Chuyển đổi số

5G thúc đẩy kinh tế thông minh

HÀ KIÊN 22/04/2025 15:00

Trong năm 2025, Hải Dương sẽ có thêm hàng trăm trạm phát sóng 5G cũng như sản phẩm số cụ thể phát triển trên nền tảng 5G, tạo lực đẩy phát triển kinh tế thông minh.

5g-va-cuoc-dua-tam-ma-1.jpg
Với 5G VinaPhone, chị Đỗ Thị Hồng Nhung (áo phông hồng) "bám" rất sát thông tin thị trường chứng khoán qua điện thoại

Xung lực mới từ công nghệ

Là một nhà đầu tư trẻ mới tham gia thị trường chứng khoán, chị Đỗ Thị Hồng Nhung, 24 tuổi ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) cần theo dõi sát giá giao dịch một số loại cổ phiếu, nhất là trong những ngày gần đây, khi thị trường nhiều biến động do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trên tay chị Nhung, chiếc điện thoại gần như chẳng bao giờ ngơi nghỉ.

“Tôi chủ yếu theo dõi thị trường qua điện thoại hoặc máy tính bảng. Ưu tiên cao nhất của tôi là tốc độ truy cập internet phải nhanh, ổn định. Vì vậy, ngay khi VinaPhone cung cấp dịch vụ mạng di động 5G, tôi sử dụng ngay cho cả 2 chiếc điện thoại. Đương nhiên, chất lượng truy cập mạng tốt hơn hẳn 4G. Điều này cũng giúp tôi theo dõi thêm nhiều video phân tích, dự báo thị trường chứng khoán cũng như một số kênh đầu tư khác từ các chuyên gia kinh tế nữa”, chị Nhung nói.

Với chị Lê Thị Vân ở xã Ứng Hoè (Ninh Giang), mạng di động 5G chủ yếu để xem YouTube. “Thói quen này mới hình thành vài tháng nay. Trước đây, tôi lướt Facebook là chủ yếu, chỉ vuốt vuốt đọc thông tin từ bạn bè, bởi xem phim hoặc YouTube từ 4G vẫn có độ giật, trễ, nhất là xem các video trực tuyến, nhưng với mạng di động 5G thì khác hẳn, tốc độ rất nhanh, gần như không có độ trễ. Thói quen sử dụng điện thoại thông minh của tôi cũng gần như thay đổi kể từ khi có mạng di động 5G”, chị Vân chia sẻ.

Đó là những tiện ích cơ bản mà mạng di động 5G - công nghệ viễn thông di động thế hệ mới nhất hiện nay mang lại. Đã có rất nhiều thay đổi trong việc sử dụng điện thoại thông minh của người dân thời gian qua.

Không chỉ sử dụng cho những nhu cầu cá nhân hay mục đích giải trí, mạng di động 5G mang đến những thay đổi căn bản trong quản trị sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Một trong những tiện ích mà công nghệ này mang lại là cung cấp khả năng xây dựng nhà máy, quy trình sản xuất, kinh doanh thông minh.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Cảng nội địa (ICD) Hải Dương đang xây dựng kế hoạch thử nghiệm kết nối hệ thống điều hành container theo thời gian thực qua mạng di động 5G. Thời gian tới, khi kế hoạch này được triển khai, ICD Hải Dương có thể theo dõi vị trí, dữ liệu vận đơn hàng ngay tại kho. Qua đó giúp đẩy nhanh thời gian xử lý từng đơn hàng, nâng cao hiệu quả kho vận.

Người dùng mạng di động 5G trên toàn tỉnh hiện nay chủ yếu là cá nhân. Theo thống kê từ Viettel Hải Dương, VNPT Hải Dương và MobiFone Hải Dương, đến giữa tháng 4/2025, hơn 100.000 thuê bao di động đăng ký các gói cước mạng di động 5G, chủ yếu là cá nhân. Số lượng doanh nghiệp đăng ký 5G cũng chỉ dừng lại ở việc kết nối smartphone cá nhân, chưa ứng dụng trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh thông minh.

Hạ tầng cho kinh tế thông minh

5g-va-cuoc-dua-tam-ma-3.jpg
Hải Dương dự kiến hợp nhất với TP Hải Phòng, khi đó các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn của tỉnh có thể sẽ phối hợp các đơn vị kho vận Hải Phòng hình thành chuỗi sản xuất, xuất nhập khẩu thông minh mới trên nền tảng 5G (ảnh minh họa)

Tại buổi tọa đàm “thương mại hóa mạng di động 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh” do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức cuối năm 2024, các chuyên gia từ Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng sản xuất thông minh từ nền tảng mạng di động 5G trên cả nước nói chung, ở từng địa phương nói riêng chỉ đang ở giai đoạn “phôi thai”.

Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương cho rằng các tiện ích mạng di động 5G mang lại đã được người dân đón nhận. Tuy nhiên, với doanh nghiệp, các nhà mạng cần thời gian để phối hợp phát triển giải pháp, ứng dụng số phù hợp.

“VNPT chúng tôi đang thúc đẩy việc phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu, cung cấp sản phẩm số trên nền tảng mạng di động 5G dành riêng cho doanh nghiệp, bao gồm cả mạng mạng di động 5G dùng riêng (Private 5G). Đây được coi là giải pháp đóng gói, vừa giúp doanh nghiệp điều hành thông minh, vừa nâng cao tính an toàn, bảo mật. Tại Hải Dương, việc đầu tiên là cần đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng mạng di động 5G”, ông Khánh chia sẻ.

Theo kế hoạch, ngoài các trạm phát sóng 5G đã lắp đặt, VNPT Hải Dương đang khảo sát và sẽ lắp thêm 100 trạm phát sóng 5G phủ sóng trên phạm vi toàn tỉnh ngay trong quý II/2025, hướng tới mục tiêu lắp đặt 223 trạm phát sóng 5G trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong năm nay.

Không chịu đứng ngoài cuộc chơi, từ cuối tháng 3/2025 đến nay, MobiFone Hải Dương lắp 10 trạm phát sóng 5G, tập trung tại TP Hải Dương và huyện Cẩm Giàng.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến thời điểm này, Viettel Hải Dương vẫn là nhà mạng có số lượng trạm phát sóng 5G lớn nhất, với 70 trạm, phân bố ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp viễn thông, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ quan trọng. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu rõ sẽ có cơ chế hợp tác công tư để phát triển hạ tầng số hiện đại, trong đó nguồn lực nhà nước là chủ yếu. Từ đó phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại như công nghệ 5G, 6G và các thế hệ tiếp theo.

5g-va-cuoc-dua-tam-ma-2-1-.jpg
Sau gần 1 tháng nhập cuộc đua phát triển 5G, MobiFone Hải Dương đã triển khai lắp đặt 10 trạm 5G, tập trung tại TP Hải Dương và huyện Cẩm Giáng (ảnh do MobiFone Hải Dương cung cấp)

Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chính thức hiện thực hóa chủ trương này.

Trong đó, quy định hỗ trợ các nhà mạng đầu tư vào hạ tầng mạng di động 5G. Mức hỗ trợ một trạm phát sóng 5G là 15% chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông. Chính sách hỗ trợ đặc biệt này được xem là “bệ đỡ” để các doanh nghiệp viễn thông tăng tốc phủ sóng 5G trên toàn quốc ngay trong năm nay.

Dư địa triển khai cũng như ứng dụng mạng di động 5G trên cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng còn rất lớn. Nhất là khi tới đây, dự kiến tỉnh Hải Dương sẽ hợp nhất với TP Hải Phòng. Khi đó, các khu công nghiệp có thể được đẩy mạnh đầu tư hạ tầng mạng di động 5G để phục vụ sản xuất thông minh. Các doanh nghiệp lớn của Hải Dương có thể sẽ kết hợp các đơn vị logistics Hải Phòng để hình thành chuỗi sản xuất, xuất nhập khẩu thông minh.

Mạng di động 5G không phải đích đến, mà là nền móng để chuyển đổi số toàn diện, từ đó định hình một nền kinh tế số đa ngành, đa trung tâm. Cuộc đua “tam mã” trong việc cung cấp mạng di động 5G không chỉ là cuộc đua giữa các nhà mạng, mà còn là cuộc đua chung của Việt Nam trong phát triển hạ tầng số.

HÀ KIÊN