Niềm tự hào về bản Tuyên ngôn bất hủ

02/09/2014 06:09

Dù cho năm tháng qua đi, nhưng tinh thần của Tuyên ngôn độc lập 2-9 vẫn đời đời bất diệt trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.


Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã đi vào lịch sử và sống mãi với thời gian như một áng thiên cổ hùng văn tiếp nối liền mạch với những âm hưởng hào sảng của Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ...




Quang cảnh Quảng trường Ba Đình ngày tuyên bố độc lập 2-9-1945


Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ta đã vùng dậy, lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc và phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng do nhân dân làm chủ trong cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi cùng với bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Với trí tuệ và sự sáng tạo tuyệt vời, trong bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu quyền của mỗi dân tộc được hưởng độc lập, tự do. Người đã dùng chính khẩu hiệu “tự do - bình đẳng - bác ái” mà kẻ thù đang lợi dụng trong công cuộc “khai hóa văn minh” ở Việt Nam cũng như ở các nước thuộc địa để khẳng định quyền thiêng liêng của dân tộc mình. Mở đầu Tuyên ngôn, Người viết: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Từ tuyên bố bất hủ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy rộng ra, câu ấy có nghĩa “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ quyền của mọi người trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Người đi đến khẳng định quyền của mỗi dân tộc là hoàn toàn đúng đắn cả trong nhận thức và hiện thực lịch sử; coi quyền dân tộc là điều cơ bản có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện quyền con người. Tiếp đến, là một câu dẫn luận trích từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của nước Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Bằng cách viết khéo léo, kiên quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa trân trọng những câu nói bất hủ của người Pháp, người Mỹ, vừa kiên quyết nhắc nhở họ đừng có phản bội tổ tiên mình, đừng làm vấy bùn lên lá cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng vĩ đại của nước Pháp, nước Mỹ mà nhân dân hai nước đã đổ bao xương máu viết nên, nếu nhất định tiến quân xâm lược Việt Nam. Người đề cao tư tưởng chính trị chứa đựng trong những lời trích dẫn được ghi bằng chữ vàng trong lịch sử không chỉ của nước Mỹ, nước Pháp mà của toàn nhân loại.

Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 đã tập trung vạch trần tội ác của thực dân Pháp trong hơn 80 năm cai trị nước ta. Kể riêng trong 5 năm, Pháp đã hai lần bán nước ta cho Nhật. Trong lúc đó, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau những lời lên án mạnh mẽ đó, ta đã tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam, kêu gọi toàn dân đoàn kết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Bản Tuyên ngôn trở thành một văn kiện chính trị - pháp lý và thấm nhuần sâu sắc các giá trị nhân văn của thời đại mới đề cao dân chủ và tự do, công bằng và bình đẳng xã hội. Đi vào lịch sử và sống mãi với thời gian, Tuyên ngôn độc lập gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, với ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bản Tuyên ngôn ấy thực sự là Tuyên ngôn lập quốc, tuyên ngôn dựng nước của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại. Nó kế thừa truyền thống anh hùng, bất khuất của ông cha ta qua mọi triều đại, nó tiếp nối và phát triển sức sống mãnh liệt, giá trị và bản sắc văn hóa cũng như bản lĩnh chính trị của dân tộc ta qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để làm thăng hoa trí tuệ và tâm hồn Việt Nam, chân lý và đạo lý Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập tự do, trong thời đại mới mang tên thời đại Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Do vậy, ngay trong bản Tuyên ngôn, Người muốn nhấn mạnh: nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập, tự do và có quyền được hưởng nền độc lập, tự do; việc thừa nhận nền độc lập, tự do ấy cũng như việc không nước nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của dân tộc Việt Nam là lẽ hiển nhiên, theo đúng tinh thần Hiến chương San Francisco mà chính các nước này đã ghi nhận. Kết thúc bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay lời của hàng triệu đồng bào Việt Nam, hùng hồn tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Tuyên ngôn độc lập mang tinh thần cách mạng triệt để, thấm đượm một triết lý phát triển, đồng thời là thông điệp phát triển của Việt Nam trong thời đại mới. Đó là một áng thiên cổ hùng văn tiếp nối liền mạch với các áng thiên cổ hùng văn trước đó của ông cha ta với những âm hưởng hào sảng của Lý Thường Kiệt, dũng khí mãnh liệt của Trần Quốc Tuấn, trí tuệ và nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, trù tính định liệu việc lớn để an dân trị quốc của Nguyễn Huệ - Quang Trung. 69 năm qua, với tư cách người chủ thực sự của đất nước, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đã lập nên những chiến công hiển hách trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

Tổ quốc Việt Nam hôm nay đã có vị thế mới, sức mạnh mới, đồng thời cũng tự hào là Nhà nước của nhân dân, song, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong bộ máy Nhà nước vẫn còn có bộ phận chưa làm tròn trách nhiệm với nhân dân; có cá nhân chưa thực sự là công bộc của dân, vẫn hách dịch, nhũng nhiễu nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, để giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam thực sự hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới, càng phải chăm lo xây dựng Nhà nước pháp quyền, nâng cao năng lực điều hành, quản lý Nhà nước theo pháp luật, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền Nhà nước trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ thực sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy Nhà nước; chăm lo, phục vụ nhân dân và bảo đảm lợi ích chính đáng của mọi người dân.

Thời gian gần đây, hằng ngày chúng ta đều dõi theo từng hơi thở của Tổ quốc, đó là cuộc sống của chiến sĩ và đồng bào ta giữa Biển Đông xa xôi và các vùng biên cương hẻo lánh; bữa ăn, việc làm, học hành của từng gia đình khi kinh tế suy giảm, giá cả ngày càng tăng… Mỗi người, ai cũng đều muốn làm một việc gì đó vì sự vững bền và phát triển của đất nước, một việc làm thiết thực ích nước, lợi dân… hơn vạn lần những lời nói suông đao to, búa lớn.

Kỷ niệm 69 năm Ngày Quốc khánh 2-9, những người dân đất Việt “Con Lạc cháu Hồng”, dù đang ở trong nước hoặc ở xa Tổ quốc, chắc chắn không khỏi xúc động bồi hồi khi nhớ về những năm tháng hào hùng và sôi sục khí thế của những ngày đầu cách mạng. Chúng ta sẽ không thể nào quên những giây phút lịch sử của ngày 2-9-1945, khi bản “Tuyên ngôn độc lập” vang lên trên Quảng trường Ba Đình - lịch sử dân tộc ta đã sang trang mới, từng bước tạo ra thế và lực mới, vững chắc trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế; mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân nguyện tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Dù cho năm tháng qua đi, nhưng tinh thần của Tuyên ngôn độc lập 2-9 vẫn đời đời bất diệt trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.

NGUYỄN THANH HOÀNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm tự hào về bản Tuyên ngôn bất hủ