Đời sống văn hóa

Từ thiếu úy Việt Nam Cộng hòa trở thành nhà báo cách mạng

MINH HẠNH 03/05/2025 15:22

Cuộc đời nhà báo Lưu Đình Triều từ một thiếu úy Việt Nam Cộng hòa trước 1975 đến một nhà báo cách mạng mang một cái kết có hậu.

nha-bao.jpg
Nhà báo Lưu Đình Triều (áo sẫm màu) và nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp tìm hiểu về lịch sử báo chí

Tôi chọn ở lại

Nhà báo Lưu Đình Triều, năm nay 72 tuổi, từng công tác nhiều năm ở báo Tuổi trẻ trước khi nghỉ hưu. Ông là con của Nhà báo Lưu Quý Kỳ, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam.

Trưa ngày 30/4/1975, ông Lưu Đình Triều rũ bỏ súng ống, cùng người dân ra đường mừng hòa bình, bất chấp những lời đồn đại không tốt đối với những sĩ quan “phía bên kia” như ông. Trong niềm vui hòa bình, ông mong có cơ hội tìm được cha mẹ mình, dù trong tâm trí ông hình ảnh cha mẹ rất mơ hồ.

“Hồi đó, những bạn bè là công chức, là sĩ quan như tôi lo sợ nhưng không trốn tránh cải tạo. Bởi nếu có trốn thì họ đã trốn từ trước 30/4 rồi. Khoảng 28 - 29/4, bạn tôi cũng kêu tôi xuống Sài Gòn có trực thăng chở ra tàu rồi di tản. Tôi nói, tôi ở với chị, với ngoại chứ không đi. Nhưng trong thâm tâm tôi lúc đó là ở lại để sẵn sàng gặp lại ba má mình, dù phải trả bất cứ giá nào”, ông Triều kể.

Cuộc đời của ông Lưu Đình Triều gắn với những mốc lịch sử của đất nước, với cuộc đời làm cách mạng của ba má ông.

Năm 1954, từ Cà Mau, ba má ông tập kết ra Bắc, để lại hai chị em ông đều còn rất nhỏ ở lại. Chị gái ông 3 tuổi và ông lúc đó chỉ mới hơn 1 tuổi. Ngay sau đó, ông được bà ngoại đưa về Biên Hòa nuôi cho ăn học. Ông lớn lên luôn tự ti mình là trẻ mồ côi, sống với bà ngoại.

Tôi và chị phải ở lại, sau đó bà ngoại mới đưa về Biên Hòa. Khi bà đưa về thì cảnh sát tới hỏi: Cháu bà con Việt Cộng đúng không? Bà ngoại tôi cũng thừa nhận nhưng nói ba má tôi chết hết rồi. Nhiều năm sau chị em tôi mới làm được “Thế vì khai sanh” (giấy khai sinh) và trong đó ghi rõ là: chết cha chết mẹ, trẻ mồ côi".

Như bao thanh niên ở Biên Hòa, ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam lúc đó, ông Triều cũng không tránh khỏi phải đi quân dịch. Trước ngày ông đi lính cho chế độ cầm quyền, bà ngoại cho ông biết, cha mẹ của ông là cán bộ cách mạng, cha ông chính là nhà báo cách mạng Lưu Quý Kỳ.

Ông Lưu Đình Triều kể: "Năm 1972, mùa hè đỏ lửa, lúc đó họ ra lệnh tổng động viên cả sinh viên, hạ tuổi tuyển quân để bắt đi lính. Lúc đó ngoại tôi nói chuyện là ba má con làm cách mạng như vậy mà con đi lính vầy là không được, giờ phải trốn thôi. Nhưng trốn chỗ nào bây giờ, tìm tới tìm lui không có chỗ trốn. Lúc đó trốn quân dịch mà bị bắt thì phải đi lao công đào binh, dễ chết hơn nữa, thành ra đành đi. Vô lính thì do là sinh viên đại học nên họ cho đi học Trường Sĩ quan bộ binh Thủ Đức. Thật ra lúc đó mắt tôi cận đến 6 độ rồi, cứ tưởng không bị đi lính nhưng cuối cùng vẫn bị đi”.

z6498414610619_e8cde06dfaaffe733c4dd672fb913ee2.jpg
Ảnh nhà báo Lưu Đình Triều cùng cha của ông là nhà báo Lưu Quý Kỳ chụp tháng 5/1975, khi gặp lại nhau sau 21 năm xa cách

Năm 1975, ông Lưu Đình Triều là thiếu úy Việt Nam Cộng hòa. Tháng 4/1975, ông được lệnh xuống các đơn vị ở Long Thành để hướng dẫn cách chống xe tăng của Việt cộng.Tôi ở Sư đoàn 7 bộ binh, học rồi xin về tiểu khu Biên Hòa. Đầu tháng 4/1975, tôi được lệnh phải xuống Long Thành dạy kỹ thuật chống tăng trong thành phố. Nhưng chưa kịp xuống thì xe tăng của cách mạng đã vào đến Xuân Lộc. Trước 30/4 mấy ngày thì tình hình đã náo loạn, tôi vào đơn vị vứt hết đồ đạc rồi về nhà”.

Cách mạng Việt Nam chiến thắng, miền Nam hòa bình, đất nước thống nhất, chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ. Giữa những hỗn loạn của đô thị, số phận những người lính “phía bên kia” như ông Lưu Đình Triều chưa biết ra sao. Ông vẫn chọn từ chối di tản, ở lại miền Nam.

Tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng vào ngày 15/5 ở ngay trước hội trường Thống Nhất bây giờ. Hôm đó, bà ngoại tôi nói, người ta tổ chức lễ, ba con chắc sẽ có vô, con đi tìm đi, cứ đến đó, thấy ai quay phim chụp ảnh thì lại mà hỏi thăm nhà báo Lưu Quý Kỳ. Tôi xuống Sài Gòn mà đông quá đông không thể vô nổi. Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, lúc đó là Hồng Thập Tự có đoàn xe tăng chuẩn bị vô diễu hành và có một anh bộ đội đang chụp ảnh, tôi chạy lại hỏi thăm thì anh ấy đang tác nghiệp nên chỉ kịp đưa cho tôi tờ báo Giải Phóng và kêu theo địa chỉ đó mà tìm. Tôi đến báo tìm thì người ta kêu về đi rồi ba anh có vô. Tôi về nhà, đang ngủ thì chị tôi kêu dậy ba về. Tức là ba tôi dự lễ xong thì mới về nhà. Ba tôi hỏi phải con là Lưu Hà, là Đình Triều không? Chị tôi lao đến ôm ba và khóc”.

Tôi chọn trở thành nhà báo cách mạng

Ngày gặp lại ba, cảm xúc của ông Lưu Đình Triều thật khó tả. Mừng thì khỏi nói rồi nhưng xen lẫn đó là mặc cảm. Ông mặc cảm vì ba là Việt Minh, còn mình là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa.

Và có lẽ, xen lẫn trong đó là chút tủi thân của một đứa con xa ba má từ nhỏ, sống giữa đô thị bị chiếm đóng. Nhưng sau đó, với ông, là chuỗi ngày nỗ lực không ngừng chứng minh cho sự chọn lựa ở lại đúng đắn của mình.

Thật ra lần đầu gặp ba, tôi cứ nhào tới là ôm, cứ nghĩ người ruột thịt của mình đây. Nhưng mà khi ôm rồi thì tôi sực nhớ ra ba là dân Việt cộng. Hồi đó cứ quen gọi là Việt cộng, còn mình thì từng là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, nên tôi ngần ngại, chỉ dám vuốt vuốt tay ba”.

Sau đó, ông Triều đi cải tạo 6 tháng rồi về làm ở một xí nghiệp sản xuất, tham gia phong trào thanh niên và ông chọn trở thành một nhà báo cách mạng bằng chính quyết tâm, năng lực của mình.

Hai cha con ngồi với nhau, ba tôi hỏi, con muốn làm gì? Dạ, con muốn làm báo. Tại sao con thích làm báo? Sau này mới hiểu trong đầu ông nghĩ rằng chắc con cũng muốn dựa hơi ba. Nhưng lúc đó tôi trả lời: Dạ, vì con hay đọc báo rồi viết báo và thậm chí không có tiền mua báo, con phải đi xếp báo dạo để được đọc báo. Ông suy nghĩ một hồi rồi nói: Thôi, con không đủ tiêu chuẩn chính trị và kinh nghiệm không có. Con là sĩ quan chế độ cũ, con phải đi làm công nhân để thay đổi cuộc đời con”.

Ông Lưu Đình Triều còn nhớ, vài năm lao động sản xuất và tham gia các phong trào tích cực nên ông được kết nạp đoàn, được tuyên dương đoàn viên ưu tú. Và một hôm đọc được thông báo tuyển sinh lớp báo chí, ông Triều mạnh dạn làm đơn.

Tôi đọc báo thấy tuyển sinh lớp đào tạo báo chí ở Trường Tuyên huấn Trung ương nên tôi cũng làm đơn xin thi. Vừa vô thi thì tự nhiên ba tôi lại vô, ông nói: Ba đã từng nói con không đủ tiêu chuẩn làm báo mà. Tôi nói, con đủ tiêu chuẩn mà ba. Ông im lặng rồi kêu: Tùy con!”

Sau này, học xong báo chí ở Trường Tuyên huấn Trung ương (tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày nay), ông về làm tại báo Tuổi trẻ và bút danh Lưu Đình Triều chắc không xa lạ gì với bạn đọc.

Cuộc đời ông Lưu Đình Triều cũng chính là một minh chứng sống động cho kết quả tốt đẹp của những quyết định đúng - quyết định ở lại góp phần xây dựng thành phố, xây dựng đất nước sau chiến tranh, không di tản để lệ thuộc xứ người...

MINH HẠNH