Ở Việt Nam, người hùng không cần danh hiệu. Trong những khoảnh khắc sinh tử, họ sẵn sàng hành động vì người khác mà không nghĩ suy.
Những ngày qua, câu chuyện về anh Trần Văn Nam, chàng trai trẻ 28 tuổi ở xã Tuệ Tĩnh (TP Hải Phòng) dũng cảm cứu một cháu bé trước mũi tàu hoả đang được lan truyền khắp các trang báo, mạng xã hội.
Chiều 9/7, anh phát hiện một cháu bé đang dắt xe đạp đứng ngay gần đường ray khi đoàn tàu đang lao đến với tốc độ cao. Không một giây do dự, anh Nam nhảy khỏi xe, lao nhanh đến kéo cháu bé thoát chết trong gang tấc. Tất cả hành động ấy chỉ diễn ra trong vài giây ngắn ngủi nhưng đã cứu sống cả một mạng người. Khi được hỏi vì sao lại liều mình như vậy, anh trả lời đơn giản: “Lúc ấy chỉ nghĩ là cứu người, không kịp suy nghĩ gì khác”.
Chỉ vài ngày trước đó thôi, anh Trần Văn Nghĩa ở Gia Lai đã nhanh trí và dũng cảm dùng máy bay không người lái cứu được 2 trẻ em giữa dòng nước lũ chảy xiết. Ý tưởng thông minh, quyết định nhanh chóng và tấm lòng của anh Nghĩa đã cứu sống 2 em nhỏ. Anh cũng không đợi nhận bằng khen hay một lời vinh danh. Đối với anh, đó chỉ là điều đúng đắn cần làm. Sau vụ việc, các em nhỏ đều an toàn, sức khỏe ổn định. Người dân địa phương không ngớt lời khen ngợi, còn cộng đồng mạng thì gọi anh Nghĩa là "người hùng".
Từ Nam chí Bắc, từ những miền quê xa xôi đến các đô thị phồn hoa, hình ảnh những người hùng thầm lặng vẫn lặng lẽ xuất hiện mỗi ngày. Đó là một cô giáo ở Ninh Bình lao xuống dòng nước xiết cứu người, một lái xe taxi dừng xe giữa cao tốc để đưa nạn nhân tai nạn đi cấp cứu... Tất cả họ, trong khoảnh khắc đối mặt với hiểm nguy, đều lựa chọn hành động ngay để cứu người.
Nhiều người ví von rằng, người hùng là những ai có thể vượt qua nỗi sợ bản thân để cứu người khác. Ở Việt Nam, những “người hùng thầm lặng” ấy không cần ánh hào quang, họ có trái tim đủ ấm và đôi mắt không ngoảnh đi khi thấy người khác gặp nạn. Trong họ, tinh thần nghĩa hiệp là phản xạ tự nhiên từ tâm hồn nhân hậu.
Họ có thể là ai đó ta vô tình gặp trên đường nhưng trong thời khắc quyết định, họ trở thành vị cứu tinh. Và sau hành động phi thường ấy, họ lại quay về với cuộc sống bình thường, tiếp tục làm những công việc thầm lặng không ai nhớ tên. Nhưng họ đã gieo những hạt giống yêu thương, truyền cảm hứng, đánh thức thiện lương trong xã hội.
Người ta thường nói “ở Việt Nam, ra ngõ gặp người hùng”. Đó là hiện thực thời chiến. Nhưng còn cao hơn thế, đó là văn hoá bền chặt, là truyền thống tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, lòng yêu nước thương dân đã trở thành một dòng chảy xuyên suốt bao thế hệ người Việt.
Lòng tốt, sự tử tế được nuôi dưỡng qua những câu chuyện cổ tích, qua lời ru của mẹ, qua những bài học lịch sử, đạo đức trên ghế nhà trường. Từ trong sâu thẳm, mỗi người dân Việt đều mang trong mình một tấm lòng thiện lương, chỉ cần đúng lúc, đúng nơi, nó sẽ trỗi dậy đầy mạnh mẽ.
Muốn trở nên vĩ đại, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Mỗi hành động đẹp, mỗi nghĩa cử cao cả, dù là rất nhỏ, đều góp phần làm nên một xã hội đáng sống hơn. Bởi đôi khi điều khiến một xã hội trở nên vĩ đại không phải là những kỳ tích lớn lao, mà là hàng triệu hành động tử tế được lặp lại mỗi ngày từ những con người thầm lặng.
“Ở Việt Nam, ra ngõ gặp người hùng”, không phải bởi đất nước này có nhiều phép màu, mà bởi trong mỗi con người Việt Nam, lòng tốt vẫn đang hàng ngày được nuôi dưỡng, gìn giữ. Và chính điều đó đã làm nên một Việt Nam đầy yêu thương, hy vọng. Một Việt Nam mà mỗi người dân đều có thể trở thành người hùng, không phải bằng sức mạnh siêu nhiên, mà bằng chính trái tim nhân hậu và đôi tay sẵn sàng hành động.
PHƯƠNG LÂM