Quốc phòng

Những bức 'huyết thư' thời chiến

NGUYỄN THẢO 15/04/2025 15:00

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít thanh niên Hải Dương đã dùng máu của mình viết đơn xin nhập ngũ. Những bức 'huyết thư' đã tiếp thêm động lực cho nhiều thanh niên khác.

ba-mo.jpg
Bà Hoàng Thị Mơ ở khu dân cư Ninh Giàng, phường Cổ Thành, TP Chí Linh (đứng giữa) kể lại cho thế hệ sau về kỷ niệm viết đơn xin nhập ngũ bằng máu

Khóc mấy ngày liền khi không được nhập ngũ

Với phong thái nhanh nhẹn, ít ai nghĩ bà Hoàng Thị Mơ ở khu dân cư Ninh Giàng, phường Cổ Thành (TP Chí Linh) năm nay đã ngoài 70 tuổi. Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại kỷ niệm ngày dùng máu viết đơn xin nhập ngũ, bà Mơ vẫn còn xúc động.

Khi còn nhỏ, cô bé Hoàng Thị Mơ cảm phục trước tấm gương chiến đấu của cha mình. Năm 16 tuổi, bà Mơ đã lấy máu ở cánh tay của mình để viết đơn xin nhập ngũ.

Bà Mơ nhớ thời điểm ấy, trong xã, trong huyện, ai ai cũng xung phong ra trận. Đường ra mặt trận đông như ngày hội. Dù biết mình chưa đủ tuổi nhưng khao khát được ra trận chiến đấu luôn cháy bỏng trong bà.

Lá đơn thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4 viết bằng máu liên tiếp gửi đi nhưng không được chấp nhận. Dù không còn lưu giữ nhưng bà không bao giờ quên nội dung trong những lá đơn. Câu cuối mỗi bức huyết thư, bà Mơ viết: “Dù có gian khổ hay hy sinh, tôi cũng xin ra chiến trường cầm súng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc".

"Thế nhưng, cấp trên trả lời là tôi còn nhỏ, chưa đủ tiêu chuẩn. Thấy vậy, tôi khóc mấy ngày liền…”, bà Mơ nhớ lại.

Cho đến năm 1968, cô thanh niên Hoàng Thị Mơ được cấp trên cho nhập ngũ vào Trung đoàn 2 thuộc Tỉnh đội Hải Hưng làm chiến sĩ nuôi quân. Đến năm 1970, do sức khỏe yếu, bà Mơ được về an dưỡng tại Đoàn 155 và ra quân.

ong-thanh.jpg
Ông Nguyễn Công Thanh vẫn cất giữ cẩn thận tấm huân, huy chương như báu vật

Ông Nguyễn Công Thanh ở phố Quý Cao, xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) năm nay 79 tuổi, tóc đã bạc gần hết song vẫn nhớ như in về thời thanh niên hừng hực khí thế tình nguyện lên đường đánh giặc. Học xong lớp 10, ông tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng 2 lần đều không đạt vì sức khỏe chỉ xếp loại lần lượt lượt là A3, B1.

Ông Thanh kể lại: “Ngày đó tôi chỉ nặng 40 cân nhưng tinh thần đánh giặc cao lắm. Sau 2 lần khám sức khỏe thất bại, lần thứ 3 tôi nghĩ mình nhất định phải được đi chiến đấu nên đã viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ. Những lá đơn liên tiếp gửi đi nhưng vẫn không được chấp nhận... Cho đến lá thứ 5, tôi quyết định dùng máu của mình để viết dòng chữ “Tôi xin thề”, ký tên trong đơn rồi gửi lên Huyện đội Tứ Kỳ".

Trong lá đơn ấy, ông Thanh đã tỏ rõ quyết tâm, trách nhiệm của mình: "Ở chiến trường ngày đêm các chiến sĩ giết giặc lập công mà tôi là một người thanh niên đi học tập giác ngộ và được sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa...", "Xuất phát từ lòng căm thù giặc sâu sắc và lòng yêu Tổ quốc, tôi xin tình nguyện đi đợt nghĩa vụ này và đề nghị các đồng chí cho tôi đi ngay đợt này để được góp phần nhỏ bé của tôi vào kháng chiến chống Mỹ”.

Đoạn kết trong lá đơn khẳng định bằng lời thề son sắt: “Xin thề hy sinh tất cả vì Tổ quốc chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Chính quyết tâm và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc trong huyết thư ấy nên ông Thanh đã được nhập ngũ.

Ngày 14/7/1968, ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 444, Trung đoàn 568, Sư đoàn 330, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Lập thành tích trong chiến đấu, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

tam-thu.jpg
Một số lá đơn xin nhập ngũ của thanh niên Hải Dương được viết, ký tên bằng máu được lưu tại nhà truyền thống Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương

Truyền cảm hứng

Hiện bức huyết thư của ông Thanh, bà Mơ cùng một số thanh niên Hải Dương thời điểm ấy vẫn còn được lưu giữ tại Nhà truyền thống của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.

Dù đã trải qua nhiều năm tháng, nhưng bức thư đã úa màu theo thời gian nhưng còn nguyên giá trị, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khích lệ tinh thần cho các thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ, đồng thời như lời nhắn nhủ họ phải quyết tâm phấn đấu, rèn luyện.

Theo Đại tá Vũ Hồng Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, vào mỗi dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống của lực lượng vũ trang tỉnh, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong tỉnh cùng một số trường học trên địa bàn đều đến tham quan, tìm hiểu các bức thư thời chiến tại Nhà truyền thống. Những kỷ vật đó như nhắc nhớ về một thời hào hùng, hy sinh gian khổ của thế hệ cha ông.

Trong các chương trình giao lưu thanh niên chuẩn bị nhập ngũ của xã, huyện, ông Nguyễn Công Thanh nhiều lần được mời dự để kể lại câu chuyện của mình.

Sau thời gian phục viên trở về địa phương, ông Thanh, bà Mơ đều là hội viên cựu chiến binh gương mẫu, phát huy phẩm chất cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ, tích cực đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.

NGUYỄN THẢO