Nếu thu hút được doanh nhân tham gia vào bộ máy công quyền, khai thác được thế mạnh thì có thể là chất xúc tác mạnh mẽ giúp nền kinh tế phát triển hơn nữa.
Sáng 24/6 vừa qua, Quốc hội chính thức thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Lần đầu tiên trong luật, công chức lãnh đạo, quản lý có thể là những người “ngoại đạo". Họ là những chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân tiêu biểu, được mời tham gia vào bộ máy công quyền thông qua ký hợp đồng.
Có thể thấy đây là một bước ngoặt. Trước đây, trong bộ máy hành chính nhà nước, đội ngũ doanh nhân dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Họ là đối tượng phục vụ trong thực hiện các thủ tục hành chính. Họ chưa từng là "người trong cuộc" trực tiếp hoạch định, điều hành chính sách trong bộ máy nhà nước.
Luật mới cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng có thời hạn với người có trình độ, năng lực đặc biệt, bao gồm cả doanh nhân. Họ có thể được bổ nhiệm vào vị trí công chức lãnh đạo, quản lý. Nghĩa là một CEO có thể trở thành giám đốc, phó giám đốc sở, một nhà sáng lập doanh nghiệp công nghệ có thể giữ vị trí trưởng phòng trong cơ quan quản lý nhà nước nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn tuyển dụng.
Trong bối cảnh Hải Dương và Hải Phòng đã hợp nhất thì chính sách này sẽ mở hướng mới cho sự phát triển của một thành phố năng động, giàu tiềm năng.
Thành phố mới đang sở hữu nhiều lợi thế đặc biệt với hệ sinh thái cảng biển, trung tâm logistics, vùng sản xuất nông nghiệp lớn, các khu công nghiệp phát triển và cộng đồng doanh nhân đông đảo, giàu kinh nghiệm. Đây là nguồn nhân lực đáng quý nếu được mời gọi đúng cách.
Câu hỏi đặt ra, liệu những doanh nhân vốn quen điều hành doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh khốc liệt có thể làm tốt vai trò công chức? Ngược lại, liệu bộ máy công quyền hiện nay có đủ mở để tiếp nhận những con người trong khu vực kinh tế tư nhân vào hàng ngũ điều hành?
Một doanh nhân giỏi không chỉ biết kiếm tiền. Họ biết tổ chức, quản trị, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Họ hiểu quy luật thị trường, hiểu nhu cầu xã hội, nhanh nhạy trước biến động của nền kinh tế. Đó là những phẩm chất mà bộ máy công quyền đang rất cần, nhất là trong bối cảnh thành phố hợp nhất phải giải quyết khối lượng công việc đồ sộ về cải cách hạ tầng số, hiện đại hóa hành chính, điều tiết đầu tư công và phát triển kinh tế ở cả đô thị và các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, giữa mong muốn và hiện thực là khoảng cách không nhỏ. Một doanh nhân dù tài năng nhưng khi bước vào bộ máy chính quyền phải học cách làm việc tuân thủ quy trình hành chính, chịu sự giám sát từ cơ quan dân cử và công luận.
Vấn đề quan trọng là phải có cơ chế lựa chọn công khai, minh bạch. Ai sẽ là người được mời? Làm việc trong thời gian bao lâu? Tiêu chí nào là đủ? Họ có còn điều hành doanh nghiệp riêng không? Trách nhiệm và quyền hạn của họ có thực chất không? Nếu chỉ ký hợp đồng nhưng không để họ có "đất dụng võ" thì không những lãng phí mà còn tạo ra tâm lý nghi ngờ trong xã hội. Ngược lại, nếu để họ lợi dụng công quyền cho doanh nghiệp của mình thì hậu quả thế nào?...
Hải Phòng đang đứng trước khát vọng phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu của châu Á; trở thành một thành phố cảng biển quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ tầm cỡ quốc tế.
Nếu thu hút được doanh nhân tham gia vào bộ máy công quyền, khai thác được thế mạnh của họ, giúp họ thể hiện được đúng vai trò của mình thì có thể là chất xúc tác mạnh mẽ giúp nền kinh tế TP Hải Phòng mới phát triển.
Câu chuyện không nằm ở việc nên hay không mời doanh nhân vào bộ máy công quyền mà là chúng ta có đủ dũng khí và minh bạch để chọn đúng người, trao đúng quyền, giám sát đúng cách hay không. Luật mới mở ra một cánh cửa. Nhưng cánh cửa đó có thành lối đi hay không còn phụ thuộc vào người mở và cả người bước vào.
BẢO ANH