Nghị định số 70 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các hộ kinh doanh về tính chuyên nghiệp trong hoạt động.
Cầu nối thực thi chính sách
Theo Bộ Tài chính, cả nước hiện có trên 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo hàng triệu việc làm, hoạt động đa dạng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Đây là khu vực kinh tế sôi động, linh hoạt nhưng phần lớn thiếu mô hình quản lý chuyên nghiệp.
Nhằm thúc đẩy quản lý thuế hiệu quả, từ ngày 1/6/2025, Nghị định 70/2025/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ) có hiệu lực. Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.
Đây không chỉ là một bước đi quyết liệt trong công cuộc số hóa hoạt động quản lý thuế mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các hộ kinh doanh cá thể về tính minh bạch, chuyên nghiệp trong vận hành. Nhiều hộ, cá nhân kinh doanh lần đầu tiếp cận với khái niệm hóa đơn điện tử, chữ ký số hay máy tính tiền tích hợp.
Trước thực tiễn đó, nhiều ngân hàng đã phối hợp cùng cơ quan thuế tổ chức các chương trình truyền thông, tập huấn cho hàng trăm hộ kinh doanh về hóa đơn điện tử và kê khai thuế trực tuyến. Qua đó giúp các chủ hộ kinh doanh hiểu rõ các nội dung trọng tâm như đối tượng áp dụng, quy trình triển khai, hướng dẫn dừng sử dụng hóa đơn điện tử khi ngừng hoạt động và xử phạt khi vi phạm.
Những thông tin liên quan đến các chính sách ưu đãi mới về thuế như miễn thuế môn bài và không áp thuế đối với hộ có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm từ năm 2026 cũng được truyền tải rõ ràng, góp phần tạo động lực khuyến khích các hộ đăng ký kinh doanh chính thức, tiếp cận thị trường một cách bài bản và an toàn hơn.
Ông Vũ Đăng Khoa, Phó Trưởng Thuế cơ sở 9 TP Hải Phòng cho rằng ngân hàng đã khẳng định vai trò cầu nối quan trọng khi phối hợp cùng cơ quan thuế phổ biến chính sách, pháp luật về thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh. Cơ quan thuế có thêm kênh tuyên truyền tới hộ, cá nhân kinh doanh. Ứng dụng kê khai thuế đã kết nối với ngân hàng, giúp hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận sản phẩm phù hợp.
Việc ngân hàng tham gia truyền thông chính sách thuế thể hiện rõ vai trò trung gian chiến lược, nơi kết nối giữa hộ kinh doanh, cơ quan thuế với cơ sở dữ liệu số. Nhiều ngân hàng đã xây dựng giải pháp trọn gói để hộ kinh doanh “chuyển đổi số một chạm”.
Những gói giải pháp này gồm nhiều công cụ thiết thực như mở tài khoản miễn phí, tích hợp thanh toán điện tử, kết nối với phần mềm bán hàng như KiotViet; đăng ký và phát hành hóa đơn điện tử; hỗ trợ kê khai và nộp thuế điện tử; quản lý dòng tiền và nhận thông báo biến động số dư tài khoản Voice OTT (thông báo số dư tài khoản bằng giọng nói).
Tiếp sức tài chính
Để đồng hành cùng các hộ, cá nhân kinh doanh, ngoài những sản phẩm nói trên, nhiều ngân hàng như Vietcombank Hải Dương, VietinBank Hải Dương, BIDV Thành Đông, Bắc Á Hải Dương, Sacombank Hải Dương… đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất.
Các cá nhân kinh doanh như tiểu thương chợ, chủ shop, tiệm tạp hóa, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 4,6%/năm với các khoản vay ngắn hạn, cố định trong thời gian nhận nợ; khoản vay trung, dài hạn có lãi suất từ 6,3%/năm.
Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thanh sở hữu siêu thị điện máy Thanh Thịnh ở xã Nam Sách, TP Hải Phòng (trước đây là thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cho rằng bên cạnh yêu cầu phải chuyên nghiệp trong hóa đơn, chứng từ, nguồn vốn vay ngân hàng cũng là khó khăn đối với những mô hình kinh doanh hộ gia đình.
“Muốn mở rộng kinh doanh thì phải có vốn. Hộ kinh doanh thường yếu hơn doanh nghiệp ở nhiều mặt, từ các kế hoạch tiếp thị, mở rộng thị trường cho đến tìm kiếm đối tác. Vì vậy, tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ từ ngân hàng là điều rất cần thiết cho hộ kinh doanh như chúng tôi”, chị Thanh cho biết.
Anh Hoàng Xuân Trường, Trưởng Phòng Khách hàng bán lẻ Vietcombank Hải Dương khẳng định ngân hàng sẽ mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất dành cho các hộ, cá nhân kinh doanh. Bên cạnh nhóm khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng xác định hộ kinh doanh là nhóm khách hàng chiến lược.
Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cung cấp như bộ giải pháp VCB Digishop cung cấp từ giao dịch ngân hàng, quản lý bán hàng, phát hành hóa đơn điện tử cho đến thanh toán thuế và tiếp cận vốn. “Những sản phẩm này không chỉ đơn thuần là gói dịch vụ mà là cầu nối để hộ kinh doanh bước vào hệ sinh thái số, vận hành minh bạch hơn, và có khả năng tiếp cận tín dụng một cách thuận tiện”, anh Trường chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh hiện vẫn hoạt động tự phát, thiếu chứng từ, sổ sách ghi chép, dẫn đến việc “trắng dữ liệu” khi ngân hàng xét duyệt vay. Thói quen dùng tiền mặt còn phổ biến, ngại công nghệ, sợ ràng buộc thuế khiến không ít hộ chần chừ với hóa đơn điện tử và phần mềm bán hàng.
Về lâu dài, việc ngân hàng đồng hành cùng hộ kinh doanh cần nhân rộng hơn nhất là trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh. Hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ nếu được hỗ trợ đúng cách sẽ trở thành lực lượng doanh nhân mới, năng động, minh bạch, có khả năng mở rộng và phát triển bền vững.
HÀ KIÊN