Vi phạm đất đai ở xã Phạm Kha: Chính quyền nói gì?
2 hộ dân ở xã Phạm Kha (Thanh Miện, Hải Dương) xây dựng nhà ở trên đất công và đất chuyển đổi không đúng quy định.

Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương nhận được phản ánh về việc một số hộ ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) xây dựng nhà ở trên đất công và đất chuyển đổi không đúng quy định.
Bà N.T.N. ở xã Phạm Kha phản ánh, gia đình chị Nguyễn Thị Thơm xây nhà kiên cố trên diện tích đất công và anh Nguyễn Văn Thăng (anh trai chị Thơm) xây nhà kiên cố trên đất chuyển đổi. Bà N. cho rằng, chị Thơm là cán bộ công chức văn hóa, thông tin - thể dục, thể thao xã nhưng không gương mẫu. Dù đã nhiều lần phản ánh vụ việc lên các cấp chính quyền nhưng chưa được xã Phạm Kha xử lý dứt điểm.
Qua xác minh, chị Thơm đang sinh sống cùng bố mẹ là ông Nguyễn Văn Dương và bà Vũ Thị Gái. Năm 2023, gia đình ông Dương xây dựng nhà ở kiên cố trên thửa đất có diện tích 471,3 m2. Ông Dương tự ý chuyển đổi 101 m2 đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà ở và một số công trình nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Sau khi nhận được phản ánh, UBND xã Phạm Kha đã thành lập tổ công tác đến lập biên bản và yêu cầu gia đình ông Dương dừng thi công trên diện tích đất lấn chiếm. Ngày 6/6/2023, chính quyền địa phương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng; yêu cầu gia đình ông Dương tự khắc phục hậu quả và tháo dỡ công trình vi phạm.
Đến ngày 14/11/2023, gia đình ông Dương vẫn không chấp hành các nội dung trong quyết định xử phạt mà còn phát sinh thêm một số công trình như: cổng, tường bao và sân trên diện tích đất lấn chiếm. Lực lượng chức năng tiếp tục lập biên bản và đôn đốc gia đình ông Dương chấm dứt vi phạm và khắc phục lại hiện trạng ban đầu. Đến nay, ông Dương mới chỉ chấp hành việc nộp phạt, còn các công trình xây dựng trên diện tích đất vi phạm vẫn tồn tại.
Theo ông Dương, trước năm 1990, gia đình ông đấu thầu khu vực ao Pha Nhì, sau đó có san lấp một phần diện tích ao để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Thời điểm đó kinh tế gia đình khó khăn nên chưa hoàn thiện xong hồ sơ xin được xử lý đất đôi dư, xen kẹp. "Sau khi được chính quyền tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã nhận thức được vi phạm của mình. Tuy nhiên, ngôi nhà là tài sản lớn, nếu phá dỡ sẽ rất thiệt thòi. Tôi mong cơ quan chức năng xem xét và giải quyết cho gia đình được chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích lấn chiếm này. Chúng tôi sẽ thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật hiện nay", ông Dương cho biết.

Liên quan đến việc gia đình anh Nguyễn Văn Thăng xây dựng nhà kiên cố tại khu chuyển đổi, UBND xã Phạm Kha xác định phản ánh của người dân là có căn cứ.
Năm 2002, gia đình anh Thăng mua lại đất của nhiều người ở khu chuyển đổi Mả Nga (thôn Đỗ Hạ) để thả cá với diện tích khoảng 5 ha. Tại đây, gia đình có xây dựng một căn nhà tạm khoảng 20 m2. Năm 2011, do căn nhà cũ xuống cấp nên gia đình anh Thăng đã phá dỡ để xây lại. Tổng diện tích xây dựng khoảng 150 m2 bao gồm: nhà ở, bếp ăn, kho chứa thức ăn chăn nuôi. Thời điểm này, UBND xã Phạm Kha có nhắc nhở và yêu cầu gia đình anh Thăng khắc phục vi phạm.
Theo anh Thăng, sau khi chính quyền xã nhắc nhở anh đã chấp hành cắt phần bê tông mái. Sau này, do nhu cầu sản xuất và trông coi tài sản nên gia đình anh đã chuyển xuống sinh sống tại khu vực ao nuôi. Tại đây, để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, gia đình anh tiếp tục hoàn thiện công trình nhà ở và xây dựng thêm hệ thống mái chống nóng.
Chị Nguyễn Thị Thơm cho biết bản thân là đảng viên và công chức xã nên chị nhận thức được việc làm của người thân là không đúng quy định pháp luật. Khi ông Dương (bố ruột) triển khai xây nhà, chị đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, can ngăn nhưng không được. Bản thân chị cũng đã báo cáo với lãnh đạo UBND xã về việc gia đình xây nhà trên diện tích đất nông nghiệp. Năm 2024, chị đã tự nhận trách nhiệm và xin rút kinh nghiệm về việc để người thân lấn chiếm đất công xây dựng nhà ở.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Phạm Kha cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh vi phạm (tháng 3/2023) của hộ ông Nguyễn Văn Dương và hộ anh Nguyễn Văn Thăng (tháng 11/2011) xây nhà ở và xây nhà kiên cố trên đất chuyển đổi, địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ từng nội dung phản ánh của người dân và báo cáo lên UBND huyện. Các vi phạm này diễn ra từ lâu nên việc xử lý dứt điểm gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, do người phản ánh không để lại địa chỉ cụ thể nên chính quyền xã không thể thông báo kết quả giải quyết theo quy định.
Đối với các hộ vi phạm cũ, xã đã rà soát và lập danh sách quản lý, báo cáo UBND huyện. Xã Phạm Kha đề nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế xử lý đất dôi dư xen kẹp, cạp lấp, lấn chiếm trước đây trong khu dân cư để các hộ có cơ hội thực hiện nghĩa vụ tài chính, hợp pháp hóa phần diện tích vi phạm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đủ điều kiện.
Vụ việc ở xã Phạm Kha cho thấy những bất cập trong quản lý đất đai ở cơ sở, nhất là những vi phạm tồn tại từ lâu. UBND xã Phạm Kha cần có biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và công bằng trong quản lý đất đai.