Bình luận

Ông Trump đối mặt bài toán khó khi áp thuế 'khủng' 100% với đối tác của Nga

KT (Theo VOV) 16/07/2025 09:25

Tổng thống Donald Trump mới đây tuyên bố ông sẽ ủng hộ Ukraine mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong cuộc xung đột với Nga. Đồng thời, ông Trump đe dọa áp thuế 'khủng' 100% đối với tất cả các quốc gia vẫn tiếp tục mua bán với Nga.

Ong trump doi mat bai toan kho khi ap muc thue khung 100 voi doi tac cua nga hinh anh 1
Ông Trump gặp Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại phòng Bầu dục. Ảnh: Reuters

Hành động này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cách Nhà Trắng tiếp cận cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, sự chuyển hướng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro chính nước Mỹ.

Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại Phòng Bầu dục mới đây, ông Trump xác nhận Mỹ sẽ chuyển giao vũ khí cho Kiev thông qua NATO, đánh dấu một thay đổi chiến thuật quan trọng trong cách tiếp cận vấn đề Ukraine của Nhà Trắng. Đồng thời, ông đe dọa áp thuế quan thứ cấp 100% đối với tất cả các quốc gia vẫn tiếp tục mua bán với Nga, nếu Moscow không đạt được thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày.

Washington trước đó đã chuẩn bị một dự luật đề xuất mức thuế quan thứ cấp lên tới 500%, dự kiến được Quốc hội thông qua sau khi Tổng thống Mỹ phê duyệt. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, ông Trump đã lựa chọn hạ mức thuế xuống còn 100%, tức giảm đi 5 lần so với đề xuất ban đầu.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Dù không đề cập đến những biện pháp cụ thể như một số chuyên gia kỳ vọng, tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp đặt thuế quan thứ cấp đối với các quốc gia giao thương với Nga vẫn có thể tạo ra những tác động sâu sắc đến nền kinh tế Nga.

“Cho dù là 100% hay 500%, mức thuế này vẫn đủ để làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế với Nga. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng chính thức phát tín hiệu về một biện pháp cứng rắn như vậy – một đòn răn đe kinh tế mang tính toàn cầu”, tiến sĩ Plotnikov chia sẻ với RBC-Ukraine.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng quyết định gia hạn 50 ngày là một toan tính chiến thuật: Ông Trump đang trao cho người đồng cấp Nga Putin một cơ hội cuối cùng để thể hiện thiện chí hòa bình.

Cựu cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Oleh Ustenko, thậm chí nhấn mạnh rằng tuy chỉ là lời đe dọa, nhưng hiệu ứng của tuyên bố này đã mang tính chất trừng phạt về mặt kinh tế cũng như chính trị.

“Ngay cả khi chưa áp dụng, tuyên bố này đã khiến thị trường tài chính Nga trở nên chao đảo. Thị trường chứng khoán sẽ phản ứng đầu tiên, tiếp đó là làn sóng bán tháo cổ phiếu của các tập đoàn lớn. Triển vọng kinh tế xấu đi, lạm phát cao sẽ buộc Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất, tạo thêm áp lực lên doanh nghiệp và người dân”, ông Ustenko nói.

Theo ông Ustenko, động thái này của ông Trump khiến Điện Kremlin lâm vào trạng thái bất ổn. Không ai ở Moscow có thể chắc chắn rằng Nhà Trắng sẽ hành động đến mức nào, hay liệu Tổng thống Mỹ có đẩy sự việc đi xa đến mức thực thi toàn bộ gói trừng phạt hay không. Chính sự khó đoán này mới là điều đáng sợ.

“Với mức thuế 100%, thì việc tăng lên 500% cũng không còn nhiều ý nghĩa nữa. Tác động đã là rất lớn. Điều quan trọng là không phải con số, mà là tín hiệu chính trị và áp lực kinh tế nó gửi đi”, ông khẳng định.

Tuyên bố của ông Trump không chỉ gây áp lực lên Moscow, mà còn giáng đòn trực tiếp vào các đối tác thương mại chính của Nga – đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Theo ông Ustenko, trong vòng 50 ngày tới, các quốc gia này sẽ gấp rút ký kết càng nhiều hợp đồng càng tốt trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.

“Chúng ta sẽ chứng kiến một đợt mua hàng ồ ạt của Trung Quốc – dầu, khí đốt, khoáng sản – với mức chiết khấu sâu. Họ đang tận dụng triệt để lợi thế mặc cả trong một thị trường bất ổn, hành động đúng kiểu 'tranh thủ trước khi cửa hàng đóng cửa”, chuyên gia này nhận định,

Tương tự, Ấn Độ và Brazil cũng sẽ tìm cách gia tăng nhập khẩu từ Nga trong ngắn hạn, sao cho đến thời điểm tháng 9/2025, sự phụ thuộc thương mại đã giảm xuống đáng kể, giúp họ tránh được rủi ro bị vạ lây từ chính sách trừng phạt của Mỹ.

Ông Ustenko dự đoán chính quyền Nga sẽ cố gắng duy trì vẻ ngoài “kiểm soát được tình hình”, bằng cách tuyên bố rằng lệnh trừng phạt không gây ảnh hưởng đáng kể, và Nga vẫn còn “bạn bè”. Tuy nhiên, bên trong, những dấu hiệu bất ổn sẽ ngày càng rõ rệt.

Nga có lẽ phải tăng cường nhập khẩu hàng hóa thiết yếu phục vụ cho tổ hợp công nghiệp – quân sự, nhưng điều này cũng sẽ vô cùng khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Bài toán khó nhằn

trump-putin.png
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tỏng thống Nga Vladimir Putin

Tuy nhiên, Nga không phải là bên duy nhất gặp khó nếu Mỹ hiện thực hóa tuyên bố trừng phạt lần này, trong bối cảnh nội bộ Mỹ vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao nhất trong cách tiếp cận vấn đề Ukraine.

Hiện tại, ông Trump đang chịu áp lực lớn sau những chỉ trích gay gắt liên quan đến cách chính quyền ông xử lý các rắc rối pháp lý liên quan đến tỷ phú Jeffrey Epstein – người bị cáo buộc mua dâm hàng loạt trẻ vị thành niên từ năm 2002 đến 2005. Trong khi đó, phong trào MAGA (Make America Great Again – tạm dịch: Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) do ông dẫn dắt ngày càng xa rời quan điểm ủng hộ Ukraine.

Dữ liệu khảo sát gần đây cho thấy thái độ của đảng viên Cộng hòa vẫn còn phân hóa rõ rệt. Một cuộc thăm dò vào tháng 3/2025 của Trường Luật Đại học Marquette cho thấy 59% đảng viên Cộng hòa cho rằng Mỹ đang làm “quá nhiều” để giúp Ukraine. Gallup cũng ghi nhận tỷ lệ tương tự là 56%. Chỉ 1 trong 10 đảng viên Cộng hòa muốn Mỹ can thiệp nhiều hơn vào cuộc xung đột hiện tại.

Cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos cũng cho thấy 63% đảng viên Cộng hòa phản đối tiếp tục viện trợ vũ khí và tài chính cho Ukraine. Một trong những lý do chính là vì họ không tin rằng lợi ích chiến lược của Mỹ nằm ở Đông Âu. Chỉ 25% cử tri Cộng hòa được Pew khảo sát cho biết họ “rất lo ngại” nếu Ukraine thất bại trước Nga và chỉ 29% lo ngại Nga sẽ tiếp tục mở rộng chiến sự vượt ra ngoài biên giới với Ukraine.

Dù vậy, những con số này cũng tiết lộ điều một thực tế quan trọng: phần lớn sự phản đối không mang tính tuyệt đối. Chỉ 17% đảng viên Cộng hòa “hoàn toàn” đồng ý rằng Mỹ không nên can dự vào Ukraine; và chỉ 27% phản đối “mạnh mẽ” việc viện trợ. Nghĩa là phần lớn cử tri MAGA vẫn còn có thể đổi ý, nếu người dẫn dắt họ chính là Tổng thống Trump thay đổi lập trường.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham gọi đây là “bước ngoặt” và khẳng định rằng “trò chơi” của Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp bị đổi luật. Hạn chót 50 ngày, dài hơn so với tuyên bố “hai tuần” mà nhà lãnh đạo Mỹ từng đưa ra vào đầu mùa hè, thể hiện lập trường khác biệt hẳn so với cách ông duy trì quan hệ với Moscow suốt nhiều năm qua.

Về phần mình, ông Trump dường như đã từ bỏ kỳ vọng rằng ông Putin sẽ nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán. Tuần trước, Tổng thống Mỹ bất ngờ lên tiếng chỉ trích người đồng cấp Nga, đồng thời lên án các cuộc không kích liên tục của Nga nhắm vào Ukraine trong thời gian gần đây.

Một số người chỉ trích ông cho rằng Tổng thống Trump đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều này. Tuy nhiên, lập luận rằng “ông Trump đã cho ông Putin cơ hội, nhưng không được đáp lại” có thể là lý lẽ hiệu quả nhất mà nhà lãnh đạo Mỹ dùng để thuyết phục phe đối lập quay đầu.

Quả thật, vẫn có một sự hoài nghi âm ỉ về thiện chí hòa bình của Nga ngay trong chính nội bộ đảng Cộng hòa. Khảo sát của Pew cho thấy chỉ 27% cử tri Cộng hòa tin rằng ông Putin thực sự cam kết với hòa bình lâu dài. Gần một nửa (48%) lo ngại một thỏa thuận hòa bình sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Nga và 69% không tin Nga sẽ tuân thủ các điều khoản hòa bình.

Tuy nhiên, không giống như vụ Iran – khi mà việc Mỹ tấn công đáp trả nhanh chóng và đứng về phía Israel mang lại sự thống nhất cao trong nội bộ MAGA, vấn đề Ukraine lại phức tạp hơn nhiều. Do đó, nếu Tổng thống Trump thực sự chọn đứng về phía Kiev, ông sẽ phải đối mặt với một bài toàn khó: thuyết phục những người ủng hộ rằng đây chính là điều họ đã lựa chọn trao lá phiếu. Với ông Trump – người từng nhiều lần xoay chuyển dư luận trong chớp mắt, bài toán khó nhằn này vẫn có thể mở ra một lối thoát cho thế bế tắc ở Ukraine hiện nay.

KT (Theo VOV)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Trump đối mặt bài toán khó khi áp  thuế 'khủng' 100% với đối tác của Nga