Nguyễn Phi Khanh - người hết lòng vì nước vì dân
Danh nhân - Ngày đăng : 10:40, 30/12/2009
Cách đây hơn 6 thế kỷ, quân Minh xâm lược áp giải một số tù Việt Nam về Kim Lăng (Trung Quốc). Trong khung cảnh cực kỳ đau thương phẫn nộ ấy, xuất hiện bóng dáng một vị sĩ phu có chí khí, trước lúc qua Mục Nam Quan đã ngoảnh lại căn dặn đứa con yêu quý mà cũng là người học trò ưu tú nhất của mình: "Ta già rồi, dù chết cũng không oán hận. Con là người có tài có đức phải lo rửa hận cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu”. Con người đó là Nguyễn Phi Khanh, người cha và là thầy học của Nguyễn Trãi. Và người con đó chỉ sau mười năm đã trở thành một vị tham mưu xuất sắc của Lê Lợi.
Nguyễn Phi Khanh, tức Nguyễn Ứng Long, hiệu là Nhị Khê, sinh năm Ất Mùi (1355), quê xã Chi Ngãi, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau dời về xã Ngọc Ổi, nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Nội. Sinh trưởng trong một gia đình thường dân, nhưng ông đã nổi tiếng văn chương từ nhỏ. Nhờ đấy ông được Trần Nguyên Đán (hiệu Băng Hồ), một vị đại thần tôn thất nhà Trần mời về nhà dạy học cho con gái là Trần Thị Thái.
Trần Nguyên Đán cũng là một trong số những nhà thơ nổi tiếng đương thời và biết đánh giá đúng tài năng của Ứng Long. Cho nên khi tình duyên giữa anh gia sư nghèo khổ Ứng Long với cô tiểu thư khuê các họ Trần xảy ra, chẳng những ông không ngăn trở mà còn vui lòng chấp nhận. Nhưng phong tục nhà Trần thường chỉ cho phép người trong dòng họ tôn thất kết hôn với nhau chứ ít khi có ngoại lệ. Bởi thế câu chuyện anh học trò con nhà thường dân là Ứng Long làm rể quan tướng công họ Trần chắc chắn đã làm cho dư luận xôn xao. Vua Trần Nghệ Tông tỏ ý bất bình với cách xử sự của Trần Nguyên Đán. Sau khi thành hôn, đến năm Long Khánh thứ 2 (1374) Ứng Long thi và đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Đậu cao, nhưng vì có chút “tì vết” nên ông vẫn không được triều đình bổ nhiệm. Từ đấy, khi thì ông giúp việc nghiên bút trong dinh của Trần Nguyên Đán, khi thì tìm nơi dạy học. Mãi đến sau khi vợ mất, ông mới đưa con thơ về ở hẳn Nhị Khê.
Năm 1400, Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần và lên làm vua. Cuộc đời Ứng Long có một bước ngoặt mới. Ông cho con là Nguyễn Trãi đi thi khoa thi đầu tiên của nhà Hồ - khoa ấy Nguyễn Trãi đậu thái học sinh (tiến sĩ) và nhận chiếu chỉ của triều Hồ mời ra giúp nước. Hồ Quý Ly cho ông đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, đồng thời phong cho ông chức Hàn lâm đại học sĩ năm Tân Tỵ (1401), sau đó lại phong Đại lý tự khanh, Thông chương đại phu, Quốc tử giám Tư nghiệp và Thượng khinh xa đô úy (một chức quan võ cao cấp). Nguyễn Phi Khanh tận tâm dốc sức phục vụ triều Hồ. Đến năm 1406 quân Minh xâm lược nước ta, Phi Khanh tận tụy giúp nhà Hồ kháng chiến, sau bị bắt giải về Kim Lăng cùng một chuyến với cha con Hồ Quý Ly. Ông mất năm Mậu Thân (1428) tại Trung Quốc, thọ 73 tuổi. Người con thứ của ông là Nguyên Phi Hồng đã mang thi hài cha về táng tại núi Bái Vọng, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi quê hương của ông trước đây.
Tác phẩm văn học của Nguyễn Phi Khanh là Nhị Khê thi tập sau này bị mất, chỉ còn lẻ tẻ 77 bài được Lê Quý Đôn sưu tập vào Toàn Việt thi lục Thế kỷ XIX, Dương Bá Cung chép lại 77 bài đó cùng với hai bài văn khác, làm thành quyển II Ức Trai thi tập, với tên gọi là Nguyễn Phi Khanh thi văn.
Thơ văn của ông hầu hết được sáng tác trong thời gian còn nhà Trần, một số ít sáng tác dưới triều Hồ. Hiện chưa tìm được bài nào sáng tác trong thời gian ở Kim Lăng (nếu có chắc cũng nằm ở bên Trung Quốc).
Nhị Khê thi tập sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về con người Nguyễn Phi Khanh.
Dưới một triều đại thối nát và đang xuống dốc như triều nhà Trần, thái độ của Phi Khanh về căn bản là thái độ không bằng lòng với hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ một vài câu thơ cũng đã khái quát được bầu tâm sự của ông:
Nhất than cửu khiếu thất tình nội
Vạn sự thiên ưu bách lự trung
Dịch:
Chín khiếu bảy tình thân một tấm
Nghìn lo trăm nghĩ việc muôn màu
Thời đại Phi Khanh sống là thời đại mà cái ngai vàng của giai cấp phong kiến đã mục ruỗng. Trong tôn thất, cha con, anh em nghi kỵ, hãm hại lẫn nhau, còn triều thần phần lớn chỉ là những kẻ chạy theo dục vọng, xu nịnh quyền thế. Đời sống nhân dân bị đe dọa bởi hạn hán, lụt lội, đói kém, cướp bóc... Bọn vương hầu thì ăn chơi xa xỉ...
Vạn tính ngao ngao đãi bộ cừu
Thùy gia kim ngọc á cao khâu
Dịch:
Muôn dân nháo nhác chờ cơm áo
Vàng ngọc nhà ai sánh núi cao
Ngược lại, Nguyễn Phi Khanh lại là người luôn sống gắn bó với quần chúng, cảm thông với muôn nghìn hoạn nạn đau khổ của quần chúng.
Liên cừ vạn lý giai ngô dữ,
Tỵ ốc thùy gia diện diện hàn
Dịch:
Thương cho họ dù người vạn dặm, song thảy là tình đồng loại của ta
Kìa nhà ai ở dăng ra khắp nơi mà mọi nét mặt đều rét buốt tê tái
Bên cạnh cái hình ảnh rất chân thực về cuộc sống tiêu điều, kiệt quệ của người dân, thơ của Phi Khanh còn là bản cáo trạng cực kỳ nghiêm khắc, đanh thép lên án bọn thống trị nhà Trần lúc bấy giờ:
Đạo huề thiên lý xích như thiêu
Điền dã hưu ta ý bất liêu
Hậu thổ sơn hà phương địch địch
Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều
Lại tư võng cổ hồn đa kiệt
Dân mạng cao chi bán dĩ tiêu
Dịch:
Đồng lúa nghìn dặm đỏ như cháy
Vùng thôn quê vang tiếng kêu than
Non sông khắp giải đất này đang khô không khốc
Mà mưa móc hoàng thiên còn xa biền biệt
Màng lưới nha lại làm cho dân kiệt quệ nhiều
Dầu mỡ trong sinh mạng dân ta đã tiêu hao đến một nửa
Sức nặng của các câu thơ là ở chỗ: thái độ của người viết thật dũng cảm, một thái độ ngang nhiên đứng về phía những người dân lao động mà chỉ trích triều đình. Có được thái độ dũng cảm đó là nhờ Phi Khanh xuất thân từ con nhà thường dân, gần gũi với quần chúng lao động, và tinh thần đó cũng chính là được tiếp thu từ cái truyền thống của các lớp sĩ phu đi trước mà Chu Văn An với Thất trảm sớ nổi tiếng là một tiêu biểu.
Thời đại lịch sử của Phi Khanh và cái xã hội hỗn loạn mà ông đang sống đã không thể nào mở ra được cho ông một con đường đi và ông phải sống giữa bao nhiêu trái ngang của cuộc đời. Cuối cùng Phi Khanh đã chọn con đường về ở ẩn (đây là hạn chế của rất nhiều các sĩ phu ở thế kỷ XIV).
Nhà Trần sụp đổ, Hồ Quý Ly lên ngôi có một số cải cách xã hội tiến bộ. Phi Khanh ra làm quan, dốc hết tài năng và sức lực của mình cho sự nghiệp triều chính. Nhưng nhà Hồ tồn tại chưa được bao lâu thì nạn ngoại xâm đã xảy ra. Phi Khanh đem tài trí của mình ra giúp nước. Do những hạn chế lịch sử nhất định nên cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của nhà Hồ đã thất bại. Nhưng con người Nguyễn Phi Khanh cho đến phút cuối cùng vẫn gắn liền với vận mệnh đất nước. Trong hoàn cảnh bi thương đó, nghĩ đến nghĩa nước, tình nhà, ông thốt lên:
Lục dật tự thân thiên lý cách
Lưỡng niên khấu loạn nhất thân tồn
Phong trần thế lộ không tao phát
Yên chướng lâm man chỉ đoạn hồn
Mạn hữu thốn hoài lao cảnh cảnh
Dạ y Ngưu, Đẩu vọng trung nguyên
Dịch:
Sáu chục từ thân nghìn dặm cách
Hai năm giặc giã tấm thân còn
Phong trần dầu dãi bơ phờ tóc
Rừng núi âm u khắc khoải hồn
Tấc dạ tơ vò mòn mỏi mãi
Đêm nương Ngưu, Đẩu ngóng trung nguyên.
Đây cũng chính là lời “tuyệt mệnh” của một con người hết lòng nhớ đến nước đến dân, một lời than thở tuy bi quan nhưng không tuyệt vọng. Thơ văn của Nguyễn Phi Khanh dù không còn được nhiều, nhưng những phần còn lại là một di sản tinh thần quý giá. Có thể nói ông là một trong những ngôi sao sáng của bầu trời văn học Việt Nam thời trung đại.
(Tổng hợp)