Tin tức

Nỗi lo tội phạm ma túy ở Hải Dương từ người ngoại tỉnh

TIẾN HUY 15/06/2025 10:00

Tội phạm ma túy tại Hải Dương không chỉ là người địa phương mà các vụ án gần đây cho thấy rất nhiều đối tượng là người vùng cao đến Hải Dương làm việc hoặc từ nơi khác móc nối về tỉnh.

ma-tuy-toi(1).jpg
Lò Văn Tới ở Mường Ảng (Điện Biên) bị tuyên phạt tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy

Nhiều thủ đoạn phạm tội

Đầu năm 2025, phiên xét xử các bị cáo về tội mua bán trái phép chất ma túy tại Tòa án Nhân dân TP Chí Linh diễn ra thật đặc biệt, vì có tới 7 trong số

8 bị cáo là người vùng cao và 6 người trong số đó là người dân tộc thiểu số.

Chính những người "cầm cân nảy mực" tại phiên tòa cũng bày tỏ nỗi xót xa, khi đây là một trong số rất ít các phiên xử mà bị cáo không có người thân.

Khoảng đầu năm 2024, thấy có nhiều người hỏi mua cành, quả thuốc phiện tươi, Trần Minh Long (sinh năm 1988 ở Nhân Huệ, TP Chí Linh) nói với vợ là Hà Thị Ngân (sinh năm 1996, quê Vân Hồ, Sơn La, đang ở cùng địa chỉ với chồng) tìm mua cành, quả thuốc phiện qua mạng xã hội về bán.

Công an xác định, sau khi vợ chồng Long thống nhất hành vi mua bán, khoảng cuối tháng 3/2024, tài khoản Facebook Páo Ly đã liên hệ với Long đặt mua 7 kg cành, quả thuốc phiện, với giá 13,6 triệu đồng. Một đối tượng khác là Đỗ Thị Thanh Huyền (sinh năm 1987, ở Chu Lìn 1, Trung Chải, Sa Pa, Lào Cai) cũng tham gia đường dây mua bán này.

Khoảng 7 giờ ngày 7/4/2024, Huyền chuyển qua xe khách bán cho Ngân 10,5 kg quả thuốc phiện tươi, trị giá hơn 15,5 triệu đồng và được Ngân chuyển khoản thanh toán trong ngày. Nhận được hàng, Ngân bảo chồng ra nhận từ xe khách rồi ghi địa chỉ người nhận để chuyển xe khách cho người mua.

Sau đó 2 ngày, Ngân lái ô tô chở thùng xốp chứa cây, quả thuốc phiện tươi đi gửi cho người mua, đến khu vực điếm canh đê thuộc địa phận thôn Chí Linh 1, xã Nhân Huệ (TP Chí Linh) thì bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Hải Dương) bắt quả tang.

Không biết Ngân đã bị bắt giữ, sáng 9/4/2024, Huyền gửi qua xe khách bán cho Ngân 4,3 kg quả thuốc phiện tươi, trị giá hơn 7 triệu đồng. Khoảng 14 giờ cùng ngày, khi xe khách đi đến phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) thì bị Công an thành phố Chí Linh kiểm tra, thu giữ...

Cũng trong vụ án này, công an xác định, Chảo Duần Phấu (sinh năm 1976, Lý Thị Pa (sinh năm 1981), Hạng Thị Pàng (sinh năm 1989), Giàng A Tính (sinh năm 1986), Lồ A Sở (sinh năm 1988, cùng ở Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa, Lào Cai) đã có hành vi giới thiệu, mua bán quả, cây thuốc phiện.

Sau khi cơ quan chức năng hoàn tất điều tra, Đỗ Thị Thanh Huyền, vợ chồng Hà Thị Ngân, Trần Minh Long, Chảo Duần Phấu, Lý Thị Pa, Hạng Thị Pàng, Giàng A Tính, Lồ A Sở cùng bị truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy. Huyền và vợ chồng Long mỗi người bị xử phạt 7 năm tù; các bị cáo khác bị xử phạt từ 2 năm tù.

Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc các đối tượng là người vùng cao gây án tại địa bàn Hải Dương.

Vào tháng 4 năm nay, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương đã đưa ra xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy, trong đó có 4 đối tượng quê ở Yên Bái, gồm: Nông Văn Vượng (sinh năm 1982), Hoàng Văn Hợp (sinh năm 1982), Giàng A Hồ (sinh năm 1988), Hoàng Thị Nghiên (sinh năm 1958). Trong vụ án này, các đối tượng đã dùng Zalo để trao đổi việc mua bán ma túy. 4 đối tượng cùng bị xử phạt lên tới 20 năm tù, đối tượng còn lại nhận án 17 năm tù.

Kiểm soát chặt chẽ "đầu vào"

Hải Dương hiện có khoảng 60.000 lao động tỉnh ngoài (chiếm gần 20% tổng số lao động đang làm việc trong tỉnh). Đa phần lao động đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái…

Tại nhiều doanh nghiệp của Hải Dương, tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số chiếm từ 30 - 40%.

congnhan-mt-1-.jpg
Hầu hết công nhân lao động chấp hành tốt các quy định của pháp luật, nội quy của doanh nghiệp song cũng có một số người có các hành vi vi phạm pháp luật (ảnh minh họa)

Ngoài tham gia lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, nội quy của doanh nghiệp, một số lao động là người vùng cao đã có các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản, tham gia tội phạm đường phố, ma túy.

Do là địa phương thu hút đông công nhân lao động, các đối tượng còn lấy Hải Dương làm địa bàn giao dịch, trung chuyển. Vì vậy nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan chức năng là kiểm soát chặt chẽ "đầu vào".

Ngày 22/5, Toà án Nhân dân tỉnh Hải Dương tuyên án tử hình đối với Lò Văn Tới (sinh năm 1995, trú tại xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, Điện Biên) về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Trước đó, Lò Văn Tới đã thuê vận chuyển ma túy về Hải Dương để cất giữ ở phòng trọ. Tới còn khai nhận trong vỏ bọc công nhân đã sử dụng phòng trọ tại phường Ái Quốc, TP Hải Dương làm điểm tập kết, vận chuyển ma túy đi các tỉnh khác...

Năm 2024, lực lượng công an đã phát hiện Vũ Quốc Đại (sinh năm 1984 tại Đoan Hùng, Phú Thọ); Tiên Thị Vân (sinh năm 1986 tại thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn); Trần Minh Linh (sinh năm 1992 tại huyện Yên Lập, Phú Thọ) có hành vi mua ma túy và bán lại cho công nhân do Vũ Quốc Đại thuê đến làm việc trong một khu công nghiệp tại huyện Nam Sách.

Theo điều tra của công an, Đại quản lý khoảng 30 lao động và đã mua heroin đưa cho Vân về chia nhỏ; thuê Trần Minh Linh bán cho người lao động với giá 100.000 đồng/gói. Đại còn chỉ định mỗi ngày bán 3 lần: 6 giờ, 11 giờ, 18 giờ 30, nếu làm tăng ca thì bán vào 22 giờ. Căn cứ vào số lượng ma túy mà người lao động đã sử dụng, Đại sẽ trừ vào tiền công cuối tháng.

Từ cuối năm 2019 đến nay, các lực lượng công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ trên 3.500 vụ, khoảng 6.000 đối tượng, hàng chục kg heroin, ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, tình hình tội phạm hiện nay được đánh giá tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Vì vậy cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, người dân và doanh nghiệp, chú trọng đến các công nhân lao động là người vùng cao, ở nơi khác đến. Các đơn vị sử dụng lao động cần sát sao hơn nữa trong việc quản lý người lao động, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm ma túy là người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

TIẾN HUY