Thị trường

Xử lý gian lận thương mại thời đại số

HUYỀN TRANG 15/03/2025 13:59

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với lực lượng chức năng trong công tác phòng chống gian lận thương mại.

thuong-mai-dien-tu.jpg
Qua nắm bắt thông tin hoạt động kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng Hải Dương phát hiện 8.500 đôi dép giả mạo nhãn hiệu do ông Trần Văn Hiệu làm chủ

Nhiều vi phạm

Tháng 11/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương (nay là Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương) đã xử lý một loạt sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thông qua kiểm tra quảng cáo trên mạng xã hội.

Qua theo dõi, nắm bắt thông tin hoạt động kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường số 5 đã phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Hải Dương) tổ chức kiểm tra đột xuất một số hộ kinh doanh mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp.

Kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh do anh Vũ Văn Thúy (thị trấn Thanh Miện) làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện có 2.304 tuýp kem nền nhãn hiệu SVMI và 11.000 cái kẹp mi mắt không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng trị giá hơn 45 triệu đồng. Hộ này đã quảng cáo sản phẩm trên trang Facebock cá nhân "Thúy Hường (kho buôn Quảng Châu)"; tài khoản Zalo cá nhân có tên "Thúy Hường"; gian hàng TikTok shop "Shop Thúy Hường". Với vi phạm trên, hộ kinh doanh Vũ Văn Thúy bị xử phạt vi phạm hành chính 25,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và tịch thu các sản phẩm vi phạm.

Tháng 7/2024, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát hoạt động bán hàng trên mạng xã hội Facebook kết hợp với nắm tình hình kinh doanh trên địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 5, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh dép do ông Trần Văn Hiệu (ở xã Tiên Động, Tứ Kỳ) làm chủ.

Đoàn kiểm tra phát hiện 8.500 đôi dép mang nhãn hiệu CROCS, trị giá hơn 916 triệu đồng có dấu hiệu vi phạm. Ông Hiệu có tài khoản Facebook cá nhân “CROCS Hiệu Trần” đăng bài giới thiệu, chào hàng sản phẩm với hình ảnh dép mang nhãn hiệu CROCS được lấy trên mạng. Xét vụ việc có dấu hiệu tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, Đội Quản lý thị trường số 5 đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc, tang vật, giấy tờ cho cơ quan điều tra Công an tỉnh để tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương, từ ngày 1/1 - 15/12/2024, đơn vị đã kiểm tra 18 vụ liên quan đến thương mại điện tử. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với 17 vụ, số tiền xử phạt 327,5 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 485 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, buôn bán tem mang nhãn hiệu giả mạo, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Khắc phục khó khăn

thuong-mai-dien-tu-2.jpg
Khi lựa chọn mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lưỡng (ảnh minh họa)

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đánh tại Hải Dương, các hành vi vi phạm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm trên môi trường không gian mạng diễn biến phức tạp.

Việc sử dụng mạng xã hội, dịch vụ chuyển phát nhanh để kinh doanh hàng hóa vi phạm có chiều hướng gia tăng, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý. Ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh trực tuyến, mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada... hay bán hàng trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok...

Theo anh Vũ Minh Hải, Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương), việc kiểm tra, phát hiện, xử lý những hành vi gian lận thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn hơn so với phương thức kinh doanh truyền thống.

Một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình kiểm tra, xử lý là việc xác định được hàng hóa, trong khi đối với thương mại điện tử, mạng xã hội, lực lượng chức năng khó xác định được chủ thể, kho hàng vì không có địa điểm kinh doanh cố định.

Những hình ảnh sản phẩm được chụp, đăng tải trên các sàn thương mại điện tử hay được giới thiệu trong những phiên livestream (phát trực tiếp) bán hàng khó có thể xác định có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hay không so với việc trực tiếp kiểm tra sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh.

Khắc phục những khó khăn này, thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thương mại điện tử, về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Đơn vị rà soát, phân loại các website, ứng dụng thương mại điện tử, nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng thực trạng. Các đợt kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào thương mại điện tử chứ không chỉ đơn thuần là kiểm tra các cơ sở kinh doanh theo phương thức truyền thống.

Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc kinh doanh trong thương mại điện tử, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đề xuất xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất. Thương mại điện tử là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trên lĩnh vực thương mại điện tử.

Cùng với đó, khi lựa chọn mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lưỡng. Không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu. Nếu như nhận về các sản phẩm không đúng như cam kết của bên bán, người tiêu dùng có thể phản ánh với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) hoặc Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam…

HUYỀN TRANG