Báo chí Hải Dương chuyển mình trong dòng chảy số
Trong 'dòng chảy số', báo chí Hải Dương đã bắt kịp xu thế, không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ, với tinh thần 'công chúng ở đâu, báo chí ở đó'.

Chủ động chuyển đổi
Năm 2024, Báo Hải Dương cũ (nay là Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương) được đánh giá đạt xuất sắc mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, đứng thứ 5 trong nhóm 8 cơ quan báo chí xuất sắc của khối báo địa phương. Đây cũng là năm báo điện tử Hải Dương thường xuyên nằm trong top 5, nhiều tháng đứng top 3 trong báo Đảng địa phương toàn quốc về lượng người truy cập.
Kết quả trên nhờ sự nỗ lực, quyết tâm trong chuyển đổi số từ người đứng đầu đến cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của tòa soạn thời gian qua.
Hơn 10 năm trước, Báo Hải Dương bắt đầu chuyển đổi số từ những việc đơn giản như sử dụng tòa soạn điện tử trong xử lý tin bài, ứng dụng văn phòng điện tử để quản lý văn bản...
Vài năm trở lại đây, báo có bước chuyển mình đột phá trong chuyển đổi số. Năm 2023, báo sử dụng tòa soạn hội tụ, xử lý cả báo điện tử và báo in trên cùng 1 CMS (Content Management System - hệ thống quản trị nội dung). AI (trí tuệ nhân tạo) cũng được sử dụng trong khai thác, sản xuất tin bài.
Giờ đây, bạn đọc báo Hải Dương có thể xem báo in trên báo điện tử qua các tệp dạng pdf và cũng có thể quét mã để xem báo điện tử trên báo in.

Từ những con số cụ thể như số lượt đọc báo, số lượt tương tác, bình luận, số lượt xem, thời gian đọc, tòa soạn phân tích, chuyển đổi thành dữ liệu người dân đang tìm kiếm điều gì, tờ báo cần cung cấp thông tin gì cho kịp thời, phù hợp.
Mỗi ngày, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo theo dõi công cụ đo lường để xác định nội dung người đọc đang chú ý và cần được thông tin.
Từng chữ trên tiêu đề bài báo, từ khoá cuối bài và đặc biệt là chất lượng ảnh, nội dung được người làm Báo Hải Dương chăm chút. Nhiều sự kiện được phát trực tiếp trên các nền tảng.
Trong dòng chảy chuyển đổi số, người làm báo in, báo điện tử Hải Dương cũng chuyển đổi tư duy, cách thức tác nghiệp, đổi mới sản phẩm. Đến nay, phóng viên có thể làm được nhiều việc như viết nội dung tin bài, chụp ảnh, quay, dựng, đọc các thể loại video, podcast, làm đồ hoạ...
Ở lĩnh vực phát thanh, truyền hình, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương (nay là Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương) đã phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khán thính giả.
Đài đã sớm thực hiện chuyển đổi số, nâng cấp toàn diện hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, chuyển đổi công nghệ sản xuất, phát sóng chương trình truyền hình từ SD lên HD, trang bị xe thu truyền hình lưu động công nghệ HD...
Cùng với việc truyền dẫn chương trình truyền hình trên các hạ tầng truyền hình cáp (Hải Dương, VTV cab HD, SCTV), truyền hình giao thức internet IPTV (MyTV, ViettelTV, FPT..) và trên website haiduongtv.vn, từ năm 2017, chương trình truyền hình tỉnh được phát trên hạ tầng phát sóng số mặt đất của Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là bước tiến lớn trong chuyển đổi công nghệ phù hợp với xu thế phát triển chung.
Nhờ chủ động thực hiện chuyển đổi số từ sớm, với trang thiết bị cập nhật công nghệ hiện đại, ngày nay, phóng viên phát thanh, truyền hình có thể dễ dàng tác nghiệp đưa tin, phản ánh kịp thời hoạt động của lãnh đạo tỉnh trên mọi miền đất nước, đồng thời gửi tin bài cộng tác, trao đổi chương trình với các đài trung ương và với các đài tỉnh bạn. Đội ngũ cộng tác viên của các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng thuận tiện gửi tin bài cộng tác.
Tạp chí Văn nghệ Hải Dương thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng hòa cùng dòng chảy số của cuộc cách mạng 4.0. Từ chỗ chỉ ra bản in, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã sớm thử nghiệm trang Văn nghệ Hải Dương online và đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 10/2021. Đồng thời phát triển các kênh Văn nghệ Hải Dương trên mạng xã hội Facebook, YouTube.
Các tạp chí, cơ quan báo chí khác ở Hải Dương cũng đang hoà mình vào dòng chảy số, đưa các nội dung thông tin lên các nền tảng số thay vì chỉ phát hành bản in.
Ngày càng gần bạn đọc

Với phương châm "công chúng ở đâu, báo chí ở đó", các cơ quan báo chí của tỉnh đã đưa sản phẩm của mình phân phối trên nhiều phương tiện, nền tảng, từ báo giấy đến báo điện tử và các mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube, TikTok...
Đã từ lâu, người dân không cần ngồi trước ti vi mới xem được truyền hình Hải Dương. Khán giả có xem chương trình truyền hình trên trang thông tin điện tử haiduongtv.vn hoặc xem các bản tin, chương trình thời sự được phát trên các kênh YouTube, Facebook mang tên Truyền hình Hải Dương.
Tương tự, bạn đọc báo cũng dễ dàng tiếp cận các thông tin chính thống trên báo Hải Dương qua fanpage, Zalo và kênh YouTube, Tiktok mang tên Báo Hải Dương.
Qua nền tảng số và mạng xã hội, công chúng dễ dàng để lại cảm xúc, bình luận, đề xuất, ý kiến sau khi tiếp nhận thông tin. Đó là những tư liệu quý báu cho người làm báo nắm bắt dư luận, tâm tư, nguyện vọng của người dân.
"Những tâm tư ấy được người làm báo chắt lọc, chuyển tải, phản ánh đến cơ quan cơ quan có thẩm quyền và góp phần phản biện nhiều chính sách quan trọng, đặc biệt là những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng tôi", chị Vũ Thị Ngân (Gia Lộc), một bạn đọc chia sẻ.
Ngoài thông tin trên báo, các phòng chuyên môn của Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh trước đây cũng như Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương (từ sau ngày 1/5) còn sản xuất các video chỉ sử dụng cho mạng xã hội với nội dung đa dạng từ đặc sắc văn hoá vùng đất xứ Đông đến tin tức chính trị, xã hội quốc tế để ai cũng có thể xem, nghe ở bất cứ đâu.
Nhờ chuyển đổi số, báo chí Hải Dương ngày càng đến gần hơn với bạn đọc, là món ăn tinh thần, kênh thông tin quan trọng, không thể thiếu mỗi ngày của nhiều người dân trong và ngoài tỉnh.