Vì sao quần áo giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng vẫn còn 'đất sống'?
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Đâu là nguyên nhân khiến những mặt hàng này vẫn còn 'đất sống'?
.jpg)
Thương hiệu nổi tiếng nhưng giá… hàng chợ
Trong vai một khách hàng, tôi dạo qua nhiều ki - ốt kinh doanh quần áo ở chợ Thanh Bình (TP Hải Dương). Tại đây, không ít các ki-ốt kinh doanh quần áo với các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Adidas, Nike, Louis Vuitton… Khi tôi ghé vào một ki-ốt, được người bán hàng giới thiệu 1 bộ quần áo thể thao trên áo có dòng chữ Adidas.
Theo lời người bán, bộ quần áo này có chất liệu cotton, thấm hút mồ hôi, có giá 320.000 đồng/bộ. Một bộ khác cũng in dòng chữ Adidas được giới thiệu với mức giá 380.000 đồng. Trong ki-ốt này, còn nhiều bộ quần áo in tên các thương hiệu nổi tiếng khác như Louis Vuitton, Chanel…
Hiện nay trên thị trường, hàng giả mạo nhãn hiệu được chia thành nhiều cấp độ khác nhau, tùy theo mức độ giống với hàng chính hãng như: Fake 1, Fake 2,3 và hàng super fake (hàng giả được làm rất giống hàng thật từ logo đến bao bì, tem mác… có giá bằng 1/3 đến 1/2 so với hàng chính hãng). Trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, TikTok không khó để bắt gặp các gian hàng, tài khoản quảng bá, giới thiệu các sản phẩm quần áo với các thương hiệu tên tuổi nhưng giá rẻ bất ngờ. Những bộ quần áo này thường có giá dưới 500.000 đồng.

Theo chị Lê Thị Thùy Dương, quản lý cửa hàng Adidas ở TP Hải Dương, hiện nay quần áo của hãng Adidas thường phổ biến từ mức giá 600.000 đến hơn 2 triệu đồng/chiếc. Người tiêu dùng có nhu cầu mua quần áo của các thương hiệu nổi tiếng nên đến các cửa hàng chính hãng để bảo đảm chất lượng, tránh mua hàng trôi nổi.
Nâng cao nhận thức tiêu dùng
Trong đợt cao điểm về chống buôn lậu, gian lận thương mại (từ ngày 15/5 – 15/6), Đội quản lý thị trường số 5 (đội cơ động) thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, đã phối hợp kiểm tra cửa hàng của hộ kinh doanh Huyền Thắng ở thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện). Quá trình kiểm tra phát hiện 5.510 sản phẩm mũ đội đầu, tất chân, áo phông giả mạo các nhãn hiệu Adidas, Nike, Gucci, Louis Vuitton, Puma, Dior, Chanel, Tomy, Lacoste với tổng trị giá hàng hóa 63,8 triệu đồng.
Trước đó, cuối tháng 12/2024, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã quyết định xử phạt anh Nguyễn Xuân Đại ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) hơn 27 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu. Bởi trước đó, ngày 18/12, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra đột xuất cửa hàng Oh Oh Xinh do anh Đại làm chủ, phát hiện hơn 800 sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu Adidas, Nike, Hermes và hình, có nhiều giày, dép, tất và thắt lưng người lớn, tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 39 triệu đồng.

Theo anh Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh), ngoài 2 vụ việc nêu trên, hằng năm, chi cục phát hiện, xử lý nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Có những trường hợp hộ kinh doanh bị xử phạt hành chính nhiều lần do buôn bán quần áo giả mạo nhãn hiệu.
Quần áo là sản phẩm tiêu dùng phổ biến, có nhu cầu tiêu thụ lớn. Đây cũng là một trong những mặt hàng bị giả mạo nhãn hiệu nhiều nhất do công nghệ sản xuất đơn giản, thường chỉ cần in, thêu trực tiếp lên sản phẩm. Trong khi đó, hiện nay mạng lưới kinh doanh không đơn thuần chỉ là các cửa hàng, chợ truyền thống mà còn mở rộng trên không gian mạng.
Không ít các đối tượng kinh doanh lợi dụng các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, các website, hội nhóm online), các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Sendo…), phương thức chuyển phát nhanh và bưu chính để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý, nhất là việc xác minh tài khoản, đối tượng và thu thập chứng cứ.
Thực tế cho thấy, đối với những mặt hàng bị làm giả thuộc nhóm hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, thuốc chữa bệnh... thường nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng do thấy lo lắng, bất an. Tuy nhiên, với quần áo bị làm giả, nhiều người không mấy quan tâm vì cho rằng chúng ít hoặc không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Không ít người dù biết là hàng giả mạo nhãn hiệu nhưng vẫn mua vì tâm lý sính ngoại, có nhu cầu sở hữu với mức giá rẻ hoặc đơn giản "giống thật là được". Họ không quan tâm chất lượng, cũng như hệ lụy của việc sử dụng hàng giả mà chỉ quan tâm đến kiểu dáng và giá cả phù hợp. Chính thói quen mua hàng dễ dãi của không ít người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho việc sản xuất và kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đó chính là những nguyên nhân khiến cho quần áo giả mạo nhãn hiệu vẫn còn "đất sống".
Anh Nghĩa cho biết việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là vi phạm về sở hữu trí tuệ, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, hoạt động của các doanh nghiệp chân chính, ảnh hưởng đến người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Để ngăn chặn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên thị trường, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, kiểm tra, bám địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ tập trung ra quân, xử lý trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại.