Trong thời đại số, ngày càng có nhiều người cao tuổi chủ động tiếp cận và sử dụng công nghệ.
Việc làm quen với thiết bị thông minh giúp họ kết nối với cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thêm nhiều kiến thức mới
Ngày nay, nhiều người cao tuổi không còn e ngại công nghệ mà chủ động học hỏi để thích nghi với cuộc sống hiện đại. Việc sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội giúp họ tiếp cận thông tin nhanh chóng và thuận tiện hơn. Đây không chỉ là cách cập nhật kiến thức mới mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần.
Ở tuổi 90, cụ Bùi Thị Loan ở thôn Hậu Bổng, xã Trường Tân (xã Quang Đức cũ) là điển hình cho sự thay đổi tích cực này. Khác với những người cao tuổi khác, cụ Loan vẫn giữ được đôi mắt tinh tường cùng thái độ lạc quan, yêu đời. Cụ không chỉ ham mê đọc sách, báo mà còn sử dụng thành thạo điện thoại thông minh.
“Điện thoại thông minh giúp tôi kết nối với con cháu và tiếp cận thông tin nhanh hơn, cuộc sống vì thế cũng thêm vui vẻ, ý nghĩa”, cụ Loan chia sẻ.
Qua việc học hỏi và ứng dụng công nghệ, cụ Loan có thêm nhiều kiến thức về các lĩnh vực khác nhau, từ y tế đến văn hóa, xã hội. Các thông tin thời sự trong nước và quốc tế cũng được cụ cập nhật thường xuyên.
Dù đã ở tuổi 70 nhưng ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức cũng không bị lép vế trong cuộc đua ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Hợp tác xã của ông Thư là một trong những đơn vị đi đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Một trong những sáng tạo nổi bật của ông là mô hình nhà màng, nhà lưới kết hợp công nghệ tưới nước tiết kiệm và đèn bắt côn trùng. Các phương pháp này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn nâng cao hiệu quả công việc, bảo vệ môi trường.
Không dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, ông Thư còn biết tận dụng các công cụ mạng xã hội để quảng bá và bán sản phẩm. Việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Zalo đã giúp ông có kênh bán hàng hiệu quả, giảm chi phí và kết nối trực tiếp với khách hàng.
Thông qua các kênh này, sản phẩm của hợp tác xã đã tiếp cận được nhiều thị trường mới, đặc biệt là nhóm khách hàng yêu thích các sản phẩm nông sản sạch. Điều này không chỉ giúp tăng trưởng doanh thu mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của hợp tác xã.
Tuy nhiên, hành trình làm quen với công nghệ không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với người cao tuổi. “Nhiều người vẫn gặp khó khăn do hạn chế về thị lực, trí nhớ hoặc tâm lý e ngại trước các thiết bị mới. Nhưng tôi tin rằng, chỉ cần kiên trì học hỏi, thường xuyên rèn luyện và có sự hỗ trợ từ con cháu, chúng ta sẽ dần dần hiểu và ứng dụng công nghệ vào công việc một cách hiệu quả”, ông Thư nói thêm.
Vơi bớt cô đơn
Ngoài việc giúp nâng cao hiệu quả trong công việc, công nghệ và mạng xã hội còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt cảm giác cô đơn của người cao tuổi. Với sự phát triển của các nền tảng như Facebook, Zalo… hay các ứng dụng gọi video, người cao tuổi ngày nay có thể dễ dàng kết nối và duy trì mối quan hệ với người thân, bạn bè, dù họ ở bất kỳ đâu. Điều này không chỉ giúp họ cảm thấy gần gũi hơn với các thành viên trong gia đình mà còn giúp mở rộng các mối quan hệ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khoảng một năm trở lại đây, cụ Nguyễn Thị Tý (87 tuổi) ở xã Nam Sách (xã Hồng Phong cũ) gần như không ra khỏi nhà bởi đôi chân không còn linh hoạt như trước. Cụ sống cùng con trai, các con cháu đều ở quanh quẩn gần nhà, duy chỉ có cô con gái út lấy chồng xa, lập nghiệp tận Trung Quốc. Trước đây, phải mấy năm cụ mới có cơ hội gặp con gái út một lần. Dù nhớ con nhưng chẳng biết phải làm sao.
Sự thay đổi đến từ một món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, một chiếc điện thoại thông minh mà con cháu mua tặng cụ. Ban đầu, cụ còn ngại dùng, phần vì tuổi cao, phần vì chưa quen. Nhưng chỉ sau vài lần được hướng dẫn, cụ đã ghi nhớ được cách gọi video.
"Giờ thì ngày nào tôi cũng nhìn thấy con gái. Nó gọi, tôi chỉ việc bấm vào cái hình mặt người là thấy nhau ngay. Nghe con nói chuyện, tôi vui lắm, như nó đang ngồi ngay trước mặt mình vậy", cụ Tý nói.
Không chỉ cụ Tý, ngày càng nhiều người cao tuổi ở các vùng quê cũng đang từng bước làm quen với công nghệ, từ trò chuyện qua ứng dụng gọi video, đến xem tin tức, giải trí trên mạng. Mạng xã hội và công nghệ đang dần trở thành “người bạn đồng hành” của người già, giúp họ sống vui, sống khỏe và sống ý nghĩa hơn trong thời đại mới.
TRẦN HIỀN