Gia đình đọc sách, kết nối yêu thương
Đọc sách không chỉ mang lại sự hiểu biết cho từng cá nhân mà còn là sợi dây kết nối giữa các thành viên trong gia đình thông qua thảo luận, chia sẻ...

Giúp con ham đọc sách
Chiều thứ bảy, không bận bịu học hành nên hai cậu bé Nguyễn Chính Minh (12 tuổi) và Nguyễn Thanh Lâm (10 tuổi), con anh Nguyễn Đức Tư, chị Bùi Bích Phương ở thị trấn Gia Lộc (Hải Dương) thư thái ngồi đọc những cuốn sách yêu thích. Thỉnh thoảng hai bé lại trao đổi với nhau những điều vừa đọc, hòa lẫn tiếng cười vui vẻ.
Cậu bé Minh cho biết, ngoài giờ đi học và làm bài tập, phần lớn thời gian rảnh rỗi hai anh em đều ngồi đọc sách. Sách mang đến cho hai bé nhiều kiến thức mới mẻ, phục vụ học tập cũng như nhiều kỹ năng ứng xử ngoài xã hội.
Để hun đúc cho con tình yêu với sách, báo, anh Tư, chị Phương có những cách thức riêng. Chị Phương chia sẻ, khi còn nhỏ, chị dạy con yêu sách bằng việc thường xuyên đọc cho con nghe. Chị mua sách phù hợp với lứa tuổi. Con chưa biết chữ, chị ưu tiên sách có nhiều tranh, hình vẽ đẹp. Số lượng chữ trong sách tăng dần cùng với sự lớn khôn của con. Thể loại sách cũng phong phú, đa dạng như truyện tranh, sách văn học, lịch sử, khoa học…, cả sách trong nước và nước ngoài. Để con có không gian yên tĩnh, đủ ánh sáng, anh chị đã xây dựng cho con một phòng học gồm 2 kệ sách với số lượng cả nghìn cuốn. Nhiều cuốn sách, truyện được các cháu đọc đi, đọc lại nhiều lần đến khi thuộc làu.

Chị Phương cho biết: "Những khi rảnh rỗi, bố cháu vẫn đọc sách, truyện cho các cháu nghe. Sau khi đọc xong, 3 bố con lại thảo luận, chia sẻ với nhau. Tôi cũng hay hỏi chuyện các con sau mỗi cuốn sách các con đọc. Như vậy, kiến thức các con thu được sẽ đọng lại lâu hơn".
Ở Hải Dương, mỗi gia đình lại có những cách khác nhau khuyến khích con, cháu ham đọc sách. Ông Đặng Văn Nhạc ở khu La Tỉnh (thị trấn Tứ Kỳ) quan niệm "sách là cửa sổ của tâm hồn". Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn coi đọc sách là "cơm ăn, nước uống" hằng ngày. Ông đọc nhiều thể loại để bồi dưỡng kiến thức cho bản thân và chia sẻ cho con cháu. Ông luôn răn dạy con cháu không khi nào được ngưng đọc sách. Để khuyến khích tình yêu đọc sách, vào dịp lễ, Tết hay ngày đặc biệt, ông Nhạc sẽ mua sách tặng cho con, cháu.
"Tôi lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích để các cháu cảm thấy dễ đọc. Đôi khi tôi cùng các cháu thảo luận về những cuốn sách đã đọc, qua đó giúp tôi hiểu được tâm tư, suy nghĩ của các cháu và cảm thấy tình cảm gia đình gần gũi, thân thiết hơn qua những lần trao đổi đó", ông Nhạc chia sẻ.
Nhân rộng mô hình tủ sách gia đình

Trong bối cảnh có nhiều loại hình thông tin, giải trí khác, việc đọc sách ở không ít gia đình bị lãng quên. Ông Nguyễn Đào Trường ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn say mê đọc sách mỗi ngày. Ông cho biết số lượng người đọc sách, nhất là người trẻ ngày càng ít đi. Hầu hết họ không chủ động tìm sách đọc để khám phá mà chủ yếu tìm tài liệu phục vụ công việc.
Chia sẻ điều này, anh Nguyễn Đức Tư (thị trấn Gia Lộc) mong muốn, mỗi gia đình hãy rèn luyện, hình thành thói quen đọc sách cho con. "Đọc sách giúp trẻ hình thành tình yêu thương, nhân cách, khám phá nhiều điều mới mẻ, tự tin khi giao tiếp. Tôi rất muốn chia sẻ những cuốn sách của gia đình để lan tỏa tinh thần đọc đến mọi người, nhất là giới trẻ", anh Tư trăn trở.
Để phát triển, lan tỏa văn hóa đọc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đang tổ chức phối hợp nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học tại các địa phương. Biên soạn tài liệu hướng dẫn xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ phù hợp. Vận động, hướng dẫn xây dựng, bảo quản và phát huy giá trị các bộ sưu tập tài liệu, tư liệu quý hiếm hướng tới hình thành hồ sơ di sản tư liệu... Nếu được thực hiện hiệu quả, mô hình này sẽ có tác động tích cực tới văn hóa đọc của nhân dân.