Hải Dương có Giải Báo chí quốc gia với bài viết về hiện tượng Thích Minh Tuệ
Trong số 128 tác phẩm xuất sắc được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIX năm 2024, Báo Hải Dương (nay là Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương) có 1 tác phẩm đoạt giải.

Tối 21/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và Lễ Tổng kết, trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIX năm 2024 với chủ đề "Thép trong bút - Lửa trong tim".

Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIX có nhiều đổi mới, đặc sắc, ghi dấu ấn 100 năm của Báo chí cách mạng Việt Nam, tôn vinh xứng đáng những tác giả đoạt giải - trung tâm của sự kiện đặc biệt này.
Trong suốt 19 năm qua, Giải Báo chí Quốc gia luôn được coi là giải thưởng nghề nghiệp danh giá nhất của những người làm báo. Năm nay, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Giải đã thu hút gần 2.000 tác phẩm tham gia, với đa dạng nội dung và cách thể hiện.
Quá trình sơ tuyển tại các cấp Hội đã chọn ra 1.970 tác phẩm gửi về tham dự, trong đó có 1.913 tác phẩm đủ điều kiện theo quy định. Đây cũng là năm đầu tiên Giải Báo chí Quốc gia đưa vào chấm 2 loại giải mới là báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo. Các tác phẩm dự giải năm nay đã đáp ứng được tiêu chí xét chọn được nêu trong Hướng dẫn tuyển chọn của Hội đồng Giải, phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước trong năm 2024.
Qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo, 128 tác phẩm báo chí xuất sắc đã được chọn để trao giải, gồm 13 giải A, 27 giải B, 49 giải C và 39 giải khuyến khích. Tác giả Nguyễn Quý Trọng, Phó Tổng Biên tập Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương (bút danh Thanh Xuân) đoạt giải khuyến khích với tác phẩm “Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ”.
Đây là năm thứ tư liên tiếp, Báo Hải Dương (nay là Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương) có tác phẩm đoạt Giải Báo chí quốc gia.
.jpeg)
Phát biểu khai mạc Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIX năm 2024, đồng chí Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia nhấn mạnh: Chúng ta có một nền báo chí cách mạng thật đặc biệt, được khai sinh ở nước ngoài bởi một nhà yêu nước vĩ đại; được thẩm thấu vào trong nước, cùng đặt nền móng cho Cách mạng Việt Nam, đi theo Đảng từ ngày chưa thành lập Đảng; cùng nảy nở trong lòng dân; cùng phát triển tại rừng sâu, nơi chiến trường, trong nhà tù đế quốc; cùng chung sức chung lòng bảo vệ quê hương; và cũng luôn luôn tự đổi mới mình để cùng góp phần phát triển đất nước.
Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, báo chí cách mạng Việt Nam ngày hôm nay luôn mang hơi thở của thực tiễn, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội – quốc phòng – an ninh; phản ánh trung thành và sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, tuyên truyền, phản biện và xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân; chia sẻ, kết nối, giao lưu và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để làm được những điều này, đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng, báo chí Việt Nam cần phải cổ vũ các nhà báo của chúng ta hướng đến sự kiên định về lý tưởng, sự sâu sắc về chuyên môn, sự đổi mới về tư duy, công nghệ, phương thức làm báo hiện đại, cùng với một trái tim nhân ái, nhân văn, một tinh thần xây dựng, để từ đó cho ra đời những tác phẩm báo chí có giá trị, có sức sống lâu bền. Đó cũng chính là ý nghĩa, là mục tiêu của Giải báo chí Quốc gia.
Giải báo chí Quốc gia lần thứ XIX là tấm gương phản ánh đời sống báo chí, phản ánh thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, lao động và cống hiến của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong năm 2024. Báo chí đã tuyên truyền kịp thời, đậm nét những sự kiện lớn, các vấn đề quan trọng của đất nước với những mảng đề tài nổi bật.
Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã trao 13 Giải A cho các tác giả đạt giải. Ảnh: VGP
Đó là những tác phẩm chính luận đầy trăn trở về tính Đảng trong đời sống báo chí; về những vấn đề đặt ra trong phát triển công nghiệp văn hóa; về tính khoa học và cấp thiết trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy; về thời cơ và thách thức trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; là những những chương trình phóng sự, ký sự, tọa đàm, phim tài liệu về ký ức chiến tranh hào hùng của Tổ quốc, có nước mắt, có vinh quang; về niềm tin và khát vọng vươn lên của đất nước; về những di sản văn hóa dân tộc đang rất cần được gìn giữ, bảo tồn. Đó là những phản ánh, phóng sự điều tra, phản biện xã hội về thủ tục hành chính cồng kềnh, cản trở phát triển; về thất thoát, lãng phí tài sản công; về hủy hoại môi trường sinh thái; về những vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đó còn là chân dung về những con người lao động, sản xuất đầy sáng tạo, hiệu quả; là những tấm gương vươn lên trong nghịch cảnh, gian lao. Và đặc biệt đó là tình người trong bão lũ, là tinh thần tương thân tương ái, yêu nước thương nòi, là tính nhân văn cao cả, cho đi không đòi hỏi, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong một năm đất nước của chúng ta gánh chịu nhiều thiên tai, mất mát.
Tại buổi lễ, các đồng chí: Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã trao 13 Giải A cho các tác giả đoạt giải.

Một thế kỷ đã qua, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn đang tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đồng hành cùng đất nước trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập. Những tác giả, nhóm tác giả xuất sắc đạt các giải thưởng danh giá năm nay sẽ là nguồn động lực lớn để những phóng viên, những nhà báo tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Bài viết “Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ” phân tích hiện tượng xã hội đặc biệt khi một người tu hành khổ hạnh, không nhận tiền, đi chân đất khất thực khắp nơi lại trở thành tâm điểm truyền thông và thu hút đám đông. Tác giả cho rằng đây là biểu hiện của khát khao tìm kiếm một hình mẫu tu hành trong sạch giữa bối cảnh niềm tin vào tôn giáo và đạo đức xã hội bị xói mòn. Bài viết nhấn mạnh Thích Minh Tuệ không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng con đường tu hành của ông vẫn nằm trong khuôn khổ quyền tự do tín ngưỡng được Hiến pháp bảo hộ. Từ đó, tác giả phê phán xu hướng khai thác, thần thánh hóa hiện tượng để trục lợi truyền thông, đồng thời kêu gọi tôn trọng sự bình lặng, tu tập độc lập của cá nhân. Qua hiện tượng Thích Minh Tuệ, bài viết mở ra những câu hỏi lớn về niềm tin, sự tỉnh thức và trách nhiệm của xã hội trước các giá trị đạo đức đang bị thử thách.

