Cân nhắc khi bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
Khi sửa đổi Hiến pháp, nên cân nhắc kỹ khi bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

Tôi đồng tình nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Việc sửa đổi, bổ sung là rất cần thiết nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Điểm 2 điều 115 Hiến pháp năm 2013 quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân… Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2025 lại bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
Theo tôi, chất vấn là một trong những hoạt động giám sát của HĐND và đại biểu HĐND đối với việc chấp hành và thực thi pháp luật của các cơ quan tố tụng, trong đó có Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Thời gian qua, việc chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đã được thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, giúp cho đại biểu HĐND các cấp giám sát chặt chẽ hoạt động tố tụng của 2 cơ quan này tại địa phương. Việc chất vấn là cần thiết để bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp.
Thời gian tới, khi thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện nên sẽ không tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện mà thay thế bằng các Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân khu vực. Như vậy, nên quy định HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân khu vực và cấp tỉnh.
Tôi cho rằng, nếu không được quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu HĐND sẽ khó có thể trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của tòa án, viện kiểm sát, nhất là trường hợp có oan sai. Cùng với đó, việc thực hiện giám sát của đại biểu HĐND sẽ không đầy đủ, chưa làm tròn nhiệm vụ với cử tri.