Để các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp phát triển. Bài 1: Mô hình nào phù hợp?
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:48, 10/06/2017
Trên bình diện cả nước cũng như tỉnh Hải Dương hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang tồn tại một số loại hình tổ chức sản xuất chính, nhưng đều đang gặp khó khăn.
Kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ không còn phù hợp với yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Các MH tổ chức sản xuất đang tồn tại
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương chủ yếu tồn tại ba MH tổ chức trong sản xuất nông nghiệp:
MH sản xuất theo hộ gia đình: Là MH phổ biến hiện nay sau khi thực hiện giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân. Kinh tế hộ gia đình đã phát huy được những mặt tích cực, giải phóng sức sản xuất và làm cho sản xuất nông nghiệp đạt được những “kỳ tích” trong những năm vừa qua, nhưng tự nó đang gặp phải những khó khăn không thể bứt phá lên do quy mô kinh tế hộ quá nhỏ bé, bình quân diện tích canh tác một hộ chỉ từ 5 - 7 sào. Kinh tế hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp hiện nay không phù hợp với việc tổ chức nền sản xuất nông sản hàng hóa, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nông sản ngày càng hội nhập sâu với thế giới.
MH HTX dịch vụ: Trên địa bàn tỉnh hiện có vài trăm HTX dịch vụ nông nghiệp được chuyển đổi từ HTX cũ trước đây sang MH HTX dịch vụ. Qua nhiều năm dậm chân tại chỗ, các HTX loại này chỉ thực hiện được một vài dịch vụ như tưới tiêu, dự báo sâu bệnh, tổ chức diệt chuột, cung ứng vật tư nông nghiệp (ít HTX làm được), bao tiêu sản phẩm cho nông dân (càng ít HTX làm được).
Có thể khẳng định, MH HTX dịch vụ trong nông nghiệp hiện nay không phải là MH thích hợp cho phương thức sản xuất mới, bởi những lý do chủ yếu sau: Thứ nhất, tư duy bao cấp, trông chờ, ỷ lại còn tồn tại cả ở người xã viên và ở đội ngũ lãnh đạo HTX; năng lực, trình độ và trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo HTX không thể thực hiện được việc tổ chức các hoạt động cao hơn (như tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm...) ngoài các dịch vụ truyền thống như trên. Thứ hai, kiểu HTX cả làng, hộ nào cũng là xã viên, xã viên không góp vốn hoặc góp chỉ mang tính tượng trưng (30.000-50.000 đồng/hộ), dẫn đến không có vốn hoạt động. HTX không có tài sản, thậm chí không có trụ sở nên không thể vay vốn hoạt động.
MH trang trại, gia trại: Từ khi giao quyền sử dụng ruộng đất về cho hộ nông dân, cùng với MH kinh tế hộ gia đình, dần dần hình thành MH kinh tế trang trại trên cơ sở chuyển đổi, chuyển nhượng ruộng đất hoặc ở những vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thực chất vẫn là kinh tế hộ, nhưng quy mô có lớn hơn một chút. Đặc trưng chủ yếu của kinh tế trang trại là kết hợp sản xuất nông, lâm, thủy sản hoặc chăn nuôi - thủy sản; sản lượng hàng hóa quy mô lớn hơn kinh tế hộ; tập trung hóa, chuyên môn hóa các điều kiện và yếu tố sản xuất cao hơn so với kinh tế hộ; chủ trang trại có kiến thức, kinh nghiệm điều hành sản xuất, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng lao động gia đình và thuê lao động bên ngoài sản xuất có hiệu quả cao, có thu nhập vượt trội so với kinh tế hộ. Hải Dương hiện có trên 600 trang trại và trên 7.000 gia trại, nhưng quy mô cũng rất nhỏ, nên hạn chế đến việc mở rộng đầu tư của trang trại, khó tiếp cận được với các tổ chức tín dụng để vay vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Xuất hiện những MH tổ chức sản xuất mới
Trên bình diện cả nước đang xuất hiện những MH tổ chức sản xuất mới có khả năng đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông sản hàng hóa, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh tốt.
MH kinh tế hộ mở rộng quy mô đang xuất hiện ở một số nơi, cả ở tỉnh ta. Đó là hình thức những hộ nông dân có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, có khả năng đầu tư và lo được khâu tiêu thụ sản phẩm, tiến hành chuyển đổi, “gom” ruộng đất của những người không có nhu cầu hoặc không có khả năng tổ chức sản xuất để có một diện tích liền vùng, liền khoảnh với quy mô lớn. Nhưng MH này cũng đang gặp khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất vì nhiều lý do khác nhau.
MH liên kết, liên doanh với doanh nghiệp: Hộ nông dân, trang trại, gia trại có diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún không thể sản xuất hàng hoá lớn được. Chỉ có tập trung hay tích tụ ruộng đất mới thực hiện sản xuất lớn được, mới có điều kiện tiến hành cơ giới hóa để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, mới tiến hành thủy lợi hóa, điện khí hóa, sinh học hóa, thị trường hóa, áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Hiện nay đã có những MH liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp với HTX, với hộ nông dân, theo hình thức doanh nghiệp lo đầu tư vốn, cung cấp giống tốt, kỹ thuật, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, tiến hành chế biến và tiêu thụ hầu hết các sản phẩm làm ra. Hộ nông dân góp ruộng và ngày công lao động, quy hoạch “liền vùng, cùng trà, khác chủ” sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua chế biến và tiêu thụ. MH liên kết này hiện đang diễn ra rất sôi động ở nhiều nơi, nhiều vùng, nhiều dạng khác nhau.
MH HTX cổ phần (doanh nghiệp - HTX): Là HTX phát triển ở mức độ cao hơn, tự thân vận động, với nhu cầu hợp tác thật sự. Hộ nông dân là những cổ đông, họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tính cổ phần, ruộng đất vẫn thuộc về họ. Họ được chia cổ tức và nhận tiền công khi lao động cho HTX. MH này giải quyết được nhiều vấn đề lớn đang đặt ra ở khu vực nông thôn đó là tập trung (tích tụ) được ruộng đất để tiến hành sản xuất ra sản phẩm hàng hóa lớn, nâng cao được năng suất lao động, hạ giá thành, phù hợp cơ chế thị trường. Phù hợp với nguyện vọng của người nông dân là không bị mất đất. Bảo đảm ổn định lâu dài về tiêu thụ sản phẩm làm ra.
Việc thực hiện MH này yêu cầu phải quy hoạch lại vùng sản xuất, hoạch định sản xuất những sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi chính và tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Việc thực hiện dồn điền, đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới hiện nay đang là tiền đề để có thể thực hiện MH này.
MH doanh nghiệp nông nghiệp: Trên cơ sở tích tụ ruộng đất, doanh nghiệp thuê hoặc chuyển nhượng đất của nông dân để thực hiện các khâu từ tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Doanh nghiệp thuê lại lao động từ người nông dân có nhu cầu làm việc và được trả công (tiền lương). Như vậy, người nông dân sẽ có hai nguồn thu nhập, từ tiền cho thuê đất và tiền công tham gia lao động cho doanh nghiệp.
Loại MH tổ chức sản xuất này tuy mới, nhưng lại đang được người nông dân đón nhận, giải quyết được những vấn đề về tâm lý người nông dân hiện nay; phù hợp với tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà Chính phủ đang khuyến khích.
LƯƠNG ANH TẾ