Những trang viết nhuốm màu khói lửa
Hòa chung dòng chảy văn học của dân tộc, văn học Hải Dương thời gian qua cũng phản ánh sinh động hơi thở của cuộc sống. Trong đó, đề tài chiến tranh được tái hiện đậm nét qua nhiều trang viết.

Phơi bày nhiều khía cạnh của chiến tranh
Ở Hải Dương có không ít nhà văn là chiến sĩ. Họ là những người đã trực tiếp tham gia các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hoặc gia nhập quân ngũ. Những năm tháng xông pha nơi trận mạc, phục vụ chiến đấu chính là “trại sáng tác” chân thực nhất, giúp các cây bút phản ánh chân thật, sinh động, đầy đủ mọi góc cạnh của chiến tranh. Có thể kể đến các tác giả: Phù Thăng, Lê Ngung, Nguyễn Tố Hiệu, Hồ Duy Khuông, Nguyễn Luận, Trần Phong Sơn, Đỗ Tuấn Tơn, Nguyễn Thanh Cải, Nguyễn Sỹ Đoàn, Nguyễn Nam Đông… Mỗi trang viết của họ đều thấm đẫm chất liệu từ chiến tranh.
Thế hệ những nhà văn này nhiều người nay đã thành “người thiên cổ” nhưng giá trị trong mỗi tác phẩm họ để lại vẫn vẹn nguyên cùng thời cuộc. Cố nhà văn Phù Thăng là cây viết lão làng của mảnh đất xứ Đông. Ông từng được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông tham gia vệ quốc quân và trở thành chiến sĩ Trung đoàn 42 Quân khu 3. Từng tham gia nhiều trận đánh oanh liệt, gặp nhiều tình huống trong chiến tranh đã giúp ông có vốn sống viết nên những tác phẩm phản ánh chân thực như: “Con những người du kích”, “Trận địa mới”, “Phá vây”, “Con nuôi trung đoàn”, “Tấn công”…
Trong đó, tiểu thuyết “Tấn công” là sự nối tiếp của “Phá vây”. Nhưng trong “Tấn công”, cố nhà văn Phù Thăng đã xây dựng những nhân vật chiến sĩ với sự mổ xẻ về tâm lý, nhân vật đặt trước thử thách an thân chờ thời hay cảnh giác, chủ động tấn công địch… “Nhưng tựu trung thì cũng chỉ xoay quanh những vấn đề của Hội nghị Giơ-ne-vơ và Hội nghị Trung Dã. Đã có tin đồn đại về ngày ngừng bắn. Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau. Có người đã nghĩ đến cái ngày tốt đẹp đó, đã nghĩ đến công việc đồng áng, tính đến lúc trở về xây dựng lại quê hương gặp lại những người thân thương. Có người vẫn còn muốn đánh nữa, lập thêm chiến công nhưng lại lo ngại không thực hiện được ngừng bắn”, đây là một đoạn văn trong tiểu thuyết ''Tấn công''. Nếu chỉ vin vào lịch sử, chúng ta sẽ ít biết đến những diễn biến tâm lý đa chiều của người chiến sĩ cách mạng nhưng qua những trang viết của cố nhà văn Phù Thăng, người đọc thấy người lính hiện lên chân thực hơn.
Tinh thần cách mạng, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung được khắc họa rõ nét trong truyện ngắn “Ông lão và cây hương” của nhà văn Nguyễn Luận. Tác phẩm đề cập đến lão Yên quyết định nhường cây hương, nơi thờ tự người vợ yêu dấu đã chết trong một trận càn của Pháp để cứu hai con lợn nái của HTX sắp đến ngày đẻ: “Thà không nhận, chứ đã nhận với hợp tác xã thì trách nhiệm phải chu tất, một sơ suất nhỏ đủ mang điều”.
Nhà văn Nguyễn Nam Đông (sinh năm 1950) tại TP Hải Dương. Ông từng tham gia đội “Cảm tử quân” TP Huế vào năm 1968. Năm 1969 ông bị địch bắt và đưa ra tù đày ở Nhà tù Phú Quốc, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Chúng tra tấn vô cùng tàn khốc. Đến nay di chứng của những trận đòn thù vẫn còn trên người. Đặc biệt là cả 2 hàm răng của ông đều không còn chiếc nào. Sau này ông đã viết nhiều tác phẩm ghi dấu về cuộc chiến, trong đó ấn tượng nhất là bút ký “Chuyện bây giờ mới kể về cuộc vượt ngục đầu tiên tại Phân khu hạ sĩ quan biệt giam B2 Nhà tù Phú Quốc (1967 - 1973)''. Sau cuộc vượt ngục đầu tiên của 21 chiến sĩ, kẻ thù đã lồng lên tra tấn anh em tù đày rất dã man. “Biệt giam B2 lại được được dựng thêm nhiều chuồng cọp ngoài trời, biệt giam contene (địch gọi là Két Sô) và biệt lập 3 bề 4 bên ghép bằng các vỉ sắt của đường ray dã chiến, anh em gọi đây là biệt giam mẹ, biệt giam con”, một đoạn trong bút ký của nhà văn Nguyễn Nam Đông.
.jpg)
“Tôi không hiểu bằng cách nào mà mình còn may mắn sống sót qua những năm tháng ấy. Tất cả phải nhờ lòng kiên trung, tin tưởng vào con đường cách mạng của dân tộc. Và đặc biệt là tinh thần quả cảm của tất cả các đồng chí, đồng đội của mình mà tôi đã để lại trong những trang viết. Mong rằng các thế hệ sau không bao giờ quên những tháng ngày đau thương nhưng hào hùng của dân tộc”, nhà văn Nguyễn Nam Đông chia sẻ.
Chiến tranh luôn có những góc khuất. Qua các truyện ngắn, truyện ký: “Bông cúc trắng” của Nguyễn Thị Bích, “Cô Son” của Trần Phong Sơn, “Góc khuất chiến tranh” của Nguyễn Thanh Cải, “Chiếc nhẫn kim cương” của Nguyễn Thị Việt Nga, “Sông Luộc ân tình” của Nguyễn Phúc Lai, “Nơi tận cùng của lòng yêu Tổ quốc” của Vũ Tuyết Mây… cho ta thấy rõ những ám ảnh về cuộc chiến tranh ở hậu phương cũng thật khủng khiếp. Ở đó có những sự hy sinh thầm lặng, đau đớn, dằn vặt. Nhưng tất cả được sưởi ấm bởi chiến thắng của dân tộc và tình người.
Giữ lại cho mai sau
Năm tháng qua đi, chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Nhưng một thời lịch sử hào hùng ấy của dân tộc không thể bị lãng quên. Vào năm 2024, Ban Văn (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương) đã dày công, thông qua hình thức xã hội hóa lần đầu tiên biên soạn, cho ra mắt hợp tuyển “Văn xuôi Hải Dương viết về chiến tranh cách mạng” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành.
Hợp tuyển gồm 32 tác phẩm có chất lượng tốt của 32 tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh qua các thời kỳ chiến tranh cách mạng, từ những cây bút có tên tuổi trong làng văn học Hải Dương đến các thế hệ nhà văn trẻ hiện nay. Đó là một cuộc hội ngộ tuyệt vời, bởi mỗi tác phẩm như nốt nhạc trong bản hòa ca đầy giá trị về nghệ thuật, tư tưởng. Và sợi chỉ xuyên suốt hợp tuyển, đó là dư âm về giá trị vĩnh cửu, vượt thời gian, chứa đựng khát vọng dân tộc - tình yêu Tổ quốc, những mất mát đau thương và niềm tin về tương lai, là bài học về lòng yêu nước cho lớp lớp thế hệ mai sau.
“Hợp tuyển Văn xuôi Hải Dương viết về chiến tranh cách mạng ra đời nhằm tri ân các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm”, nhà văn Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng Ban Văn (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương) chia sẻ.