Giáo dục và đào tạo

'Người lớn không đánh nhau thì không còn bạo lực học đường'

H.A (theo VnE) 20/06/2025 11:03

Đại biểu hỏi bao giờ hết bạo lực học đường, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trả lời nếu ngày nào đó người lớn không đánh nhau thì trường học không còn bạo lực.

TBT-TT-du-chat-van-1750386636-4468-17503
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, sáng 20/6

10 giờ 5: Cách nào ngăn chặn bạo lực học đường tại các trường tư thục?

Đại biểu Tạ Thị Yên băn khoăn về xử lý bạo lực học đường trong các trường tư. Phải chăng do thu hút học phí nên các trường tư thường "né" trong xử lý bạo lực học đường.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng bạo lực học đường không phân biệt xảy ra trong trường công hay tư. Chính sách quản lý hiện nay là chung với các trường. Trường tư chăm sóc học sinh tốt, nhưng có thể có trường chưa xử lý tới nơi tới chốn với các trường hợp bạo lực học đường xảy ra tại cơ sở của mình. Bộ sẽ nhắc nhở, đôn đốc sở, phòng giáo dục địa phương trong kiểm tra, giám sát việc xử lý bạo lực học đường tại các trường tư.

Về phía Bộ, cơ quan này sẽ nghiên cứu, đưa ra chính sách quản lý chặt hơn với hệ thống trường tư, trên cơ sở nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng để có biện pháp phù hợp ngăn chặn tình trạng này.

9 giờ 25 Khuyến khích lập trường trong doanh nghiệp công nghệ

Đại biểu Nguyễn Việt Hà đặt vấn đề về quan điểm với các trường ngoài công lập, và cách nào thúc đẩy hệ thống trường loại này phát triển.

Bộ trưởng Kim Sơn cho rằng hệ thống trường ngoài công lập có sự đóng góp nhất định. Ở nhiều quốc gia, hệ thống các trường đại học ngoài công lập giữ vai trò quan trọng, trường công chiếm quy mô nhỏ. Nhưng tại Việt Nam, Nhà nước vẫn đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong giáo dục đại học. Trong 243 trường đại học, tỷ lệ trường ngoài công lập, quốc tế khoảng 23-24%, nhưng quy mô học sinh ít.

"Sự tham gia, gánh vác của hệ thống ngoài công lập mới một phần. Hệ thống trường công - tư bình đẳng, cùng gánh vác đóng góp cho phát triển khoa học công nghệ, nhân lực cho đất nước", ông nói.

Thực tế, nhiều trường đã chủ động, phát triển ấn tượng. Chẳng hạn, những trường do doanh nghiệp lĩnh vực khoa học công nghệ thành lập, theo Bộ trưởng Sơn, có sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa chương trình đào tạo với nhu cầu đầu ra, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cần khuyến khích mô hình trường trong doanh nghiệp công nghệ. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống các trường ngoài công lập.

9 giờ 15 'Nhà trường và doanh nghiệp phải tìm đến nhau'

Đại biểu Trần Thị Thu Đông nói một số đại học ở Việt Nam có tiềm lực về nghiên cứu khoa học, nhưng khả năng thương mại hóa kết quả và chuyển giao còn hạn chế. Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học còn thấp, chỉ tập trung một số trường và tỷ lệ chỉ chiếm 10% tổng nguồn thu. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều trường tiên tiến trên thế giới là 30%. Bà đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn thay vì chỉ dừng lại ở các "công bố khoa học".

202506191151023495-gen-h-z6720-2347-1514
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Bộ trưởng cho rằng đây là câu hỏi rất thời sự, vai trò của các đại học trong phát triển khoa học rất lớn. Nghị quyết 57 đã khai thông điểm vướng mắc trong chuyển giao sản phẩm khoa học để thương mại hóa, tạo gắn kết mới giữa nhà trường và doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu này, Bộ trưởng cho rằng còn nhiều hạn chế. Hệ thống thiết bị, phòng thí nghiệm, điều kiện hoạt động khoa học ở các trường còn hạn chế. "Muốn có các sản phẩm khoa học tiên tiến, phòng thí nghiệm cũng phải đổi mới. Lạc hậu quá, làm ra thì cũng không bán cho ai được", ông nói.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nghiên cứu xưa đến nay chủ yếu để công bố quốc tế, ít sản phẩm có thể ứng dụng, đáp ứng yêu cầu công nghệ. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ chưa có nhiều nhu cầu đổi mới về công nghệ. Trong khi doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ nhưng toàn mua của thế giới. Theo Bộ trưởng Sơn, nhà trường và doanh nghiệp phải tìm đến nhau. Doanh nghiệp đặt đầu bài cho nhà khoa học, và thương mại hóa kết quả thì mới đảm bảo thực tiễn, có tính ứng dụng cao.

9 giờ 15 Huy động nghệ sĩ, vận động viên tham gia dạy ngày hai buổi

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung về việc dạy buổi thứ hai trong ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói thêm chủ trương này sẽ triển khai ngay từ tháng 9 năm nay. Nguyên tắc là nội dung giảng dạy chính khóa chỉ dồn vào đúng thời lượng theo kế hoạch. Một buổi học chính cố gắng nâng cao chất lượng, đảm bảo theo nội dung chính. Còn buổi học thứ hai tập trung vào nội dung phát triển toàn diện người học như về kỹ năng, các môn phát triển thể chất, thể thao, hướng dẫn học sinh tự học, đọc sách, làm việc nhóm... Mục tiêu là học sinh được phát triển các kỹ năng của bản thân, tăng cường trải nghiệm, học ngoại ngữ, tin học.

Các hoạt động đó sẽ dựa trên điều kiện thực tế của nhà trường, dựa trên nguyên tắc "không thu học phí của học sinh".

Theo ông Sơn, sẽ huy động các văn nghệ sĩ, vận động viên, nhà văn hóa, chuyên gia đến trường giúp học sinh trong các buổi học thứ hai. "Chúng ta cần hoàn thiện cơ chế để huy động được những người này, đương nhiên cần thực hiện từng bước, tùy theo từng địa phương", ông Sơn cho hay.

c493a461351b8245db0a-175038585-6998-9956
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sáng 20/6. Ảnh: Giang Huy

9 giờ 10 Xây dựng hệ thống các trường liên cấp cho xã khó khăn sau sắp xếp

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và khó khăn còn rất lớn, trong đó có tiếp cận trang thiết bị, chất lượng đội ngũ giáo viên, năng lực học sinh và tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, đại học. "Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vấn đề này như thế nào và Bộ có giải pháp, chính sách gì?", đại biểu chất vấn.

202506200826027194-gen-h-z6723-4237-4053
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn, sáng 20/6. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bộ trưởng Sơn nói đây là mối quan tâm trong thực hiện công bằng giáo dục. Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí, phổ cập giáo dục mầm non là một phần hướng đến thực hiện công bằng trong giáo dục, để con em gia đình khó khăn có điều kiện đến lớp, đi học. Trong đó, phổ cập bậc mầm non còn có ý nghĩa chuẩn bị tiếng Việt cho con em đồng bào dân tộc.

Thủ tướng cũng vừa ký nghị định về hỗ trợ con em đồng bào dân tộc, khu vực khó khăn, đưa ra nhiều chính sách bao quát hơn cho các đối tượng. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xây dựng đề án về hệ thống các trường nội trú trên cả nước tại vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo. Ưu tiên xây dựng trường liên cấp cho tất cả xã vùng biên giới, nhất là các xã sau khi sắp xếp, hiện nay còn hơn 300 xã khu vực biên giới. Việc xây dựng hệ thống các trường nội trú sẽ được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai trong kế hoạch trung hạn sắp tới và nhiều chế độ để đảm bảo công bằng giáo dục.

9 giờ 5 Sửa các luật liên quan giáo dục để đại học tự chủ hơn

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhận xét việc tự chủ đại học chưa đem lại kết quả như mong muốn, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp thể chế thực chất để thực hiện, trên các khía cạnh như cơ chế tài chính đầu ra, đặt hàng, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu vào giáo dục đại học hay mở rộng quy mô đào tạo nhưng chất lượng là trung tâm...

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng nội dung đại biểu đã nêu hướng giải quyết vấn đề tự chủ của các trường đại học. Giải pháp đột phá là cần thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp. Một trong số đó, Bộ đang rà soát, lấy ý kiến sửa các luật: Giáo dục và đào tạo, Giáo dục đại học và Giáo dục nghề nghiệp. Việc này nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ để tự chủ đại học trong giai đoạn mới đi vào chiều sâu, chất lượng hơn; gắn kết hệ thống giáo dục đại học, nghề nghiệp và phổ thông.

Ngoài ra, việc sửa các luật trên sẽ nghiên cứu để tự chủ đại học không căn cứ trên tiêu chí về tự chủ tài chính, thay vào đó Nhà nước hỗ trợ thông qua đặt hàng và xã hội hóa... để huy động nguồn lực cho giáo dục đại học. Cùng với đó, quản trị, điều hành của người đứng đầu, hội đồng trường... cần được nâng cao, để đảm bảo chất lượng. Để đảm bảo chất lượng, ông Sơn cho biết sẽ tăng quản lý với các nhóm ngành đào tạo như khoa học, sư phạm, luật, đào tạo bậc tiến sĩ.

BT-Kim-Son-2-1750385399-4980-1750385428.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn, sáng 20/6. Ảnh: Giang Huy

Các trường sẽ được phân cấp, phân quyền mạnh hơn, giảm trên 50% thủ tục hành chính khi sửa Luật Giáo dục đại học sắp tới. "Các trường được trao quyền chủ động hơn. Bộ quản lý ít hơn, nhưng bổ sung cơ chế để các trường chủ động, nâng cao chất lượng điều hành, quản trị", Bộ trưởng nói.

9 giờ 'Bắt nạt trực tuyến' có xu hướng gia tăng

Đại biểu Nàng Xô Vi chất vấn, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo bạo lực học đường "là vấn đề đáng lo ngại". Hình thức bạo lực học đường đang chuyển từ thể chất sang tinh thần, đặc biệt trên không gian mạng. Ở địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số, vấn đề này đang trở nên lo ngại khi học sinh thiếu kỹ năng tự bảo vệ, giáo viên thì kiêm nhiệm nhiều vai trò, nhà trường còn thiếu đội ngũ chuyên gia tâm lý. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội còn thiếu.

"Xin hỏi Bộ trưởng đánh giá thế nào về thực trạng này và có lộ trình gì để xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, nhân văn", bà chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời với trường học đô thị, ven đô hay trường ở vùng sâu vấn đề bạo lực học đường có tính chất phức tạp riêng. "Công bằng mà nói thì các trường học vùng sâu vấn đề bạo lực học đường không đến mức phức tạp như ở đô thị. Nhưng vấn đề bạo lực học đường trên không gian mạng thì mức độ và tính chất ngày càng phức tạp hơn", ông Sơn thừa nhận và dẫn chứng có 20-25% bạo lực học đường trên không gian mạng. Tình trạng "bắt nạt trực tuyến" có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp. Đây là vấn đề cần tập trung có giải pháp.

440e9fb90ac3bd9de4d2-175038491-8078-1928
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời sáng 20/6. Ảnh: Giang Huy

8 giờ 55 'Bạo lực học đường là sự bất lực của cái thiện'

Tham gia tranh luận về bạo lực học đường, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng giáo dục là sự nghiệp trồng người. Để trồng người thành công thì phải có ba chân kiềng là Nhà nước, xã hội và gia đình. "Chúng ta đang chất vấn Bộ trưởng về vai trò của Nhà nước, nhưng hai chân kiềng còn lại đều có vai trò riêng không thay thế được", ông Nghĩa nói.

"Chẳng hạn khi nói về bạo lực học đường là chúng ta nói về sự bất lực của cái thiện. Nhưng cái thiện, tình yêu, lòng nhân từ phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và xã hội. Nên một số quốc gia phát triển bắt đầu hạn chế học sinh dùng điện thoại thông minh và mạng xã hội vì mạng xã hội cung cấp cho người dùng cả cái tốt, cái xấu, cái thiện, cái ác mà trẻ em thì không tự kiểm soát được", ông Nghĩa phân tích.

Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng Quốc hội nên kêu gọi vai trò quan trọng của gia đình, xã hội, bên cạnh vai trò của Nhà nước. Như tivi thông minh có chế độ kiểm soát chương trình của con, nhưng có bao nhiêu người sử dụng?

735e74dd4fd8f886a1c9-175038457-8991-3281
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận sáng 20/6. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

8 giờ 40 Thông tư về dạy thêm, học thêm không phải để cấm

Chưa đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng về vấn đề học thêm, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng không nên cấm vì không thể biết được giáo viên có ép buộc học sinh không. "Giáo viên giỏi mà học sinh cầu thị, muốn giỏi thêm, muốn vượt dốt thì cho dạy. Còn việc lấy tiền là thỏa thuận của hai bên, sòng phẳng không có gì phải nghĩ hộ", ông nói.

202506200826027194-gen-h-z6723-5576-2784
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn, sáng 20/6. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Để khắc phục giáo viên ép học sinh, ông đề xuất chỉ nên áp dụng với giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn dạy trực tiếp, còn giáo viên ngoài họ không ép buộc. Ông đề nghị cho giáo viên dạy trực tiếp được phép dạy thêm nhưng không lấy tiền. "Còn giả sử họ lấy tiền, mình không biết, không quan tâm đến chuyện đó, như thế cho thoáng. Thực tế của xã hội này như thế", đại biểu nêu quan điểm.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Sơn nói Thông tư 29/2024 không phải để cấm dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm một vài điều. Học sinh được tự do đi tìm học ở thầy cô giỏi. "Chỉ lưu ý, với giáo viên đã dạy học sinh mình trên lớp thì không lôi nhau ra dạy ở trung tâm nữa. Vì ở đó có lợi ích chen vào thì sự minh bạch giảm đi và xung đột lợi ích diễn ra", Bộ trưởng nói, cho biết Nghị quyết 29 của Đảng cho đến Luật Nhà giáo chỉ cấm một chi tiết đó, không hề cấm vấn đề khác. Đây là thông tư ban hành để quản lý, không phải để cấm.

8 giờ 40 Với các nước đang phát triển, việc có đại học lọt top thế giới 'vô cùng khó'

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh quan tâm về xếp hạng giáo dục đại học. Năm 2025, Việt Nam có 10 đại diện trong bảng xếp hạng đại học thế giới. Nhưng theo bà, để đạt mục tiêu tới 2030 có ít nhất 5 đại học trong top 500 trường tốt nhất thế giới, 5 trường thuộc top 200 châu Á là thách thức lớn. Bà Tú Anh đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết giải pháp và lộ trình thực hiện mục tiêu này.

Tu-Anh-1750383957-2626-1750383980.jpg
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) chất vấn, sáng 20/6. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo Bộ trưởng Kim Sơn, để có các trường đại học xếp hạng cao, trong top thế giới là chỉ tiêu phấn đấu của giáo dục đại học, song "mục tiêu này không dễ dàng". Các đại học vừa qua tăng về chỉ số khoa học, đào tạo, nhưng tốc độ chưa đáp ứng yêu cầu xã hội, nguồn nhân lực. Cần đưa ra chính sách thúc đẩy phát triển và đẩy nhanh hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, xếp hạng các trường đại học và nền kinh tế cần "hô ứng" với nhau. Bởi hiện 200 trường đại học hàng đầu, hầu hết đều thuộc nhóm nước G7 và Trung Quốc. Với các nước đang phát triển, có trường đại học nhóm đầu thế giới thì vô cùng khó. Các trường cần cố gắng cải thiện chất lượng, gia tăng sản phẩm khoa học công nghệ để vào top xếp hạng.

Tuy vậy, ông nói việc xếp hạng này chỉ là một kênh đánh giá trường đại học. Quan trọng hơn, các trường cần chú ý giải vấn đề thực tế, ngoài các bài báo, công trình khoa học công bố trên tạp chí thế giới thì làm sao để những công trình này đóng góp thực tế vào phát triển đất nước.

H.A (theo VnE)