Góc nhìn

Ẩn họa từ 'mùa khoe con' trên mạng

PHƯƠNG LÂM 14/06/2025 05:30

Mỗi dịp tổng kết năm học, mạng xã hội lại ngập tràn hình ảnh giấy khen, bảng điểm của các em học sinh do phụ huynh vào 'mùa khoe con' trên mạng.

khoe-con.jpg
Việc khoe hình ảnh và thành tích của con trên mạng xã hội vô tình làm lộ thông tin cá nhân, tiềm ẩn nhiều mối họa (ảnh minh hoạ)

Sau một năm học tập vất vả, con trai được giấy khen học sinh giỏi, một người chị của tôi liền chụp ảnh khoe lên Facebook. Sau đó, chị đã nhận được nhiều cuộc gọi mời tham gia các khóa học kỹ năng, tiếng Anh cho con. Từ những tấm giấy khen hay bảng điểm tưởng chừng vô thưởng vô phạt, thông tin cá nhân của cháu đã bị khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại.

Hay đứa cháu tôi năm nay thi vào lớp 10 hệ chuyên. Trước ngày thi, từ giấy báo dự thi đến số báo danh, ngày, giờ thi... tất cả đều được mẹ cháu đăng tải công khai với lời chúc "con trai thi tốt". Đến khi kết quả không như kỳ vọng, cháu bé cảm thấy xấu hổ, áp lực trước những lời hỏi thăm liên tục từ người quen lẫn người lạ trên mạng. Lòng tự hào phút chốc biến thành vết thương tâm lý.

Không ít phụ huynh cho rằng đăng ảnh con là cách lưu giữ kỷ niệm để sau này con lớn xem lại. Nhưng trong thời đại số, khi một bức ảnh có thể tồn tại vĩnh viễn, được chia sẻ, sao chép và khai thác bất cứ lúc nào thì kỷ niệm đó có thể trở thành dữ liệu bị lạm dụng.

Sự dễ dãi khi chia sẻ thông tin cá nhân của con trẻ trên mạng xã hội đã và đang khiến nhiều phụ huynh trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo tinh vi. Một số cha mẹ từng nhận được cuộc gọi lừa đảo mạo danh nhà trường thông báo con bị tai nạn, yêu cầu chuyển tiền viện phí gấp. Điều đáng nói là đối tượng lừa đảo có thể đọc vanh vách tên con, lớp, giáo viên chủ nhiệm... Những dữ liệu này hoàn toàn có thể thu thập từ các bài đăng “khoe con”.

Không chỉ lừa đảo tài chính, hành vi chia sẻ quá đà còn dẫn đến nhiều nguy cơ xâm hại khác. Một số phụ huynh đăng hình con trong những khoảnh khắc riêng tư, mặc trang phục không phù hợp hoặc chụp ở nơi nhạy cảm mà không nhận ra rằng không phải ai “like” hay “comment” cũng là những người bạn thực sự.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, điều nguy hiểm của internet là thông tin sau khi đăng tải rất khó bị xóa bỏ hoàn toàn. Một hình ảnh vô tư ngày hôm nay có thể bị kẻ xấu khai thác nhiều năm sau, thậm chí trở thành nguyên nhân khiến trẻ bị bắt nạt, quấy rối hoặc đánh cắp danh tính.

Trong khi thế giới đang ngày càng chú trọng bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên không gian số thì nhiều phụ huynh Việt Nam vẫn chưa thực sự ý thức được ranh giới giữa chia sẻ tình yêu và xâm phạm đời tư của trẻ.

Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định rõ trẻ em có quyền được bảo vệ thông tin cá nhân, hình ảnh, và không bị chia sẻ, đăng tải nếu không có sự đồng ý hoặc không vì lợi ích tốt nhất của trẻ.

Vấn đề càng trở nên đáng lo ngại hơn khi trẻ ở lứa tuổi học sinh đang phải đối diện với áp lực học hành, thi cử lại trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Việc được tung hô quá mức khi đạt thành tích cao có thể khiến trẻ phát triển tâm lý tự mãn, hoặc sợ thất bại vì từng được nhiều người kỳ vọng. Ngược lại, với những em không đạt kết quả như mong đợi thì xấu hổ, tổn thương.

Không thể phủ nhận rằng việc cha mẹ tự hào về con cái là điều tự nhiên và đáng quý. Tuy nhiên, niềm tự hào ấy cần được thể hiện một cách tỉnh táo và phù hợp.

Nếu muốn lưu giữ khoảnh khắc ý nghĩa của con, phụ huynh hoàn toàn có thể in ảnh, viết nhật ký, làm album cá nhân, xuất bản nhật ký offline... Trong trường hợp muốn chia sẻ, hãy thiết lập quyền riêng tư trên trang cá nhân, che mờ thông tin nhạy cảm như tên trường, lớp, mã học sinh… hoặc hỏi ý kiến của con. Trẻ em có quyền được tôn trọng, đồng thời học cách yêu bản thân và tự bảo vệ mình.

Trong thời đại thông tin lan truyền chỉ sau một cú click chuột, mỗi hành động chia sẻ đều có thể ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Phụ huynh cần thận trọng, tránh để việc “khoe con” trở thành mối họa, gây áp lực không cần thiết lên các em.

PHƯƠNG LÂM