GDP Trung Quốc tăng hơn 5% trong quý II, bất chấp căng thẳng thương mại với Mỹ và nhu cầu nội địa còn yếu.
Ngày 15/7, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc thông báo GDP quý II nước này tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này chậm hơn quý I (5,4%), nhưng cao hơn dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Reuters (5,1%).
Trong tháng 6, doanh số bán lẻ chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 2% so với tháng trước đó. Sản lượng công nghiệp tăng 6,8%, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị 5%.
Tính chung nửa đầu năm, đầu tư vào tài sản cố định tăng 2,8%, thấp hơn dự báo.
Zhiwei Zhang - nhà kinh tế học tại Pinpoint Asset Management cho rằng GDP tăng trưởng trên 5% chủ yếu nhờ xuất khẩu. Vài tháng qua, các doanh nghiệp nước ngoài đẩy nhanh mua hàng Trung Quốc trước khi thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh.
Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chịu nhiều thách thức cả trong và ngoài nước. Nhu cầu nội địa yếu, khủng hoảng bất động sản kéo dài và căng thẳng thương mại với Mỹ gây sức ép lên tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Năm nay, giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu GDP tăng quanh 5%, tương đương năm ngoái. Hồi tháng 5, Bắc Kinh công bố hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong đó có giảm lãi suất cho vay và gói vay lãi suất thấp cho các hoạt động liên quan đến tiêu dùng và chăm sóc người cao tuổi. Những chính sách này nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn dựa nhiều vào xuất khẩu.
Căng thẳng thương mại với Mỹ cũng gây sức ép lên Trung Quốc. Hồi tháng 4, Mỹ có thời điểm áp thuế nhập khẩu lên tới 145% với hàng Trung Quốc.
Một tháng sau, hai bên thống nhất trong 90 ngày, thuế này sẽ giảm từ 145% xuống 30%. Tương tự, hàng Mỹ vào Trung Quốc được giảm thuế về 10%, từ mức 125%. Các rào cản phi thuế quan sẽ được gỡ bỏ. Sau cuộc đàm phán lần 2 ở London đầu tháng trước, hai nước đạt thỏa thuận khung, hướng tới thỏa thuận thương mại bền vững hơn. Hạn chót hiện tại cho việc này là ngày 12/8.
Đến nay, một số lĩnh vực của nền kinh tế đã khởi sắc. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này là 49,7 điểm trong tháng 6, cao hơn so với hai tháng trước đó.
Xuất khẩu cũng sôi động, khi tăng 5,8% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu sang Đông Nam Á tăng 16,8%, EU là 7,6%, .
Tuần trước, cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Huang Yiping cho biết giới chức cần tung thêm 1.500 tỷ nhân dân tệ kích thích tài khóa, để thúc đẩy chi tiêu của các hộ gia đình và bù đắp ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu của Mỹ. Ông cũng cho rằng Bắc Kinh cần giảm lãi suất hơn nữa.
VN (theo VnExpress)