi cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Nội dung: NGUYỄN MƠ
Trình bày: TUẤN ANH