Ngành giáo dục Hải Phòng đã tích cực phối hợp tư vấn, hướng nghiệp, liên thông đào tạo, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Đẩy mạnh hợp tác trong hệ thống
Năm 2025, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng (mới) đề ra chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 96.000 người, trong đó, hệ cao đẳng khoảng 7.000 người, hệ trung cấp gần 13.000 người... Cùng với giải pháp phân luồng đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tích cực phối hợp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, liên thông đào tạo, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Theo thống kê, khoảng 80% số người học trình độ sơ cấp, trung cấp có nhu cầu học tiếp trình độ trung cấp, cao đẳng. Tháng 6 vừa qua, lần đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh đang học tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Bà Nguyễn Thị Ngân, Phó Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp và đại học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết phòng vừa tham mưu tổ chức 14 chương trình tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ hơn 2.000 học sinh, phụ huynh về cách thức đăng ký nguyện vọng tham gia tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn; những chính sách hỗ trợ mà học viên được thụ hưởng khi tham gia học các trình độ giáo dục nghề nghiệp... Qua đó, giúp phụ huynh định hướng, lựa chọn được ngôi trường phù hợp với năng lực, sở thích của con cái, điều kiện gia đình. Đồng thời, học viên có thêm thông tin về thị trường lao động, cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Thời gian qua, chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố có bước chuyển biến tích cực, kỹ năng nghề của người học sau khi tốt nghiệp được nâng lên. Hơn 85% số lao động qua đào tạo nghề trình độ cao đẳng sử dụng đúng nghề được đào tạo; hơn 30% số lao động tốt nghiệp đạt kỹ năng nghề từ khá trở lên...
Qua đó, bước đầu đáp ứng được nguồn nhân lực có tay nghề cao theo yêu cầu của các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu lao động. Theo ông Phạm Đức Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VMU, sự hợp tác tư vấn, tuyển sinh, đào tạo nghề theo hệ thống “ngành dọc” giữa các trường cao đẳng, trung cấp đem lại lợi ích đối với nhiều bên. Trong đó, người học được tiếp cận những thông tin về đào tạo, tuyển dụng chính thống, tránh nguy cơ tiếp cận các thông tin lừa đảo, giả mạo. Nhà trường có thêm thông tin để thay đổi nội dung, cập nhật chương trình đào tạo sát thực tiễn, bảo đảm nhu cầu của doanh nghiệp.
Mở rộng kết nối với nước ngoài
Cùng với đa dạng hóa, mở mới ngành, nghề đào tạo, một số trường như Trường Cao đẳng Hàng Hải và Đường thủy 1, Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng, Trường Cao đẳng Cơ giới Xây dựng... tăng cường liên kết, hợp tác nước ngoài để tham gia hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng một số chương trình đào tạo nghề trọng điểm khu vực, quốc tế. Thầy Trịnh Quốc Tấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ thực phẩm thông tin trước đây nhà trường từng duy trì hợp tác đào tạo với một số trường, đơn vị của Australia, Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc ở các lĩnh vực quản trị nhà hàng - khách sạn, công nghệ thông tin… Thời gian tới, nhà trường tiếp tục ký kết hợp tác với một số cơ sở đào tạo ở Nga, Pháp, tạo thêm nhiều cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm phù hợp cho sinh viên.
Để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn thành phố, cô Mai Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng cho biết năm học 2025 - 2026, nhà trường tiếp tục cập nhật giáo trình theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện công việc, tổ chức đào tạo song ngữ giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tập trung rèn luyện kỹ năng thuyết trình, giao tiếp… cho sinh viên. Nhà trường phát triển chương trình đào tạo tiên tiến trong nghề quản trị khách sạn, chế biến món ăn theo công nghệ chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức; nghề hướng dẫn viên du lịch, quản trị lữ hành chuyển giao từ Học viện Chilhsom (Australia)...
Còn Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải Phòng nối lại hoạt động hợp tác với Tập đoàn Anabuki, tỉnh Kagawa (Nhật Bản), nhằm trao học bổng khuyến khích sinh viên học tập, đăng ký làm việc tại Nhật Bản...
Các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn đang nỗ lực lớn để “thay lượng, đổi chất”, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới.
Trong các chuyến xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đồng chí Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục, đào tạo là đầu tư cho tương lai, nhất là đón đầu nguồn nhân lực khi các khu công nghiệp, khu kinh tế chuẩn bị được xây dựng và đưa vào khai thác.
Thành phố sẵn sàng ưu tiên, dành mặt bằng và tạo thuận lợi tối đa với các cơ chế, chính sách về đất đai, thuế để xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu; tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên, chuyên gia từ các trường đại học danh tiếng đến giảng dạy, nghiên cứu những lĩnh vực Hải Phòng đang cần như: đổi mới sáng tạo, logistics, vật liệu mới, năng lượng mới, bán dẫn…
Sự quan tâm đầu tư, định hướng bài bản, chiến lược của Thành uỷ, UBND thành phố thông qua các nghị quyết, đề án, cơ chế riêng biệt thể hiện tầm “nhìn xa, trông rộng”, tâm thế sẵn sàng “đón đầu” các nhà đầu tư đến với thành phố Cảng. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giáo dục chuyên nghiệp và đại học của TP Hải Phòng có cơ hội đổi mới căn bản, toàn diện, ngày càng khởi sắc, đáp ứng nguồn cung lao động không chỉ dồi dào mà còn có tay nghề, trình độ, năng lực giỏi, làm chủ được các trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để Hải Phòng sẵn nguồn nhân lực trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
MAI LÊ